TNO

Myanmar du ký - Kỳ 1: Ở Yangon, đi taxi trả giá thoải mái

24/10/2014 00:00 GMT+7

(iHay) Đi taxi ở Yangon (Myanmar) là một trải nghiệm đáng nhớ. Taxi chẳng có đồng hồ, trả giá thoải mái...

(iHay)  Đi taxi ở Yangon (Myanmar) là một trải nghiệm đáng nhớ. Taxi chẳng có đồng hồ, trả giá thoải mái, giá trung bình khoảng 10.000 đồng/km... 

>> Myanmar, vẻ đẹp không thể đánh cắp

 

Myanmar với những thông tin trong trí nhớ của tôi 4 năm về trước, là đất nước của những điều kỳ bí, vùng tam giác vàng, chưa được miễn visa, muốn đi từ vùng này sang vùng khác chỉ có cách đi máy bay, có cố đô Bangan với hàng nghìn ngôi chùa cổ, có những người dân dùng chân chèo thuyền trên hồ Inle rộng mênh mông, cây cầu gỗ tếch dài nhất thế giới là nơi ngồi ngắm hoàng hôn tuyệt đẹp...

Và 4 năm sau, khi tôi gõ từ khóa Myanmar tìm kiếm trên Google, cả triệu kết quả hiện ra với những bài viết chia sẻ và hình ảnh của những người đã từng đến Myanmar. Kinh nghiệm đi lại, ăn ở, ngủ nghỉ... cực kỳ chi tiết. Trong đầu tôi nghĩ đọc nhiều sẽ loạn, chỉ cần chọn một cái lịch trình giống dự định của mình nhất làm "kim chỉ nam" cho chuyến đi là sẽ ổn.

Chúng tôi đặt được vé khứ khồi đi Myanmar với giá 2,8 triệu/người, rẻ hơn khoảng 1/3 so với giá vé bình thường. Bây giờ sang Myanmar không cần phải xin visa như trước, cứ cầm hộ chiếu làm thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh tại các sân bay rất dễ dàng, nhanh chóng. Theo như kinh nghiệm đã đọc được, nhiều người khuyên nên đặt trước mọi dịch vụ để được giá tốt, có người hướng dẫn, đưa đón khi tới nơi. Tuy nhiên, do muốn khám phá, phiêu lưu một chút nên chúng tôi quyết định đi đến đâu, tính đến đó.

Quãng đường bay từ Hà Nội tới Yangon khá ngắn, chỉ mất khoảng 1 giờ 30 phút, bay trên đất liền. Tầm bay thấp, nếu trời quang thì có thể nhìn rõ mọi thứ bên dưới. Yangon đón chúng tôi bằng cơn mưa... đúng như dự đoán. Tháng 9 là mùa mưa ở Myanmar. Mưa có thể cả ngày, trời âm u, không khí ẩm thấp dễ làm người ta bị cảm cúm. Kiểu thời tiết này chẳng khác mấy so với ở Hà Nội, mưa dai dẳng khiến chúng tôi nghĩ tới viễn cảnh u ám là không thể đi chơi đâu.


Đường phố Yangon với rất nhiều ô tô đời cũ

Chúng tôi hoàn thành thủ tục nhập cảnh khá nhanh, không mấy phiền toái. Tiếp đó là việc đổi tiền. Cứ 100 USD tại sân bay đổi được 96.900 kyat (đổi vào ngày 31.8). Trong thành phố, có vài nơi đổi với tỉ giá hấp dẫn hơn nhưng kèm nhiều điều kiện rất "ngớ ngẩn": tiền USD phải mới cứng, không nếp nhăn, còn nếu có nếp nhăn dù chỉ một vạch thôi cũng bị giảm giá trị. Những tờ USD mệnh giá thấp hơn thì giá trị lại càng thấp. Tờ 1USD không được ưa chuộng tại đây.

