Thâm nhập kho vũ khí hạt nhân Mỹ
Hệ thống vũ khí hạt nhân đồ sộ hiện nay của Mỹ là kết quả của hàng chục năm chạy đua khoa học và vũ trang với Liên Xô. Trước yêu cầu phải có khả năng đối đầu với một mối đe dọa khổng lồ, giới khoa học Mỹ đã nghiên cứu phát triển các đầu đạn càng nhỏ càng tốt. Trong suốt thời Chiến tranh lạnh, họ đã cho ra đời nhiều đầu đạn hạt nhân với sức tàn phá khủng khiếp nhưng nhỏ tới mức có thể gắn 10 đầu đạn lên một tên lửa. Nếu so với hai trái bom nguyên tử Mỹ ném xuống Nhật Bản thời Thế chiến 2, những đầu đạn mà họ phát triển sau này cách biệt một trời một vực về công nghệ.
Đầu đạn W-88 sử dụng cho tên lửa phóng từ tàu ngầm hoặc cũ hơn là đầu đạn W-76, có bộ phận chứa phóng xạ uranium nhỏ bằng lon soda. Trong thời kỳ chiến tranh lạnh, giới khoa học Mỹ còn sử dụng plutonium để sản xuất vũ khí hủy diệt với nhân nổ khá nhỏ. Theo báo Christian Science Monitor (CSM), Mỹ hiện đang triển khai gần 6.000 trong số khoảng 9.000 đầu đạn hạt nhân mà họ sở hữu. Trước đây, chính quyền Washington từng cho biết sẽ giảm số lượng xuống còn từ 1.700 đến 2.200 đầu đạn vào năm 2012. Với sự cắt giảm này, người ta hy vọng rằng số lượng đầu đạn hạt nhân của Mỹ chỉ còn khoảng 5% so với thời điểm đỉnh cao vào năm 1966, khi họ có tới 32.193 đầu đạn.
Bắt đầu từ tháng 10/1939, chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của Mỹ đã trải qua những giai đoạn phát triển kinh hoàng. Sau vụ thử đầu tiên vào ngày 16/7/1945, Mỹ đã tiến hành thử tới 1.054 vụ cho đến năm 1992. Mỹ cũng là nước duy nhất đến nay đã sử dụng vũ khí hạt nhân trong chiến tranh, đó là hai lần ném bom nguyên tử xuống Nhật Bản thời Thế chiến 2. Hiện nay, các đầu đạn của Mỹ được gắn trên nhiều loại bom và tên lửa khác nhau, với tầm bắn xa nhất của tên lửa phóng từ tàu ngầm là 12.000 km và phóng từ mặt đất là 13.000 km.
Sau thời kỳ căng thẳng của Chiến tranh lạnh, với cuộc chạy đua quyết liệt giữa Washington và Moscow cho đến khi Liên Xô tan rã cách đây hơn 15 năm, kho vũ khí hạt nhân của các cường quốc bắt đầu được cắt giảm, hay nói đúng hơn là tinh giản. Mỹ cũng ngưng việc phát triển đầu đạn hạt nhân mới kể từ năm 1992 để tập trung quản lý hệ thống đang có. Từ hơn 30.000 đầu đạn, Mỹ đang hướng tới việc giảm còn trên dưới 2.000 trong vòng 5 năm nữa. Hướng đi này một phần là do ảnh hưởng của Hiệp ước không phổ biến hạt nhân nhưng quan trọng hơn, đó là tiến trình phù hợp với sự thay đổi của thế giới. Mỹ, và các cường quốc hạt nhân nói chung, hiện không cần những kho vũ khí cồng kềnh mà hướng tới sự gọn nhẹ, linh hoạt nhưng không giảm khả năng chiến đấu. Tức là về mặt số lượng thì giảm, nhưng chất lượng thì được nâng cao. Điều này đòi hỏi Mỹ phải có một thế hệ đầu đạn mới.
Đầu đạn thế hệ mới
Bức tranh địa chính trị của thế giới đã đổi khác, đồng minh, kẻ thù của nước Mỹ đã khác xưa, người Mỹ không còn cần một kho vũ khí hạt nhân đồ sộ để đối đầu với một đối thủ khổng lồ như Liên Xô thuở trước. Giờ đây, kẻ thù của họ có thể là một quốc gia cụ thể, cũng có thể là một tổ chức khủng bố giấu mặt. Mỹ vẫn cần một hệ thống vũ khí chiến lược tối tân, nhưng gọn nhẹ hơn và các công đoạn sản xuất cũng phải đơn giản hơn.
Theo CSM, người Mỹ đang tìm cách thiết kế một kiểu đầu đạn thế hệ mới dựa trên những đầu đạn hiện có. Yêu cầu của loại đầu đạn mới là đảm bảo độ chính xác cao, dễ sản xuất và vẫn đảm bảo được an toàn trong trường hợp rơi vào tay khủng bố. Có nghĩa là việc sử dụng thế hệ vũ khí mới đòi hỏi thiết bị hỗ trợ mà các nhóm khủng bố không thể có được.
