Năm điều có thể bạn chưa biết về làng game thể thao

22/01/2014 09:30 GMT+7

Khi “game hóa” những thứ từ hiện thực, thì dù muốn hay không, cũng sẽ có những mặt trái nhất định dính dáng vào.

Ngay cả trong đời thực, bản chất các môn thể thao vốn cũng đã thiên biến vạn hóa, và như một quy luật bất thành văn, khi “game hóa” những thứ từ hiện thực thì dù muốn hay không cũng sẽ có những mặt trái nhất định dính dáng vào.

1. Không được NFL cấp phép độc quyền, hãng Midway làm game chế nhạo cầu thủ 

Liên đoàn bóng bầu dục Mỹ (National Football League - NFL) có quy tắc làm việc rất nghiêm ngặt. Bản thân điều này vốn đã mâu thuẫn với thực trạng bạo lực trên sân cỏ và những hành vi xấu của cầu thủ khi rời sân. NFL không bao giờ cho phép một công ty đối tác làm một tựa game do NFL cấp bản quyền mà đề cập đến việc những cầu thủ có tên tuổi trong thực tế có những hành vi phạm pháp.

Năm 2004, NFL ký hợp đồng cho phép EA Sports độc quyền khai thác các đội tuyển và cầu thủ của liên đoàn. Việc này đã đưa các đối thủ cạnh tranh của EA vào tình huống khó khăn, bởi lẽ fan của dòng game này sẽ không muốn mua 1 tựa game mà không có những cầu thủ họ yêu thích trong đó.

Không có bản quyền NFL, Midway đã tạo ra Blitz II toàn những scandal và cảnh chơi xấu (Ảnh: Namelessgaming)

Để cạnh tranh, hãng game Midway chọn một hướng đi khá tiêu cực: đề cập đến những đề tài như tình dục, gian lận, và sử dụng chất kích thích. Năm 2008, Midway ra mắt tựa game Blitz: The league II – tựa game này không hề có những cầu thủ hay đội bóng nào trong đời thực cả. Thay vào đó, The league II xoáy sâu vào những câu chuyện kịch tính về những xì căng đan trong giới thể thao.

Một thí dụ: trong game có một nhân vật tên Mike Mexico, một cầu thủ tiền vệ của Washington Redhawks đang thụ án tù. Đây là hình ảnh "đá đểu" một cầu thủ tên Michael Vick dính vào một vụ scandal lớn năm 2005 khi dùng hồ sơ giả tên "Ron Mexico" để đi điều trị bệnh lậu. Anh này còn phải ra tòa vào năm 2007 và chịu án tù 2 năm với cáo buộc tội ngược đãi thú vật vì đã tổ chức một trại đấu chó lậu. 

Ngoài việc nhắm đến Vick, The league II cũng đề cập đến vụ gian lận của cầu thủ Spygate của đội New England Patriots và vụ bê bối của đội Minnesota Vikings có dính dáng đến Lake Minnetonka.

2. NCAA football 04 bị kiểm duyệt vì cảnh bạo loạn sân cỏ

Trong khi NFL “bó tay” về việc Miday tha hồ quậy với Blitz để trả đũa vụ không được ký kết độc quyền, thì NCAA (National Collegiate Athletic Assoaciation - Ủy ban thể thao cấp Đại học) lại có toàn quyền khống chế hãng EA Sports hồi năm 2003 và 2004.

Điều khó khăn nhất của việc mỗi năm phải cung cấp một phiên bản game thể thao mới đó là dễ bị bế tắc ý tưởng để phát triển nền tảng gốc. Và điều này buộc EA Sports phải tập trung vào mảng xây dựng không khí trong game sao cho càng thực tế càng tốt.

Hồi năm 2003, các nhân viên thiết kế nảy ra ý tưởng đưa việc các fan làm loạn sân cỏ và xô ngã khung thành sau những trận thắng lớn. Nhóm phát triển thích ý tưởng này đến nỗi họ đã bỏ công ra đầu tư cho nó rất nhiều… và đây là sai lầm chí mạng của họ.

