Mỹ vẫn yêu cầu dừa tươi Việt Nam phải 'cạo trọc' khi xuất khẩu

09/02/2023 15:37 GMT+7

Sau một thời gian kiến nghị, Cơ quan Kiểm dịch động thực vật Mỹ (APHIS) vẫn ban hành dự thảo yêu cầu dừa tươi Việt Nam phải được gọt sạch sẽ nếu muốn xuất khẩu vào thị trường này. Dự thảo đang được lấy ý kiến của các doanh nghiệp Việt Nam.

Mỹ vẫn yêu cầu dừa tươi Việt Nam phải "cạo trọc" khi xuất khẩu - Ảnh 1.

Quy định gọt sạch vỏ ngoài khi xuất khẩu đi Mỹ khiến thời gian bảo quản dừa tươi Việt Nam bị ảnh hưởng

CTV

Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) vừa có công văn đến các Sở địa phương trồng dừa và các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, xuất khẩu dừa để góp ý về dự thảo của Mỹ liên quan đến quy định kiểm dịch khi xuất khẩu mặt hàng nông sản này sang Mỹ. Trước đây, nước này đồng ý chỉ cần gọt hết vỏ xanh và để vỏ trắng, nhưng hiện nay, cơ quan quản lý tại Mỹ đã thay đổi quy định: Dừa tươi phải gọt tới phần sọ dừa mới được xuất khẩu. Từ đầu năm 2022, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu kêu khó khi xuất khẩu dừa tươi sang Mỹ bởi việc gọt sạch vỏ dừa khiến trái dừa nhanh hỏng hơn, thời gian bảo quản ngắn hơn.

Để giải quyết vấn đề nêu trên, Cục Bảo vệ thực vật đã hoàn thiện và nộp hồ sơ kỹ thuật, đề nghị Mỹ cấp phép xuất khẩu quả dừa tươi có vỏ của Việt Nam. Đầu tháng 2.2023, Cơ quan Kiểm dịch Động thực vật Mỹ (APHIS) đã hoàn tất dự thảo báo cáo phân tích nguy cơ dịch hại đối với sản phẩm dừa tươi của Việt Nam để tham vấn ý kiến các bên liên quan trong thời gian 30 ngày.

Theo dự thảo báo cáo phân tích nguy cơ dịch hại đối với sản phẩm dừa tươi của Việt Nam, để được phép xuất khẩu, sản phẩm dừa phải đáp ứng được các yêu cầu khắt khe từ giai đoạn gieo trồng đến lúc thu hoạch để đảm bảo chất lượng sản phẩm tốt nhất: Mặt hàng xuất khẩu phải là dừa non tươi, đã loại bỏ những quả thối, rụng. Vỏ màu xanh lá cây; khi chín, vỏ chuyển sang màu nâu. Trong xử lý sau thu hoạch, dừa tươi phải được gọt bỏ toàn bộ phần vỏ xanh và ít nhất 75% phần xơ dừa.

Phía Mỹ cũng xác định có 43 loài dịch hại trên cây dừa, gồm: 1 loài nhện, 39 loài côn trùng, 1 loài ốc sên, 1 loài vi khuẩn và 1 loài tuyến trùng. Tuy nhiên, theo kết quả phân tích nguy cơ dịch hại, không loài nào có khả năng đi theo dừa non tươi xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ.

Cục Bảo vệ thực vật và Cục Kiểm dịch động thực vật Mỹ sẽ tiếp tục trao đổi, đàm phán để lựa chọn các biện pháp kiểm dịch thực vật thích hợp, nhằm giảm thiểu nguy cơ dịch hại. Tuy nhiên, về lâu dài doanh nghiệp VN cần phải thay đổi công nghệ để bảo quản dừa lâu hơn mà vẫn đáp ứng được yêu cầu của thị trường Mỹ. Theo ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, nếu đàm phán được với Mỹ để được chấp thuận cho Việt Nam xuất khẩu theo hướng cũ thì sẽ thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, dễ bảo quản. Tuy nhiên, nếu thị trường quy định như vậy thì doanh nghiệp cũng cần phải tuân thủ. Dừa Thái Lan xuất khẩu đi cũng gọt đến tận sọ; Thái Lan làm được sao Việt Nam lại không làm được?

"Nếu chúng ta làm được như Thái Lan thì sẽ tiết kiệm chi phí vận chuyển rất lớn. Thùng đựng dừa thay vì đựng 8 trái, nếu gọt vỏ đến tận sọ có thể đựng được 10 - 12 trái. Như vậy, chi phí vận chuyển rất hiệu quả. 1 container chúng ta chỉ đi được 10.000 trái dừa, trong khi đó, Thái Lan có thể đi được 15.000 trái, chi phí vận chuyển thấp sẽ tạo sức cạnh tranh rất lớn đối với sản phẩm cùng loại của chúng ta", ông Đặng Phúc Nguyên chia sẻ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.