Thành phố Yangon hầu như không có bóng một chiếc xe máy nào, chỉ toàn ô tô và ô tô. Đi taxi ở Yangon là một trải nghiệm đáng nhớ. Taxi chẳng có đồng hồ, mặc cả thoải mái, trung bình khoảng 10.000 đồng/km. Giá đi từ sân bay về trung tâm thành phố khoảng 7.000 kyat (khoảng 150.000 đồng). Giá đi lại xung quanh thành phố rơi vào khoảng từ 1.500 - 2.000 kyat (30.000 - 40.000 đồng). Đáng chú ý, Yangon được quy hoạch kiểu ô bàn cờ, rất ít ngõ ngách như tại Việt Nam.

 


Những tòa nhà chung cư cao 5-7 tầng cũ kỹ tại Yangon


Ô tô đỗ ngay trên đường, san sát nhau gây ra tắc đường mỗi khi tan tầm


Tại Myanmar đàn ông thường rất thích ăn trầu, những hàng bán loại "kẹo cao su" này có ở khắp các ngõ phố

Đường phố ở Yangon rộng, nhiều làn xe, nhưng lại đi một chiều. Bạn có thể chỉ cho taxi điểm mình cần đến, bác tài xế gật đầu, thỏa thuận xong giá, chạy xe xa lắc lơ mới đến nơi, thấy tiền mình bỏ ra thật xứng đáng. Nhưng sau đó, tôi mới phát hiện ra điểm đến chẳng cách xa chỗ chúng tôi ở, chỉ vì đường Yangon một chiều nên taxi phải đi vòng vèo theo đúng kiểu "gần nhà xa ngõ".

Yangon cũng ít điểm tham quan, nổi tiếng nhất là chùa vàng Shwedagon. Chúng tôi đến đây vào thời điểm mà người Myanmar gọi là tháng của Phật, nên chùa rất đông. Tất cả phải bỏ giày, dép ngay từ cổng đi vào. Có thể đi thang bộ, thang cuốn hoặc thang máy để lên khu vực tháp chính nhanh hơn.

Với du khách nước ngoài, buổi sáng tới tham quan chùa phải mua vé vào cổng 8.000 kyat/vé. Quần áo phải mặc quá đầu gối, quần ngố mà lửng đầu gối thì cũng phải mua thêm cái quần longi quấn vào. Và một điểm nữa là du khách nước ngoài chỉ được đi xung quanh chùa, không được vào bên trong của tháp chính. Điều này làm tôi tò mò và hơi tiếc nuối.


Chùa vàng Shwedagon tại Yangon. Vào tháng Phật (tháng 8 Âm lịch) người dân Myanmar sẽ nghỉ ngày chủ nhật, thứ 2 để đi chùa

Sau đêm mưa dài, nặng hạt, buổi sáng tại Yangon trời lại quang mây, có nắng và khá oi bức. Dù sao trời "thương" không mưa là quá tốt. Đi mỏi chân thì chúng tôi tìm quán ăn để thưởng thức các món của Myanmar. Quán có tên là Feel Myamar nằm bên đường xung quanh có rất nhiều sứ quán các nước. Lượn một vòng, chúng tôi cảm thấy khá hài lòng với các món ăn được bày biện từ Á, Âu tới các món truyền thống của Myanmar. Tất nhiên là chúng tôi cũng chọn mấy món Myanmar ăn thử, nhưng không hợp lắm vì nó cay và mặn. Đành phải chuyển qua những món nhìn có vẻ giống ở Việt Nam để "ăn cho lành". Cuối cùng cũng được một bữa ăn no say, tươm tất với giá khoảng hơn 20.000 kyat cho 4 người.

Khách sạn tại Yangon quả đúng như nhận xét của nhiều người: đắt và không đẹp. Những khách sạn khang trang một chút, phòng tiện nghi chút thì giá từ 20 - 30 USD/đêm. Còn lại nếu xấu, bẩn thì khoảng 15 USD/đêm. Khách sạn chúng tôi ở tận dụng năng lượng mặt trời để đun nước nóng. Tuy nhiên, trời mưa nhiều khiến nước chỉ còn ấm. Mà nước ấm cung cấp không đủ cho cả khách sạn nên nhiều lần chúng tôi phải ngậm ngùi tắm nước lạnh...

Du ký của Hồng Minh

(Còn tiếp)

>> Thăm ngôi chùa được dát 60 tấn vàng của Myanmar
>> Khám phá Myanmar không cần visa
>> Có một Myanmar rất khác

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.