Nam kỳ tuần báo với những chuyện xưa không bao giờ cũ

Lê Công Sơn
Lê Công Sơn
04/05/2022 06:40 GMT+7

Du lịch , du khảo trên Nam kỳ tuần báo (Võ Văn Thành, Trần Thành Trung sưu tầm, chú giải và giới thiệu; NXB Tổng hợp TP.HCM ấn hành), vừa ra mắt bạn đọc, là một công trình về du lịch, du khảo rất có giá trị.

Dù là tờ báo ra đời khá muộn ở Nam kỳ nhưng Nam kỳ tuần báo do Hồ Văn Trung (tức nhà văn Hồ Biểu Chánh, tự Thứ Thiên, làm giám đốc) - dưới sự bảo trợ của người Pháp - có một chỗ đứng nhất định, với số báo đầu tiên xuất bản ngày 3.9.1942 và số cuối cùng in ngày 15.6.1944.

Tuy “tuổi thọ” không nhiều, chỉ in được 85 số rồi đình bản, Nam kỳ tuần báo vẫn đóng góp lượng bài vở khá lớn về du lịch, du khảo với các tác giả đương thời: Vương Quý Lê, Hồ Biểu Chánh, Nguyễn Thị Tố Lan, Trúc Hà, Khuông Việt, Thiếu Sơn, Huỳnh Văn Chính, Hoàng Tích Hoàn, Bùi Nam Tử, Tây Đô Cát Sĩ… cùng nhiều đóng góp cho thể tài này. Các bài viết “người thật việc thật” đưa người đọc đến nhiều vùng đất mới phong cảnh hữu tình cùng các phong tục độc lạ, không khác gì chương trình Thế giới đó đây trên màn ảnh nhỏ hiện nay; tuy không đầy đủ nhưng cũng phác họa được phần nào những sinh hoạt văn hóa, phong tục, tập quán, lối sống của đồng bào các vùng miền, những nét độc, lạ và đa dạng.

NXB

Du lịch, du khảo trên Nam Kỳ tuần báo tuyển chọn 25 bài viết ghi nhận sự trải nghiệm tới các chứng tích, địa chỉ lịch sử - văn hóa một thời, đồng thời khám phá địa chí, phong tục, lễ hội văn nghệ dân gian và dân tộc học, như: Những ngày dừng bước bên làng Tiên Điền - nơi thi hào Nguyễn Du ký gửi nắm xương tàn ngàn kiếp (Vương Quý Lê); Chuyện lạ xứ Lào, Tôi ăn tết ở Côn Nôn (Khuông Việt); Viếng Tây Đô (Thiếu Sơn); Cao Miên du ký: Oudong (Trần Ngọc Lâu); Mười lăm ngày với người Thượng (Thái Hữu Thành), Năm ấy ở Pháp tôi được ăn tết một cách bất ngờ (Lê Văn Ngôn); Lệ tết thầy hồi xưa (Nguyễn Hương Trà); Tết Paris năm ấy (Tây Đô Cát Sĩ)...

Đặc biệt phải kể đến hành trình của tác giả Khuông Việt trải dài khắp các tỉnh Nam kỳ trong Hai mươi lăm ngày đi tìm dấu người xưa (đăng 19 số): “Ròng rã hai mươi lăm ngày, chúng tôi hoàn toàn sống với tiền nhơn, cơ hồ quên cả đời hiện tại. Không xem báo, không để ý đến ngày giờ, mặc chiến tranh vang động khắp Đông Tây, thậm chí đến gia đình, chúng tôi cũng ít khi tường tin tức. Trải qua các tỉnh Cần Thơ, Sa Đéc, Long Xuyên, Châu Đốc, Vĩnh Long, Bến Tre, Mỹ Tho và Tân An, tấm lòng hiếu cổ của chúng tôi được thỏa mãn trước những đình, chùa miếu mộ, hùng vĩ nguy nga cũng có, bình dị điêu tàn cũng có, và những phong cảnh gấm vóc của non sông đất nước. Sự thỏa mãn ấy đã bù đắp lại bao nỗi nhọc nhằn vất vả. Di tích của người phần nhiều là những nơi thôn quê hẻo lánh, giữa bụi rậm, ruộng sâu, trên núi cao đồi vắng, xa đường thông thương thuận tiện. Muốn đến đó phải đi ghe, đi xuồng, đi xe máy và phần nhiều là đi chơn, ít khi được sung sướng ngả mình trên “băng” xe ngựa, xe “lôi” hoặc xe hơi, dầu là “băng” cây của những cái xe nhỏ chạy than thường hay nằm vạ giữa đồng…”.

Dù được viết cách đây 8 thập niên, nhưng các bài viết trong Du lịch, du khảo trên Nam Kỳ cho đến ngày nay vẫn mang tính thời sự và hấp dẫn, giúp người đọc hiểu thêm về “một thời vang bóng” của lịch sử và các bậc tiền nhân, những chuyện xưa nhưng không bao giờ cũ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.