Căng thẳng với Nga khiến châu Âu loay hoay tìm lời giải cho bài toán năng lượng, đồng thời thể hiện tầm quan trọng chiến lược của việc tự chủ năng lượng.
Trong khi đó, Mỹ vốn là nước có nhu cầu tiêu thụ năng lượng rất lớn đã dần dần tiến đến tự chủ và thậm chí sắp trở thành nước xuất khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) đứng đầu thế giới trong năm nay. Quá trình tiến đến độc lập về năng lượng của Mỹ dựa trên việc đẩy mạnh khai thác cũng như phát triển nhiều công nghệ then chốt như khai thác dầu khí đá phiến.
Một giếng dầu tại bang Texas, Mỹ |
Reuters |
Chuyển đổi từ nhập khẩu
Theo Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA), từ giữa thập niên 1950, Mỹ bắt đầu gia tăng nhập khẩu dầu thô và các sản phẩm xăng dầu nhằm bù đắp cho khoản thiếu hụt giữa sản xuất và tiêu thụ trong nước. Nhập khẩu năng lượng ròng tăng dần và đạt kỷ lục vào năm 2005, tương đương khoảng 30% tổng mức tiêu thụ năng lượng trong nước.
Tuy nhiên, tổng mức nhập khẩu năng lượng sau đó giảm dần, trong khi xuất khẩu tăng dần. Đến năm 2019, Mỹ lần đầu trở thành nước xuất khẩu ròng năng lượng kể từ năm 1952 và tiếp tục duy trì trong năm 2020. Riêng về dầu thô, tổng mức xuất khẩu của Mỹ tăng liên tục từ năm 2010 và đạt kỷ lục vào năm 2020 với khoảng 3,18 triệu thùng/ngày. Năm ngoái Mỹ nhập khẩu các sản phẩm xăng dầu từ 73 nước với khoảng 8,47 triệu thùng/ngày, trong khi xuất khẩu khoảng 8,63 thùng/ngày đến 176 nước và 4 lãnh thổ của Mỹ.
Đáng chú ý, từ năm 2018, Mỹ đã vượt qua Nga và Ả Rập Xê Út để trở thành nhà sản xuất dầu thô và khí thiên nhiên lớn nhất thế giới. Những nhà sản xuất dầu khí ở Mỹ tập trung tại các bang Alaska, Texas, Bắc Dakota, New Mexico và Oklahoma. Sản lượng dầu thô của Mỹ hiện đạt mức khoảng 14,8 triệu thùng/ngày, tiếp theo là Ả Rập Xê Út với 12,4 triệu thùng/ngày và Nga với 11,3 triệu thùng/ngày, theo trang Worldometer.
Theo Reuters, dự kiến Mỹ sẽ trở thành nước xuất khẩu LNG lớn nhất thế giới trong năm nay, vượt qua 2 nước dẫn đầu là Qatar và Úc, và có thể giữ vị trí này trong nhiều năm tới. EIA dự báo xuất khẩu LNG của Mỹ sẽ đạt hơn 325 triệu m3/ngày trong năm nay, tương đương khoảng 22% nhu cầu LNG của thế giới.
Các nhà xuất khẩu khí đốt tại Mỹ còn có thêm động lực mới khi đang chuyển dần từ thị trường châu Á sang châu Âu, chủ yếu do giá ở châu Âu tăng cao liên quan căng thẳng với Nga. Từ đầu năm đến nay, châu Âu chiếm gần 75% lượng LNG xuất khẩu của Mỹ, tăng 34% so với năm ngoái. Chính quyền của Tổng thống Joe Biden còn khuyến khích sự chuyển hướng trên bằng cách dỡ bớt các giới hạn xuất khẩu đến một số nước châu Âu.
Tàu Clean Ocean trong một lần giao khí đốt của Mỹ cho Ba Lan |
Trữ lượng lớn
Theo Forbes, việc nhập khẩu ròng năng lượng của Mỹ bắt đầu giảm từ năm 2005 nhờ việc đẩy mạnh áp dụng công nghệ thủy lực cắt phá trong khai thác dầu. Vào năm đó, nhập khẩu ròng các sản phẩm xăng dầu của Mỹ trung bình là 12,5 triệu thùng/ngày. Con số này giảm xuống còn 4,8 triệu thùng/ngày vào năm 2017 khi cựu Tổng thống Barack Obama kết thúc nhiệm kỳ, và nhập khẩu ròng âm trong năm cuối nhiệm kỳ cựu Tổng thống Donald Trump.