Ben Haumiller, giám chế của NCAA chia sẻ: “Chúng tôi bỏ ra cả năm trời để hoàn thiện những cảnh ăn mừng thật hoành tráng. Nhưng chúng tôi chưa hỏi ý kiến của ủy ban kiểm duyệt trước đó, và kết cục là chúng tôi buộc phải loại bỏ những cảnh này ra hoặc tựa game sẽ bị cấm phát hành.”

Một tựa game NCAA Football của EA Sports (Ảnh: Pastapadre)

EA đã hoàn thành tựa game và chuẩn bị ra mắt, nhưng NCAA không muốn khiến người ta lầm tưởng họ cổ súy việc phá hoại tài sản công cộng. Vấn đề là NCAA đưa ra quyết định quá muộn ngay sau khi EA Sports đã bán được một số bản game có những cảnh này.

Haumiller cho biết thêm: “Tuy bị thu hồi, nhưng những phản hồi của người chơi đều cho rằng những cảnh ăn mừng này được làm rất tuyệt. Đây cũng là một bài học cho chúng tôi và từ sau vụ đó, chúng tôi luôn kiểm duyệt các ý tưởng trước khi thực hiện chúng”. 

3. Sân golf trong Wii sports golf được “xào lại” từ một game NES cách đây 20 năm

Nintendo được biết đến như là bậc thầy thiết kế và phát triển game, nhưng cũng ít ai biết rằng hãng này cũng là bậc thầy… kẹo kéo và luôn tìm cách tiết kiệm kinh phí hết mức có thể.

Năm 2009, trưởng phòng phát triển của Nintendo (và cũng là cha đẻ của nhân vật Mario), Shigeru Miyamato tiết lộ rằng họ đã dùng 2 nhân vật Toad giống y hệt nhau trong tựa game New Super Mario Bros. bởi chúng cử động y như Mario và Luigi. Ông ta không muốn phí thời giờ và nhân lực cho những nhân vật nền này, bởi còn phải dành sức thiết kế những nhân vật khác như Peach và Wario, vốn có lối chơi hoàn toàn khác. Nhưng rõ ràng New Super Mario Bros. Wii không phải là tựa game đầu tiên mà Nintendo cắt giảm kinh phí bằng cách làm qua loa.

Wii sports golf xào lại từ một tựa game cách đây 20 năm (Ảnh: Gg)

Khi Nintendo ra mắt tựa game Wii sports vào năm 2006, họ đã tra lại lịch sử làm game của mình để tìm ý tưởng và cũng là để… tiết kiệm kinh phí. Thực tế, công ty này đã tra lại xa đến hơn 20 năm khi sử dụng trò chơi có tên Golf trên hệ NES và “bê” nguyên xi đường banh 18 lỗ trong trò này để dùng lại trong Wii sports golf.

Cũng chưa chắc là Nintendo làm thế này để tiết kiệm kinh phí, mà chẳng qua họ cho rằng đây là một chi tiết thú vị mà đồ họa thời bấy giờ chưa khai thác hết được nó, cho nên họ muốn đầu tư lại cho đàng hoàng. Nhưng cũng không thể phủ nhận được nếu xét về khoảng tái sử dụng các ý tưởng từ game cũ của mình thì Nintendo đúng là “tay tổ”.

4. EA trả lời thế nào về hệ thống A.I quá dốt trong Madden?

A.I (trí thông minh nhân tạo) luôn là một nan đề với các nhà làm game khi họ muốn nó có thể phản ứng trước vô số tình huống người chơi tạo ra trong khi vẫn phải hợp lý và logic. Bộ não này rõ ràng có kết cấu phức tạp hơn cả một chiếc máy PlayStation 2, và đúng thật là rất khó để khiến các nhân vật do máy điều khiển có hành vi giống thực tế.

Người hâm mộ dòng game Madden hẳn cũng không xa lạ gì với hệ thống A.I “ngu học” của tựa game này. Chuyện thường thấy nhất là chuyện nguyên 1 hàng phòng ngự lại có thể đỡ hụt trái banh hoặc là chạy lung tung bởi chúng không hiểu được phe tấn công của đối phương đang làm gì.

