Myanmar tạp lục - Kỳ 3: Trà cóc ở Yangon

16/12/2013 03:55 GMT+7

Ngày thứ ba trải nghiệm cuộc sống ở Myanmar đơn giản nhưng đầy bản sắc văn hóa đã làm tôi cảm thấy gần gũi như đang ở nhà.

Ngày thứ ba trải nghiệm cuộc sống ở Myanmar đơn giản nhưng đầy bản sắc văn hóa đã làm tôi cảm thấy gần gũi như đang ở nhà.

>> Myanmar tạp lục - Kỳ 2: Kỳ thú nước Cù Là
>> Myanmar tạp lục - Ngộ nghĩnh Yangon

 Myanmar tạp lục - Kỳ 3: Trà cóc ở Yangon
Thanakha được phụ nữ dùng rất phổ biến ở Myanmar - Ảnh: Nguyễn Tập 

Quán trà vỉa hè bán đá quý

Nói đến Myanmar, ai cũng nói đến tục ăn trầu, nhưng có một thứ mà người dân còn “nghiện” hơn ăn trầu, đó là uống trà. Không cầu kỳ lễ nghi như trà đạo Nhật Bản, uống trà ở Myanmar đơn giản như chính con người của họ vậy.

Ngay buổi đầu tiên gặp gỡ, Yan Ming Tha Zar, cô bạn người Myanmar đã rủ rê: “Đi uống trà nhé! Chưa uống trà là chưa tới Myanmar đâu”. Thế là chúng tôi chọn một quán trà nhỏ gần khu chợ Scott với bàn ghế nhựa đúng chất vỉa hè. Vừa đến, cô phục vụ bưng liền một bình trà xanh. Trà này miễn phí, uống bao nhiêu cũng được, chỉ cần gọi một món ăn nhẹ là đủ.

Nhiều người ra quán trà để ăn sáng (phần lớn ăn món kinh điển của Myanmar là mohinga gồm mì gạo và súp cá). Ăn xong thì ngồi uống trà, rất giống kiểu uống cà phê cóc ở VN. Bên chén trà, mọi thứ trên đời đều có thể diễn ra: bàn công việc, nói tào lao, chơi cờ tướng và kể cả bán hồng ngọc (Myanmar là một trong những nước có hồng ngọc, đá quý nhiều nhất thế giới)... “Họ cứ bày hồng ngọc, đá quý bừa ra bàn vậy đó. Chẳng khi nào bị giật, cướp...”, Tha Zar cho biết.

Cà kê uống cả bình trà to miễn phí làm tôi quá ngại với bà chủ quán. Thế là tôi ngỏ ý muốn uống thử loại trà... có tính tiền. Cô bạn liền giới thiệu món trà sữa, kết hợp 5 phút cho bài học tiếng Myanmar để biết cách kêu thức uống giống người bản xứ: “Cho she” là nhiều đường; “Bone mahn” là trà bình thường (nhưng với tôi vẫn quá ngọt); “Pancho” là nhiều trà nhất (chắc đậm đặc giống cà phê chồn ở mình)... Nếu bạn không yêu cầu gì, họ sẽ tự chọn loại “sheh” (đặc biệt) cho khách. Ly trà khá to mà giá chỉ 300 kyat (khoảng 6.000 đồng). Quá rẻ và ngon.

 

“Mingalaba” là cách người dân Myanmar chào hỏi, có nghĩa là "Tốt lành cho bạn". Mỉm cười và nói “Mingalaba” là đúng trong bất cứ tình huống nào. Đây là một cách chắc chắn để tạo sự thân thiện với bất kỳ ai.

Uống xong một ngụm trà sữa đặc biệt, tôi quên hết cả đống từ về trà sữa vừa học xong. Kệ! Lần sau vào quán trà ở Myanmar cứ im lặng và khi nghe “sheh” (bạn muốn loại đặc biệt?) thì chỉ việc gật đầu. Thế là xong.

Những đôi má thanakha

Thú thật hồi mới qua, đâu đâu cũng bắt gặp các cô gái vẽ “phấn” lên mặt, tôi có phần không quen, vì nhìn hoang dã cứ như... thổ dân. Vô tình kể điều này với Tha Zar, ai ngờ cô bạn nổi tự ái, nhất quyết kéo tôi ra chợ Scott để dạy bài học thứ hai về làm đẹp.

Tha Zar bảo: “Từ 2.000 năm trước, tổ tiên chúng tôi đã dùng cây thanakha để làm ra sản phẩm này và thường dùng để xoa lên mặt sau khi tắm. Cô nào xài sang còn trộn thanakha với bột vàng, khi trang điểm sẽ lấp lánh hơn. Vào đêm giao thừa, các cô gái còn làm thanakha rồi rủ nhau đến chùa để... rửa mặt cho Phật nữa đấy”.

Nếu các hãng mỹ phẩm có thể kiếm bộn tiền trên thế giới, thì ở Myanmar họ chắc lỗ sặc gạch vì phụ nữ ở đây chỉ dùng thanakha. Có lẽ vì 100% làm từ thiên nhiên, không hóa chất, nhiều công dụng (dưỡng da, chống nắng) và rẻ, nên mấy gian hàng bán thanakha luôn tấp nập cả người bản xứ lẫn khách du lịch. Đầu tiên, cô bán hàng chọn một khúc gỗ thanakha đã được phơi khô, mài từ từ trên một phiến đá đen như mài mực, lâu lâu nhỏ thêm chút nước cho đến khi tạo thành hỗn hợp sền sện. Rồi cô dùng cây chổi xoa một lớp mỏng lên mặt tôi, dặm lớp thứ hai lên trán, má và cằm theo vòng tròn. Mùi gỗ thơm nhẹ nhàng, da cảm giác man mát, ngưa ngứa. “Trang điểm” xong, tôi còn chưa kịp soi gương thì thấy ai nấy phá lên cười và khen “Anh rất... đẹp gái”. Thấy tôi còn ngơ ngác, họ mới giải thích: “Ở đây, chỉ phụ nữ và con nít mới bôi thanaka lên mặt. Đàn ông cũng có thể bôi, nếu là... pê đê”. Khổ là bột này khó chùi cho sạch, nên tôi đành để cái mặt đầy thanakha đó mà nhanh chóng chạy về khách sạn. Nhớ lại nụ cười của các cô gái Myanmar ban nãy đến giờ vẫn còn “quê quê”.

Nguyễn Tập

>> Dọc đường SEA Games - Kỳ 7: Triết lý của cổ động viên
>> Dọc đường SEA Games - Kỳ 6: Thăm bếp làng SEA Games
>> Dọc đường SEA Games - Kỳ 5: Đỏng đảnh như sóng viễn thông
>> Dọc đường SEA Games - Kỳ 4: Nay Pyi Taw không còn bí ẩn
>> Dọc đường SEA Games - Kỳ 3: Floorball, cũ người mới... ta
>> Dọc đường SEA Games - Kỳ 2: Xem thi đấu phải có thẻ
>> Dọc đường SEA Games: Từ chợ đá quý đến Trung tâm báo chí 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.