Mỹ thuật ứng dụng bị coi là 'kém sang'

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
06/03/2019 06:36 GMT+7

Ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Triển lãm (Bộ VH-TT-DL), cho biết có một thành kiến là coi trọng mỹ thuật tạo hình hơn mỹ thuật ứng dụng , mỹ thuật công nghiệp. Trong khi đó, mỹ thuật công nghiệp lại quá cần cho đời sống.

Bế tắc mẫu mã, nhân lực
Ngày 5.3, tại Hà Nội, Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Triển lãm họp báo phát động Triển lãm mỹ thuật ứng dụng toàn quốc lần thứ 4. Ông Vi Kiến Thành tỏ ra lo lắng về mất cân đối cung cầu của việc đào tạo mỹ thuật công nghiệp. “Nhu cầu xã hội nghiêng hẳn về mỹ thuật ứng dụng. Thông số chung trên thế giới, cứ đào tạo 8 người làm mỹ thuật ứng dụng mới có 2 người về tạo hình. Trong khi đó, trước đây ta lại không đào tạo nhiều về mỹ thuật ứng dụng. Nhưng thực tế cho thấy rõ ràng vai trò của mỹ thuật ứng dụng ngày càng lớn. Nên chúng ta phải nhận thức lại. Rõ ràng có thành kiến coi trọng mỹ thuật tạo hình hơn mỹ thuật công nghiệp trong thời gian qua”, ông Thành nói.
Không chỉ ông Thành, cả Chủ tịch Hội Mỹ thuật VN Trần Khánh Chương cũng lo lắng về khả năng sáng tạo của các họa sĩ mỹ thuật công nghiệp. Điều đó được thể hiện rõ qua thị trường quà tặng và hàng thiết kế nội địa. Chẳng hạn, quà du lịch tại các cửa hàng chợ đêm giống nhau như đúc. Cũng có lần Hội cùng Đà Nẵng phát động sáng tác quà tặng cho du lịch địa phương. Tuy nhiên, cuộc phát động đó không thành công. “Làm thế nào để làm được sản phẩm đột phá?”, ông Chương đau đáu.
Ông Chương cho biết, hiện cả nước có 83 trường và khoa đào tạo mỹ thuật. Có nghĩa là đã có hướng chuyển đổi thúc đẩy đào tạo ngành này. Tuy nhiên, đào tạo nhiều song sản phẩm triển lãm lại ít. Thứ nhất, họa sĩ không quan tâm nên ít dành thời gian sáng tác. Thứ hai, nhuận bút cho sản phẩm thiết kế nhỏ không đáng bao nhiêu nên không quan tâm. Trong khi đó, sản phẩm của nước ngoài mang vào bán thì ta đã quen mắt và coi đó là sản phẩm của mình.
Ông Lưu Duy Dần, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề VN, lại có nỗi lo quy hoạch các vùng nguyên liệu để phát triển sản phẩm thủ công. Tuy nhiên, cái lo hơn cả của ông vẫn là mẫu thiết kế. “Cả nước có 5.000 làng nghề. Hội Nghệ nhân có 17 nghệ nhân nhân dân, năm nay sẽ còn tăng nữa. Nhưng lúc này làng nghề đang bế tắc về mẫu mã”, ông nói.

“Cuộc điểm binh”

Chính vì thế, triển lãm Mỹ thuật ứng dụng toàn quốc lần thứ 4, dự kiến tổ chức tháng 10 tới tại Bảo tàng Hà Nội, được coi như “cuộc điểm binh”, được kỳ vọng sẽ thúc đẩy công nghiệp văn hóa. Ban giám khảo sẽ nhận ảnh chụp tác phẩm từ 22 - 30.6, sau đó nhận tác phẩm thật trong tháng 8. Tác giả, nhóm tác giả là công dân VN sẽ được dự thi với các tác phẩm sáng tác sản xuất trong 5 năm gần đây.
Hiện tại, ban giám khảo chưa được công bố. Tuy nhiên, theo ông Vi Kiến Thành, ban giám khảo cũng sẽ có nhiều thành phần sáng tạo. Đặc biệt, khi thị trường thiết kế đồ họa, quảng cáo đang sôi động, trong thành phần có thể sẽ có cả chuyên gia marketing để đánh giá đúng hơn về ý tưởng quảng cáo của tác phẩm.
Cũng theo ông Thành, dự kiến các tác phẩm thiết kế gốm sẽ có số lượng cao nhất, bởi gốm là một thế mạnh của các nghệ nhân VN. Mặc dù vậy, triển lãm này sẽ chỉ chấp nhận những tác phẩm sáng tạo mới mà không chấp nhận tác phẩm phục dựng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.