Cùng với hai "chỉ dấu" đó là rất nhiều nhiệm vụ phải làm trong năm học mới.
SẼ THUYẾT PHỤC XÃ HỘI VỀ KẾT QUẢ CỦA ĐỔI MỚI
Sau 4 năm học triển khai theo từng lớp, từng cấp học, năm học 2024 - 2025, quá trình triển khai Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 sẽ hoàn tất chu trình với các lớp cuối cùng của các cấp học gồm lớp 5, lớp 9 và lớp 12. Đây cũng sẽ là năm học đầu tiên kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức theo phương án mới đáp ứng yêu cầu của đổi mới Chương trình GDPT.
Trước thềm năm học mới, chia sẻ với báo chí, ông Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, nhìn nhận: "Chặng đường đổi mới GDPT vừa qua mặc dù có nhiều khó khăn, song cũng cho thấy quyết tâm, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, chính quyền các cấp và toàn ngành giáo dục để từng bước hình thành tư duy đổi mới trong chính những người thực hiện, thụ hưởng đổi mới và thuyết phục xã hội về kết quả tích cực của đổi mới".
Bộ trưởng GD-ĐT cho biết Bộ đã có những chuẩn bị từ các năm học trước. Ví dụ, phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 đã được xây dựng, lấy ý kiến rộng rãi và nhận được sự đồng thuận rất cao từ xã hội. Ngay sau khi phương án được ban hành, Bộ GD-ĐT đã bắt tay vào chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025. Dự kiến Quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2025 sẽ được ban hành vào tháng 11.2024, tính ổn định lâu dài của quy chế thi cũng đã được tính đến trong quá trình dự thảo để thuận lợi cho học sinh (HS), giáo viên (GV), nhà trường và địa phương trong thực hiện.
"Ngoài ra, quá trình chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 cần triển khai thử trên phạm vi khá rộng để đánh giá, do đó các sở GD-ĐT đã sẵn sàng phương án cho công tác này, đồng thời tập dượt, tránh những rủi ro khi triển khai kỳ thi chính thức", ông Kim Sơn cho biết .
Thư của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước gửi ngành Giáo dục nhân dịp khai giảng năm học mới
Năm học này có 2 nhiệm vụ quan trọng là triển khai hiệu quả Chương trình GDPT 2018 đối với các lớp cuối cùng của các cấp học, chuẩn bị điều kiện tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025.
ĐIỀU CHỈNH TUYỂN SINH ĐH
Cùng với đổi mới thi tốt nghiệp THPT, người đứng đầu ngành GD-ĐT cũng chia sẻ chủ trương điều chỉnh trong tuyển sinh ĐH: "Trong bối cảnh GDPT đi đến chặng cuối của đổi mới, kỳ thi tốt nghiệp THPT bước vào năm đầu tiên thực hiện theo phương án mới, những điều chỉnh, đổi mới về công tác tuyển sinh là cần thiết để hô ứng với toàn bộ đổi mới từ GDPT đến giáo dục ĐH".
Từ định hướng này, ông Nguyễn Kim Sơn cho biết Bộ GD-ĐT đang rà soát, hoàn thiện dự thảo quy chế tuyển sinh mới cho năm 2025 với tinh thần chung là đơn giản hóa, tạo thuận lợi cho HS, xã hội, đảm bảo chất lượng tuyển sinh và công bằng về cơ hội cho thí sinh. Các cơ sở giáo dục ĐH vẫn trên tinh thần tự chủ tuyển sinh nhưng sẽ phải đề cao hơn nữa trách nhiệm xã hội.
TẠO NIỀM TIN VÀ SỰ AN TÂM CHO GV
Bộ GD-ĐT cho biết năm học 2024 - 2025 số GV còn thiếu tăng 19.856 người (GV mầm non thiếu tăng 6.000 người, GV phổ thông thiếu tăng 13.856 người). Nguyên nhân chính là do số HS tăng, dẫn đến số lớp tăng.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh thực tế: "Sự phát triển của nền giáo dục phụ thuộc vào sự phát triển của đội ngũ nhà giáo. Kết quả của sự đổi mới giáo dục đạt được như thế nào phụ thuộc vào sự đổi mới của từng nhà giáo". Từ đó, Bộ trưởng Sơn cho rằng, chất lượng của một nền giáo dục phụ thuộc vào một phần rất quan trọng là chất lượng đội ngũ nhà giáo. Chất lượng của nhà giáo lại phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Ngoài sự nỗ lực của cá nhân, tinh thần học tập không ngừng nghỉ của mỗi nhà giáo, các chính sách, môi trường làm việc, các cách thức lựa chọn, tuyển dụng và phát triển nhà giáo như thế nào đóng vai trò quan trọng.
Ông Nguyễn Kim Sơn cho biết: Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo các địa phương tuyển hết số chỉ tiêu, đặt hàng đào tạo GV; các trường ĐH tích cực tổ chức đào tạo gắn với các môn học mới, GV dạy tiếng dân tộc… Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật nâng cao vị thế của nhà giáo; trong đó có luật Nhà giáo sẽ được trình Quốc hội, tạo hành lang pháp lý cho việc ban hành các chính sách đãi ngộ, tuyển dụng, sử dụng, quản lý, tôn vinh, khen thưởng... và trao quyền chủ động cho ngành giáo dục trong việc tuyển dụng, điều động, bố trí GV.
