Năm khỉ nói chuyện khỉ

11/01/2004 09:53 GMT+7

Sau triệu triệu năm, vượn hóa nên người. Sao chẳng thành ai mà lại thành tôi" (Chế Lan Viên). Khỉ, nặng nhất thường tới hai ba tạ, nhẹ và nhỏ nhất chỉ bằng con mèo nhí, có đến 200 loài, xếp thành 12 loại và đưa vào một bộ: Linh trưởng, gồm: khỉ độc, khỉ nhện, khỉ chó, khỉ vàng, hắc tinh tinh, đại tinh tinh, voọc, đười ươi, vượn...

Chúng có mặt khoảng 70 triệu năm trước, là "người anh em" với chúng ta, được chúng ta thuần hóa, dụ dỗ, sai hái trà, hái thuốc, múa máy, mua vui. Và lắm khi... ăn thịt nữa. Lịch sử của mối thân thiện không bình đẳng này vẫn đang tiếp tục, và "khỉ", thường với tư cách "đồ con khỉ", vẫn hiện diện trên cửa miệng người.

Thật thế, khi muốn "rủa thân mật", ta thốt: đồ khỉ, đồ khỉ đột, khỉ gió. Gặp chuyện chẳng vừa ý, thì: "khỉ thật!". Và nào: khỉ ho cò gáy (chỉ nơi hẻo lánh), nuôi khỉ giữ nhà (việc trái khoáy), chẳng được khỉ chi cả (việc không xong), đừng có làm trò khỉ (việc chướng mắt). Tiếng "khỉ" đại khái để bêu riếu: đồ dạy khỉ leo cây (việc vô ích, thừa), đồ khỉ dính mắm tôm (bộ mặt khó ưa, nhăn nhó)... Ôi khỉ, loài động vật hiền lành bị người bắt nạt, sống đem ra làm xiếc, chết nhồi bông. Tay chân khỉ bị chặt, phơi khô, nấu cháo, để ăn chữa bệnh. Lại mổ ruột moi gan, lóc thịt, lấy xương nấu cao hổ cốt. Nấu 5 bộ xương hổ phải thêm 1 bộ xương khỉ, 1 bộ xương sơn dương, mới thành thượng phẩm.

Có rất nhiều cổ tích Việt Nam về khỉ, như sự tích khỉ đỏ đít, hoặc chuyện đàn khỉ hè nhau khiêng người ngủ say mà chúng ngỡ đã chết vào "chôn" giữa kho tàng, chí cha chí choé: "Hà rầm hà rạc, chôn vào hố vàng, không chôn hố bạc". Các dân tộc miền núi nước ta như Nùng, Thái, Lô Lô, Mường, đồng bào Tây Nguyên, Khmer Nam Bộ đều kể nhiều chuyện đời xưa về khỉ. Văn học viết thời Lý Trần, có Phạm Trường Nguyên, một thiền sư thế hệ thứ mười dòng thiền Quan Bích, cách đây hơn 8 thế kỷ, viết: Vượn hầu bào tử quy thanh chướng. Tự cổ thánh hiền một khả lượng (Vượn khỉ ôm con vào núi biếc. Thánh hiền nghìn trước khó lường thay), tạm hiểu là: tâm người như khỉ vượn chuyền cành, cả ngày, từ sớm đến tối, tương tục liên miên nghĩ ngợi, xôn xao hết chuyện này chuyện khác, nay cái "tâm khỉ" đã "ôm con" về núi, nhất nhất lắng lòng, hòa với suối ngàn làm một. Hình tượng thần Hanuman mặt khỉ (Ấn Độ) in bóng trong văn học nghệ thuật Khmer. Tôn Ngộ Không (Trung Quốc) được một vài ngôi chùa Hoa ở Chợ Lớn (TP Hồ Chí Minh) đắp tượng, vẽ tranh để thờ. Cuốn Bàn về Tây Du Ký (Chơn Thiện) viết: "Tôn Ngộ Không là biểu trưng cho trí tuệ vô ngã (thấy rõ mọi hiện hữu là vô ngã, vô thường)...”.

Cuốn Mười hai con giáp do NXB Hội Nhà văn in, GS Vũ Ngọc Khánh và Trần Mạnh Thường chủ biên, đã liệt kê một số danh nhân Việt Nam tuổi Thân (cầm tinh con khỉ): Tổ Đồng Kiên Cương (Giáp Thân 1284), Nguyễn Trãi (Canh Thân 1380), Đào Duy Từ (Nhâm Thân 1572), Vua Hàm Nghi (Mậu Thân 1872), và nhiều danh sĩ, nhà tư tưởng, nhà văn, nhà thơ tuổi Thân khác như trạng nguyên Lương Thế Vinh (1460), Trạng Ngọt Hứa Tam Tỉnh (1476), Tiến sĩ Nguyễn Tông Khuê (1692), Khái Hưng, Hồ Tùng Mậu, Phạm Hồng Thái, Vũ Đình Long, Hoàng Ngọc Phách sinh cùng một năm Thân (1896)...

Nhà thơ Chế Lan Viên có bài Vượn, viết: "Tuy vượn ở bầy nhưng vẫn không muốn tách thành đôi", nên lúc một mình, cô đơn, vượn cũng biết buồn, và anh ta làm gì? Anh ta "gãi trán, gãi lưng, đi loạng choạng": Đó là "triệu chứng triệu năm sau sẽ thành nhà thơ lãng mạn. Ngỡ nhà nào kia, hóa lại chính là tôi" (Tự trào). Để khỉ mãi là "người anh em" với chúng ta, hãy bảo vệ đừng cho con số hơn 60 loài (khỉ) ghi vào sách đỏ tăng lên, ngăn chặn việc sát sanh và lùng bố chúng.

Giao Hưởng
(Ảnh: Đào Ngọc Thạch)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.