Bên cạnh đó, Mỹ còn có trữ lượng dầu khí dồi dào.
Công ty Rystad Energy (Na Uy) cho rằng Mỹ đứng đầu thế giới với trữ lượng khoảng 256 tỉ thùng dầu chưa khai thác, bao gồm các giếng dầu đang khai thác, các dự án mới, những phát hiện mới cũng như dự đoán về những giếng dầu chưa khai thác. Tiếp theo, trong danh sách là các nước Ả Rập Xê Út (212 tỉ thùng), Canada (167 tỉ thùng), Iran (143 tỉ thùng) và Brazil (120 tỉ thùng). Theo CNN dẫn thông tin từ Rystad Energy, ước tính hơn phân nửa trữ lượng dầu chưa khai thác của Mỹ là dầu đá phiến.
Sức mạnh công nghệ
Dầu khí đá phiến từng nằm ngoài tầm với của con người nhưng được khai thác nhờ công nghệ thủy lực cắt phá (fracking). Công nghệ này được thí nghiệm vào năm 1947 và áp dụng thương mại lần đầu vào năm 1949. Tuy nhiên, việc ứng dụng bị hạn chế do trữ lượng dầu phân tán và nằm sâu dưới lòng đất nên việc khai thác gặp nhiều trở ngại, sản lượng thấp và chi phí rất cao. Theo Foreign Affairs, các nhà sản xuất tại Mỹ sau đó đã kết hợp với kỹ thuật khoan ngang khiến nguồn tài nguyên này trở nên khả thi về thương mại, tạo nên cuộc cách mạng về khai thác dầu khí đá phiến.
Nhờ đó, từ năm 2007 - 2012, sản lượng khí đá phiến của Mỹ tăng hơn 50% mỗi năm và tỷ lệ của khí đá phiến trong tổng sản lượng khí đốt Mỹ tăng từ 5 - 39%. Các cơ sở từng được sử dụng để đưa LNG đến người tiêu dùng Mỹ được cải tạo lại nhằm xuất ngược khí đốt ra nước ngoài. Từ năm 2007 - 2012, fracking cũng giúp gia tăng gấp 18 lần sản lượng dầu nhẹ, loại dầu chất lượng cao khai thác từ đá phiến hay sa thạch. Theo phân tích của Forbes, quá trình giảm lệ thuộc nước ngoài về năng lượng của Mỹ đã chững lại trong năm 2015 và 2016. Khi đó, Ả Rập Xê Út được cho là muốn khiến các công ty dầu khí đá phiến của Mỹ phá sản bằng cách đẩy mạnh khai thác khiến giá dầu giảm mạnh. Tuy nhiên, tiến trình giảm lệ thuộc của Mỹ tăng trở lại từ năm 2017, sau khi Ả Rập Xê Út dừng “cuộc chiến giá dầu” và tìm cách nâng giá trở lại. Từ năm 2016 - 2018, giá dầu thô WTI trung bình tăng hơn 50%, thúc đẩy lĩnh vực sản xuất tăng mạnh trở lại.
EU, Mỹ đạt thỏa thuận cung cấp khí đốt để giảm lệ thuộc Nga |
Mỹ đạt được hợp đồng LNG cực lớn với châu Âu
Theo tờ The New York Times, Mỹ đang phối hợp nhằm giúp châu Âu giảm lệ thuộc vào khí đốt từ Nga. Theo thỏa thuận giữa Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) vừa được công bố, Mỹ sẽ tăng thêm 15 tỉ m3 khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) đến châu Âu trong năm nay, tương đương 10 - 15% sản lượng xuất khẩu hằng năm của Mỹ ra nước ngoài. Dự định Mỹ sẽ tăng thêm đến 50 tỉ m3/năm LNG xuất sang châu Âu hằng năm đến năm 2030. Bên cạnh đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen ngày 25.3 thông báo lập nhóm chuyên trách chung nhằm giảm phụ thuộc của châu Âu vào nhiên liệu hóa thạch Nga và tăng cường an ninh năng lượng châu Âu. Bà von der Leyen cho hay số lượng LNG Mỹ cung cấp cho EU đang thay thế 1/3 lượng khí đốt Nga cung cấp cho châu Âu trong thời điểm hiện nay. Theo tờ The Guardian, Nga đã cung cấp khoảng 40% nhu cầu khí đốt của châu Âu, với 155 tỉ m3 trong năm ngoái.
Bình luận (0)