Cuộc gặp ngày 31.10 diễn ra tại Phủ Tổng thống do ông Thein Sein chủ trì được đánh giá là “chưa có tiền lệ” tại đất nước vừa ra khỏi chế độ quân sự được hơn 3 năm này. Sự kiện đã quy tụ 2 phó tổng thống, lãnh đạo lưỡng viện quốc hội, tư lệnh và phó tư lệnh quốc phòng, Chủ tịch Ủy ban Bầu cử liên bang cùng lãnh đạo 6 đảng chính trị lớn. Trong đó, nhân vật được chú ý nhiều nhất là dân biểu đối lập Aung San Suu Kyi, Chủ tịch đảng Liên minh quốc gia vì dân chủ (NLD).
|
Giới truyền thông đưa hình ảnh ông Thein Sein bắt tay bà Suu Kyi tại tiền sảnh và cùng bước vào phòng họp ở thủ đô Naypyitaw như biểu tượng của một sự hòa giải và chấp nhận. Ông Chan Mya, một viên chức đã nghỉ hưu và theo dõi sát sao tình hình chính trị trong nước, cho Thanh Niên hay cuộc gặp này nhằm tháo gỡ nhiều vấn đề mà chính phủ và quân đội đang đối mặt như các rối rắm chính trị, tiến trình cải cách bị chững lại, xung đột sắc tộc - tôn giáo ở một số địa phương, cáo buộc chèn ép báo chí...
Tuy nhiên, điều ông Chan quan tâm nhất là việc sửa đổi điều khoản trong hiến pháp cấm công dân Myanmar có vợ chồng hay con cái là người nước ngoài tranh cử tổng thống. Điều khoản này được tin là nhằm trói chân bà Suu Kyi bởi chồng và 2 con bà mang quốc tịch Anh.
Nguồn tin của Thanh Niên có mặt tại cuộc gặp cho hay bà Suu Kyi đã nêu vấn đề sửa điều khoản hiến pháp về bầu cử nhưng “cuộc họp đã không thảo luận vấn đề này”. AFP dẫn lời Bộ trưởng Thông tin kiêm phát ngôn viên của tổng thống, ông Ye Htut, sau đó cho biết: “Họ đã nhất trí sẽ thảo luận vấn đề này tại quốc hội, theo đúng quy định luật pháp”.
Bà Aung San Suu Kyi, Chủ tịch đảng Liên minh quốc gia vì dân chủ (NLD) - Ảnh: Reuters |
Tuần trước, chính phủ Myanmar công bố tổng tuyển cử mới sẽ diễn ra vào cuối tháng 10 hoặc đầu tháng 11.2015. Ngay trước cuộc gặp bất thường hôm 31.10, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã điện đàm với ông Thein Sein lẫn bà Suu Kyi để thảo luận về cuộc bầu cử sắp tới.
Theo thông cáo của Nhà Trắng, ông Obama “đã nhấn mạnh sự cần thiết rằng cuộc bầu cử 2015 phải theo một quy trình khả tín và có đầy đủ đại diện”. Bên cạnh đó, Tổng thống Mỹ cũng đề cập vấn đề giải quyết căng thẳng sắc tộc và tôn giáo cũng như tiến trình cải cách chính trị và kinh tế của Myanmar. Ông Obama và lãnh đạo 7 quốc gia đối tác lớn của ASEAN sẽ đến Naypyitaw để dự đợt Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN và Thượng đỉnh Đông Á vào ngày 12 - 13.11.
Bình luận về cuộc gặp hôm qua, nhà hoạt động chính trị và môi trường Aung Tun của Tổ chức Myanmar Egress nói với Thanh Niên rằng ngoài tác động về dư luận quốc tế trước thềm đợt hội nghị nói trên, việc Tổng thống Thein Sein gặp tất cả những nhân vật chính yếu của quốc gia và bàn nhiều vấn đề khác nhau, đặc biệt là vai trò của quân đội và cải cách chính trị - kinh tế, cho thấy “ông ấy thật tâm muốn làm cái gì đó”.
Thục Minh
(Văn phòng Singapore)
>> Ascott mở rộng thị trường vào Myanmar
>> Người gốc Việt làm ‘cách mạng internet’ ở Myanmar
>> Myanmar bắt đầu thể hiện vai trò chủ tịch ASEAN
>> Chuyện sửa hiến pháp Myanmar
>> Myanmar “không còn tù nhân chính trị”
Bình luận (0)