Myanmar tạp lục - Kỳ 2: Kỳ thú nước Cù Là

15/12/2013 03:00 GMT+7

“Bòn bon si cô la, bánh tây sữa hột gà, dầu cù là Mác su…”, là bài đồng dao quen thuộc mà bọn trẻ chúng tôi ngày xưa ai cũng biết. Hồi đó hát ra rả như vậy, bòn bon, sữa hột gà may ra còn biết chứ dầu cù là Mác su thì chịu. Thế mà qua đây, tình cờ mới biết, dầu cù là Mác su (Mac Phsu) là của người Miến Điện và đã có mặt ở VN hơn nửa thế kỷ trước.

“Bòn bon si cô la, bánh tây sữa hột gà, dầu cù là Mác su…”, là bài đồng dao quen thuộc mà bọn trẻ chúng tôi ngày xưa ai cũng biết. Hồi đó hát ra rả như vậy, bòn bon, sữa hột gà may ra còn biết chứ dầu cù là Mác su thì chịu. Thế mà qua đây, tình cờ mới biết, dầu cù là Mác su (Mac Phsu) là của người Miến Điện và đã có mặt ở VN hơn nửa thế kỷ trước.

>> Myanmar tạp lục - Ngộ nghĩnh Yangon

 Em bé Myanmar nằm trên xe bán đậu phộng - Ảnh: Nguyễn tập
Em bé Myanmar nằm trên xe bán đậu phộng - Ảnh: Nguyễn tập

Quê hương dầu cù là

“Xức vào đi để khỏi bị muỗi cắn”, ông già bán phá lấu trên lề đường nhìn cánh tay đầy dấu muỗi chích của tôi rồi đưa một hũ nhỏ và nói bằng tiếng Anh khá chuẩn: “Thuốc đặc biệt của người Myanmar trị muỗi cắn, nhức đầu, cảm sốt đấy”. Tôi cầm “hũ thuốc bí truyền” lên xem. A! dầu cù là bán đầy ở VN đây mà. Nghe lạ nhỉ. Lọ dầu cù là quen thuộc với người VN hơn nửa thế kỷ sao lại xuất phát từ Miến Điện chứ (?!).

Tôi lục lại tư liệu thì quả thật vậy. Theo tiến sĩ Nguyễn Đức Hiệp trên tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, đầu thế kỷ 19, con gái hoàng thái tử Myingun của Miến Điện (lúc đó đang sống lưu vong tại Sài Gòn) lập gia đình với một người VN và mở hãng dầu cù là Mác su (Mac Phsu) có màu xanh lá cây nổi tiếng khắp Đông Dương, cạnh tranh trực tiếp với dầu cù là ‘Con cọp’(Tiger Balm, cũng là sản phẩm của người Miến Điện). Ngày nay, dầu cù là tuy không còn phổ biến lắm ở Myanmar nhưng vẫn còn bán và đấy vẫn là loại thuốc chữa “tứ thời cảm mạo” ưa chuộng của người già.

Thú vị hơn nữa, theo ông An Chi trong sách Chuyện Đông Chuyện Tây thì ngay cái chữ “cù là” cũng chính là tên mà người dân miền Tây Nam bộ ngày xưa dùng để gọi nước Miến Điện (Myanmar).

Gọi nhau bằng cách “nút chuột”

Ăn xong chén phá lấu, tôi tiếp tục đi bộ ngắm phố phường Yangon. Có lẽ, năm 1948, người Anh rời khỏi Myanmar nhưng họ để bóng đá ở lại, vì tôi thấy môn thể thao này khắp mọi nơi: trên ti vi ở cửa hàng bên lề đường, trên áo thun, móc khóa, trong công viên, khu phố… Về bóng đá, tôi yêu đội Chelsea vì thích tính cách của “Người đặc biệt” Mourinho và ghét đội Manchester United vì không ưa được Ngài “máy sấy tóc” Ferguson. Nhưng khi chia sẻ điều này với anh bạn Myanmar, lập tức anh ta xụ mặt: “Anh cẩn thận khi nói xấu đội Manchester United nhé, vì nhiều người Yangon thường tự xem thành phố của mình là… Manchester United ở châu Á đấy (!?)”.

Myanmar đi ngủ sớm, khoảng 7, 8 giờ tối là đường vắng ngắt. Tuy vậy, khu phố Tàu là một ngoại lệ. Dịp này, cứ đến tối là có chiếc xe buýt đèn đuốc sáng trưng, nhạc mở xập xình đi chầm chậm rảo khắp đường để cổ động cho SEA Games. Bia nổi tiếng nhất ở đây là bia Myanmar, uống khá ngon. Là một trong những nhà tài trợ cho SEA Games lần này, nên bia Myanmar tranh thủ tổ chức khuyến mãi dưới nắp chai, treo băng rôn, dán poster đầy thành phố.

Dọc con đường số 19 là những quán nhậu mọc san sát nhau, người qua kẻ lại nườm nượp chẳng kém gì khu phố Tây Phạm Ngũ Lão ở TP.HCM. Tôi vào một quán bên đường. Có lẽ đông quá nên ngồi đợi mãi cũng chẳng thấy người phục vụ đến. Có anh Tây vừa vào bàn bên cạnh rồi chu mỏ lên… “nút chuột”. Ai ngờ chưa đầy 5 giây sau, anh bồi bàn không biết từ đâu xuất hiện. Thì ra, trong tiệm ăn người Myanmar dùng tiếng “nút chuột” để gọi người phục vụ. Chắc vì thế mà mấy hôm nay tôi vẫn nghe tiếng “nút chuột” khắp nơi. Các cô nàng đi du lịch qua đây nhớ để ý, không lại “ăn dưa bở”, tưởng nhiều anh đang chọc ghẹo mình.  

Nguyễn Tập
(từ Yangon)

>> Dọc đường SEA Games - Kỳ 7: Triết lý của cổ động viên
>> Dọc đường SEA Games - Kỳ 6: Thăm bếp làng SEA Games
>> Dọc đường SEA Games - Kỳ 5: Đỏng đảnh như sóng viễn thông
>> Dọc đường SEA Games - Kỳ 4: Nay Pyi Taw không còn bí ẩn
>> Dọc đường SEA Games - Kỳ 3: Floorball, cũ người mới... ta
>> Dọc đường SEA Games - Kỳ 2: Xem thi đấu phải có thẻ
>> Dọc đường SEA Games: Từ chợ đá quý đến Trung tâm báo chí 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.