Nam bộ sắp vào cao điểm nắng nóng

Chí Nhân
Chí Nhân
22/02/2018 04:50 GMT+7

Nam bộ sẽ còn một đến hai đợt mưa trái mùa trước khi bước vào mùa hè được dự báo sẽ nóng rát hơn trung bình nhiều năm.

Nắng nóng ngày càng gay gắt
Những ngày qua vào sáng sớm và chiều tối người dân vẫn cảm nhận được không khí mát mẻ hoặc se se lạnh tuy nhiên vào buổi trưa nắng nóng gay gắt. Theo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, tại các trạm quan trắc, nhiệt độ thấp nhất ghi nhận được trung bình 24 - 25 độ còn nhiệt độ cao nhất lên đến 34 - 35 độ. Biên độ nhiệt lên đến 10 độ. Nguyên nhân là do khu vực Nam bộ còn chịu ảnh hưởng của rìa phía nam của áp cao lạnh tăng cường ở phía bắc nên vào buổi sáng và chiều tối không khí còn mát mẻ. Ngược lại, hiện đang là mùa nắng cường độ bức xạ đang tăng nên xảy ra hiện tượng nắng nóng vào buổi trưa.
Trong một vài ngày tới tác động của rìa áp cao lạnh giảm và Nam bộ sẽ bước vào cao điểm mùa khô. Bên cạnh đó, Nam bộ cũng đang chịu tác động của rãnh thấp xích đạo, cũng như những nhiễu động từ phía đông nên những ngày cuối tháng 2 sẽ có một đợt mưa trái mùa, chủ yếu là mưa nhỏ. “Nhiệt độ trung bình hầu hết ở khu vực Nam bộ xấp xỉ và cao hơn trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Trong những ngày cuối tháng 2, ở khu vực đông Nam bộ mức nhiệt cao nhất có thể đạt đến 35 - 37 độ còn khu vực TP.HCM và miền tây Nam bộ có thể 34 - 36 độ”, Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ dự báo.
Chuyên gia Lê Thị Xuân Lan phân tích thêm, từ tháng 3 bắt đầu khô hạn, nắng nóng. Từ thời điểm này, khí hậu sẽ bị ảnh hưởng bởi các đợt áp thấp nóng từ phía tây tràn vào, các đợt không khí lạnh suy yếu vào bị các đợt không khí nóng làm cho lệch về phía đông nên Nam bộ chủ yếu chỉ còn nắng nóng. Có khả năng xuất hiện thêm một đợt mưa trái mùa khác ngoài đợt cuối tháng 2. Đặc biệt từ sau ngày 21.3 (ngày Xuân phân - thời điểm đánh dấu chấm dứt mùa đông) cường độ bức xạ sẽ tăng và nắng nóng càng gay gắt hơn và thời gian nắng nóng trong ngày sẽ kéo dài hơn. Mùa nắng năm nay dự báo sẽ nóng rát vì hiện tượng La Nina chấm dứt hoàn toàn và nóng là xu thế do tác động của hiện tượng biến đổi khí hậu.
Phía bắc trở rét
Trong khi đó, ngày 21.2, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư cho biết: Không khí lạnh đã tiến đến gần vùng biên giới phía bắc của nước ta. Không khí lạnh này sẽ ảnh hưởng đến vùng núi phía bắc và một số nơi ở khu đông bắc Bắc bộ. Ngày 22.2 sẽ ảnh hưởng đến các nơi khác ở Bắc bộ, bắc Trung bộ và một số nơi ở trung Trung bộ. Do ảnh hưởng của không khí lạnh, ở Bắc bộ và bắc Trung bộ có mưa, từ đêm 22.2, ở các tỉnh trung Trung bộ có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to. Từ chiều và đêm nay 22.2, ở các tỉnh Bắc bộ trời chuyển rét với nền nhiệt độ thấp nhất phổ biến 13 - 16 độ, vùng núi 10 - 13 độ, vùng núi cao dưới 9 độ.
Không để dân bị động trước xâm nhập mặn
Đó là khẳng định của ông Nguyễn Hữu Lập, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, khi trao đổi với PV Thanh Niên ngày 21.2 về việc phòng chống hạn mặn năm 2018. Theo ông Lập, “Tất cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến xã, chỉ riêng cấp xã đã có 6 đồng chí có tin nhắn về tình hình xâm nhập mặn hằng ngày qua tin nhắn điện thoại. Thông tin về diễn biến xâm nhập mặn cũng sẽ được hệ thống truyền thông từ tỉnh đến cơ sở phát hằng ngày để người dân chủ động ứng phó trong điều kiện của mình”. Trên sông Cửa Đại tại H.Bình Đại (Bến Tre), độ mặn đo được là 18,2%o; cửa sông Hàm Luông 18,9%o và cửa sông Cổ Chiên 16,1%.
Cùng ngày, ông Nguyễn Thiện Pháp, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Tiền Giang, cho biết rút kinh nghiệm đợt hạn mặn từ năm 2016, năm nay Tiền Giang đã chủ động xây dựng kế hoạch phòng chống xâm nhập mặn từ trước Tết Nguyên đán 2018. Theo ông Pháp, hiện nước mặn đang tiến sâu vào sông Tiền cách cửa biển khoảng hơn 30 km. Cống Xuân Hòa lấy nước ngọt cho dự án ngọt hóa Gò Công cũng đang được theo dõi sát sao. Hiện nước mặn chỉ cách cống Xuân Hòa khoảng hơn 10 km.
Tương tự, tại tỉnh Trà Vinh, độ mặn cao nhất đo được trên sông Long Toàn là 17,4%o; sông Cổ Chiên tại Hưng Mỹ là 5,6%o và sông Hậu tại Trà Kha là 5,4%o.
Phương Bình
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.