Thời gian qua, các chính sách ưu tiên dành cho sinh viên sư phạm, các thay đổi về tiền lương cơ bản… đã tác động tích cực đến việc lựa chọn theo học ngành sư phạm của HS; nhiều địa phương đã ban hành và thực hiện được các cơ chế, chính sách đặc thù nhằm tạo động lực để thu hút, "giữ chân" GV; luật Nhà giáo đang được xây dựng xuất phát từ yêu cầu thực tiễn...
Ngày 27.8 vừa qua, dự án luật Nhà giáo đã được Chính phủ cho ý kiến tại Phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật để hoàn thiện, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo quy định. Theo kế hoạch, dự án luật này sẽ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần đầu vào kỳ họp thứ 8 (tháng 10.2024) và xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5.2025).
"Tất cả cho thấy đã có những chuyển động quan trọng để giải quyết được những khó khăn đặt ra đối với vấn đề đội ngũ", ông Nguyễn Kim Sơn chia sẻ.
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu thi tốt nghiệp THPT giảm áp lực, bổ sung biên chế
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ban hành Chỉ thị về việc tăng cường các điều kiện bảo đảm thực hiện hiệu quả nhiệm vụ năm học 2024 - 2025 với phương châm: "Lấy HS, sinh viên làm trung tâm; thầy cô giáo là động lực; nhà trường làm bệ đỡ; gia đình là điểm tựa; xã hội là nền tảng". Thủ tướng yêu cầu Bộ GD-ĐT, các bộ, cơ quan liên quan và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư tập trung thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể.
Về kỳ thi tốt nghiệp THPT đầu tiên thực hiện theo Chương trình GDPT 2018, Thủ tướng yêu cầu Bộ GD-ĐT chuẩn bị đầy đủ, kỹ lưỡng các điều kiện tổ chức kỳ thi bảo đảm chất lượng, an toàn, nghiêm túc, hiệu quả, giảm áp lực, tạo điều kiện thuận lợi cho HS.
Rà soát, sắp xếp mạng lưới cơ sở giáo dục ĐH, CĐ sư phạm gắn với nâng cao chất lượng; đẩy mạnh tự chủ ĐH, nhất là tự chủ về tài chính; thực hiện tự chủ theo hướng thực chất, gắn với trách nhiệm giải trình, công khai, minh bạch; chuẩn bị tốt cho công tác tuyển sinh ĐH, CĐ sư phạm năm 2025.
Chỉ đạo tăng cường công tác phối hợp giữa gia đình, nhà trường, xã hội trong giáo dục trẻ em, HS, sinh viên, nhất là phòng chống bạo lực học đường, phòng ngừa tội phạm và tệ nạn xã hội trong HS, sinh viên, bảo đảm an ninh, an toàn trường học.
Thủ tướng cũng giao Bộ GD-ĐT tiếp tục phối hợp với Bộ Nội vụ và các địa phương rà soát số lượng biên chế GV để đề xuất T.Ư bổ sung biên chế ngành giáo dục; Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ GD-ĐT kiểm tra, đôn đốc địa phương thực hiện tuyển dụng GV theo biên chế được giao, khắc phục tình trạng thừa, thiếu GV của các cơ sở giáo dục, bảo đảm nguyên tắc "có HS phải có GV đứng lớp" nhưng phải phù hợp thực tiễn địa phương và hiệu quả trong việc bố trí.
Bộ Tài chính cân đối nguồn vốn ngân sách T.Ư chi sự nghiệp GD-ĐT, nhất là kinh phí hỗ trợ các địa phương thực hiện Đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2017 - 2025.
Với UBND cấp tỉnh, Thủ tướng yêu cầu rà soát, sắp xếp, điều tiết GV mầm non, phổ thông giữa các cơ sở giáo dục trên địa bàn để khắc phục tình trạng thừa, thiếu GV cục bộ; thực hiện tuyển dụng GV theo số biên chế được cấp có thẩm quyền giao, nghiên cứu có cơ chế, chính sách để thu hút GV đến công tác và gắn bó lâu dài tại địa phương.
Tiếp tục rà soát, tổ chức, sắp xếp cơ sở giáo dục, điều chỉnh hợp lý quy mô lớp học, giảm các điểm trường lẻ, tăng các trường bán trú, nội trú gắn với nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo; hình thành trường phổ thông nhiều cấp học phù hợp điều kiện thực tế địa phương, bảo đảm thuận lợi, đáp ứng nhu cầu học tập của trẻ em, HS học 2 buổi/ngày; dành quỹ đất xây dựng các cơ sở giáo dục khi quy hoạch khu đô thị mới…; tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra các cơ sở giáo dục việc thực hiện về quản lý thu, chi tài chính, công khai các khoản thu đầu năm học bảo đảm đúng quy định.
Bình luận (0)