Madden nổi tiếng với việc A.I khá... dốt (Ảnh: Gg)

Tình hình có vẻ khá hơn trong các bản game gần đây, nhưng thật sự thì A.I của hàng phòng thủ trong Madden lúc trước thật sự “khó đỡ” – theo đúng nghĩa đen. Mặc dù các nhân viên thiết kế Madden đã nỗ lực hết mức, họ vẫn không thể khiến hàng phòng ngự phản ứng kịp nếu người chơi sử dụng chiến thuật cho tiền vệ chạy dọc biên. Cách duy nhất mà hãng có thể giải quyết “tạm bợ” vấn đề này là tăng tỉ lệ khiến tiền vệ… té ngã (hoặc mất bóng) nếu hắn ta quyết định chơi trò chạy dọc biên này.

Trong Madden 04, nếu người chơi dùng cầu thủ Michael Vick để chạy biên, các ngón tay của anh ta sẽ bị biến thành… bỏng ngô. Nếu hàng phòng ngự gọi tên Vick, anh ta sẽ “ngoan ngoãn” trả bóng lại. Trong những năm sau đó, EA vẫn chơi trò cho tiền vệ liên tục gặp tai nạn mỗi khi họ tính dở trò, tuy nhiên việc này cũng làm tăng tỉ lệ chấn thương của các nhân vật ở vị trí tiền vệ.

5. NBA Jam từng bị chính nhân viên thiết kế “quậy” để dìm hàng các đội mà anh ta ghét

Tôi mong rằng có ai đó có thể giải thích các tình huống trong thể thao cho mình. Tôi là người hâm mộ. Tôi đầu tư rất nhiều vào đội của mình, nhưng lắm khi tôi cũng chả hiểu tại sao mình lại quan tâm đến số phận của một đám “đực rựa” mồ hôi nhễ nhại giành nhau 1 trái banh.

Tính chất “fan” của thể thao thật sự làm chúng ta có những hành vi kỳ quặc. Chúng ta có thể la ó trước màn hình TV. Chúng ta sẽ chửi những người mình chưa từng gặp trong đời chỉ vì họ mặc áo thun của đội đối thủ. Chúng ta thậm chí sẽ lập trình NBA Jam để thiên vị cho đội Piston khi đấu với Bulls bởi lẽ Bulls toàn 1 bọn trẻ trâu.

À, có lẽ đa số chúng ta không có lựa chọn để làm điều cuối cùng trên đây, nhưng Mark Turmell thì có thể. Turmell là trưởng nhóm thiết kế của tựa game NBA Jam, trò chơi bóng rổ nổi tiếng hồi năm 1993 của hãng Acclaim, và anh ta dùng quyền hạn của mình để dìm hàng đội Chicago Bulls trong game để trả đũa cho đội yêu thích của mình, Detroit Pistons.

Vào những năm 90, 2 đội Pistons và Bulls là đối thủ truyền kiếp. Với tư cách là fan của đội Pistons, Turmell đặc biệt căm thù đội Bulls, do đó anh ta đã lập trình NBA Jam luôn luôn cho đội Detroit Pistons có ưu thế về mọi mặt mỗi khi đấu với Chicago Bulls.

Turmell trả lời trong 1 buổi phỏng vấn: “Nếu đó là một trận đấu ngang sức với điểm số so kè nhau và mỗi lần cầu thủ đội Bulls muốn ném một quả quyết định vào rổ, chúng tôi đã lập trình là trái banh sẽ luôn bay vào… tường. Tôi luôn là fan trung thành của Pistons, và đây là cơ hội để tôi thiên vị họ một chút.”

Chưa hết, Turmall còn lập trình NBA Jam khiến cho trò chơi tự hạ thấp chỉ số cầu thủ tiền đạo của đội Bulls, Scotty Pippen mỗi khi anh này đối mặt với cầu thủ Isiah Thomas hoặc bất kỳ ai khác trong đội Pistons.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.