Ý tưởng nâng cấp hệ thống vũ khí hạt nhân manh nha vào năm 2001, khi chính quyền của Tổng thống G.Bush kêu gọi tiến hành nghiên cứu chế tạo một thế hệ vũ khí hạt nhân mới, trong đó có việc phát triển vũ khí phá boong-ke chống hạt nhân, các đầu đạn đặc biệt nhằm phá hủy cơ sở vũ khí sinh - hóa học của kẻ thù. Quốc hội đã không thông qua kế hoạch này. Tuy nhiên, sau đó 3 năm, một dự án nâng cấp vũ khí hạt nhân đã được triển khai, đó là dự án thiết kế đầu đạn hạt nhân thay thế (RRW).
Đầu tháng này, báo Washington Post cho biết Cơ quan an ninh hạt nhân quốc gia Mỹ (NNSA) đã chọn mẫu thiết kế đầu đạn của hai phòng thí nghiệm Lawrence Livermore và Sandia. Mẫu thiết kế này là cơ sở để một loại đầu đạn hạt nhân thế hệ mới ra đời và chính thức được triển khai vào năm 2012.
Ban đầu, việc thay mới chỉ được tiến hành đối với thế hệ tên lửa Trident phóng từ tàu ngầm. Đầu đạn mới cho phép Mỹ có được khả năng ngăn chặn bằng vũ khí hạt nhân đáng tin cậy đến giữa thế kỷ 21. Theo yêu cầu của Quốc hội, giới khoa học hạt nhân Mỹ sẽ thiết kế các đầu đạn thay thế số đang được triển khai hiện nay chứ không sản xuất thêm cho những sứ mệnh mới, chẳng hạn như loại phá hầm chống hạt nhân.
Theo kế hoạch, nhóm thiết kế sẽ làm việc với Hải quân Mỹ trong vòng 10 tháng tới để xác định chi phí cho các giai đoạn phát triển đầu đạn cũng như kế hoạch chế tạo. Theo Washington Post, ngân sách năm 2008 của NNSA có 88 triệu USD cho chương trình RRW. Tuy nhiên, có thể Quốc hội sẽ giới hạn khoản ngân sách này cũng như làm chậm tiến trình thực hiện dự án vì lo ngại các vụ thử nghiệm hạt nhân mới sẽ được tiến hành.
Sẽ có vụ thử mới?
Trong lịch sử phát triển vũ khí hạt nhân, Mỹ từng hơn 1.000 lần tiến hành nổ thử nghiệm. Tuy nhiên, từ sau ngày 23/9/1992, nước này không tiến hành thêm vụ thử nào. Mỹ cũng đã ký vào Hiệp ước cấm thử nghiệm hạt nhân. Tuy nhiên, giờ đây, khi kế hoạch phát triển đầu đạn mới được tiết lộ, người ta lo ngại rằng Washington sẽ thử hạt nhân trước khi triển khai chúng vào năm 2012. "Tôi cho rằng chúng ta đang trên đường phát triển hệ thống vũ khí hạt nhân mới, điều này có thể dẫn tới việc tiến hành các vụ thử vũ khí hạt nhân", Hạ nghị sĩ J.Matheson của bang Utah phát biểu.
Đáp lại, NNSA đã lên tiếng trấn an dư luận vào tuần qua. Báo The Salt Lake Tribune dẫn lời Thomas D'Agostino, quyền Giám đốc Cơ quan an ninh hạt nhân quốc gia, nói rằng Mỹ không dự định thử hạt nhân. "Sẽ không có vụ thử nghiệm dưới lòng đất trong chương trình RRW. Chấm hết. Đó là sự cam kết mà tôi và những người khác trong cơ quan này đã nhiều lần nhấn mạnh, bao gồm cả việc giải trình trước Quốc hội. Nếu được lệnh phải thử RRW, chúng tôi sẽ không tiếp tục tiến hành phát triển loại vũ khí hạt nhân này nữa", ông D'Agostino nói.
Đó là cam kết. Tuy nhiên, những vấn đề liên quan đến an ninh quốc gia của nước Mỹ thì khó có thể được xác định chỉ bằng một lời cam kết. Đám mây lo ngại vì thế vẫn tiếp tục lan tỏa.
Các nước nâng cấp vũ khí hạt nhân Hiện nay, Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp, Ấn Độ và Pakistan đã công khai khẳng định việc sở hữu vũ khí hạt nhân. Dư luận cho rằng Israel cũng có vũ khí hạt nhân nhưng nước này chưa bao giờ thừa nhận, ngoại trừ một phát biểu "lỡ lời" của Thủ tướng E.Olmert gần đây. Ngoài ra, CHDCND Triều Tiên cũng từng tuyên bố phát triển thành công vũ khí hạt nhân. Các nước phương Tây hiện nghi ngờ Iran đang phát triển loại vũ khí này nhưng Tehran đã phủ nhận. Trong vài năm gần đây, một số cường quốc hạt nhân đã thông báo kế hoạch thay đổi hệ thống vũ khí của mình. Theo BBC, năm 2004, Nga cho biết sẽ gắn tên lửa hành trình mang đầu đạn hạt nhân với tầm bắn 3.000 km lên máy bay ném bom Tu-160 và Tu-95 với mục tiêu công phá các cơ sở khủng bố ở ngoài lãnh thổ Nga. Một số dự án nâng cấp tàu ngầm, tên lửa đạn đạo xuyên lục địa cũng đã được Moscow lên kế hoạch. Cách đây vài ngày, Hạ viện Anh đã thông qua kế hoạch nâng cấp hệ thống tàu ngầm trang bị vũ khí hạt nhân của mình. |
Đỗ Hùng
Bình luận (0)