Năm 2022: Điểm chuẩn ngành nào của Trường ĐH Bách khoa TP.HCM sẽ 'dễ thở'?

Hà Ánh
Hà Ánh
05/08/2022 16:41 GMT+7

Năm 2022, lần đầu tiên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM tuyển sinh theo kiểu mới, như vậy điểm chuẩn trúng tuyển được dự báo ra sao, ngành nào có điểm chuẩn ‘dễ thở’?

Trường ĐH Bách khoa TP.HCM lần đầu tiên tuyển sinh theo cách mới

H.a.

Điểm sàn Trường ĐH Bách khoa TP.HCM có 3 thành tố

Năm nay, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn) xét tuyển vào các ngành đào tạo ĐH chính quy gồm 3 cột điểm: Thí sinh cần đạt điểm kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức từ 650/1.200 điểm; Kết quả thi tốt nghiệp THPT theo tổ hợp xét tuyển 3 môn trở lên đạt từ 18/30 điểm; Kết quả học tập THPT (điểm học bạ), đạt từ 18/30 điểm (18 điểm là trung bình tổng điểm 3 môn theo tổ hợp xét tuyển trong 3 năm học THPT của thí sinh).

Đây là điểm sàn theo phương thức xét tuyển tổng hợp gồm nhiều tiêu chí, chiếm 75-90% tổng chỉ tiêu năm nay.

Theo thông tin tuyển sinh đã công bố, phương thức tuyển sinh này gồm 3 thành tố với trọng số gồm: học lực 90%, thành tích cá nhân 5%, hoạt động xã hội và văn thể mỹ 5%. Riêng về học lực thì điểm kỳ thi đánh giá năng lực có trọng số từ 50-70%, điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT 20-30% và học lực THPT chiếm 10-20%.

PGS-TS Bùi Hoài Thắng, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, lưu ý điểm sàn nhận hồ sơ xét tuyển gồm 3 thành tố kể trên. Trong trường hợp thí sinh không dự thi đánh giá năng lực, Hội đồng tuyển sinh trường sẽ cân nhắc dùng điểm thi tốt nghiệp THPT để thay thế (với một tỷ lệ quy đổi nhất định) và ngược lại, theo ông Thắng.

Điểm chuẩn ngành sẽ ra sao?

PGS-TS Bùi Hoài Thắng cho rằng điểm sàn được công bố là ngưỡng điểm để đảm bảo cơ hội cho tất cả thí sinh, kể cả thí sinh tự do, trong việc ứng tuyển vào trường.

“Thí sinh có thể tự đánh giá những dữ kiện điểm của mình, đối sánh với điểm chuẩn từng thành phần của các năm gần nhất của nhà trường, phổ điểm thi tốt nghiệp THPT từng năm. Một cách đơn giản là so sánh từng thành phần điểm của cá nhân với điểm chuẩn từng phần các năm và để ý việc bù giữa những thành phần trong công thức tổng hợp điểm”, ông Thắng nói.

Cũng theo ông Thắng: “Thí sinh cứ mạnh dạn ứng tuyển vào các ngành học mà mình yêu thích và sắp xếp thứ tự nguyện vọng phù hợp, kể cả khi bộ kết quả học tập đang có phần chưa chắc chắn nếu so sánh từng thành phần điểm so với những năm gần đây”.

Nhìn nhận về tình hình điểm chuẩn năm nay, ông Thắng dự đoán, nếu so sánh từng thành phần thì điểm chuẩn có khả năng sẽ như năm ngoái chứ không tăng vì chỉ tiêu ổn định. Trong đó, những ngành có điểm chuẩn không cao mọi năm sẽ vẫn "dễ thở" trong năm nay.

Nhìn vào điểm chuẩn trúng tuyển năm 2021, có thể thấy các ngành luôn dẫn đầu về điểm chuẩn của Trường ĐH Bách khoa TP.HCM ở các phương thức xét tuyển khác nhau. Số 1 là ngành khoa học máy tính, năm 2021 điểm chuẩn cả chương trình đại trà (tiếng Việt) và chất lượng cao tiếng Anh đều ở mức 28 theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT. Ngành này chương trình chất lượng cao tăng cường tiếng Nhật cũng có điểm chuẩn 26,75 điểm. Trong phương thức xét điểm kỳ thi đánh giá năng lực, điểm chuẩn ngành này cũng ở mức 907-974 điểm tùy chương trình.

Một số ngành khác có điểm chuẩn cũng ở mức cao các năm gần đây như: kỹ thuật máy tính, logistics và quản lý chuỗi cung ứng, kỹ thuật cơ điện tử, kỹ thuật ô tô…

Nhưng ngược lại, nhiều ngành của Trường ĐH Bách khoa TP.HCM có điểm chuẩn các năm khá "dễ thở" như: xây dựng, bảo dưỡng công nghiệp, kỹ thuật dệt, công nghệ dệt may, kỹ thuật địa chất, kỹ thuật dầu khí, kỹ thuật vật liệu, quản lý tài nguyên và môi trường và kỹ thuật môi trường (chất lượng cao), cơ kỹ thuật…

Năm ngoái, với điểm chuẩn xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT, thí sinh chỉ cần đạt hơn 7 điểm/môn đã trúng tuyển. Ở phương thức xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi đánh giá năng lực, điểm chuẩn các ngành này cũng dao động từ 700 đến dưới 800 điểm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.