Nằm lại giữ Trường Sa

27/07/2016 06:37 GMT+7

Họ ngã xuống khi đang làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền Tổ quốc ở Trường Sa.

Từ khi tiếp quản Trường Sa (tháng 4.1975) đến nay, đã có 187 cán bộ chiến sĩ thuộc Quân chủng Hải quân ngã xuống trong khi làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền Tổ quốc trên vùng biển Trường Sa và thềm lục địa phía nam Tổ quốc. Đa số họ còn rất trẻ...
Mãi mãi tuổi 20...
Hoàng Đặng Hùng là con trai duy nhất của anh Hoàng Đức Tuấn và chị Nguyễn Thị Thúy, cùng là trung tá quân nhân chuyên nghiệp, công tác tại Nhà máy X56 - Cục Kỹ thuật Quân chủng Hải quân. Năm 2002, mới 18 tuổi vừa tốt nghiệp PTTH Hùng nằng nặc đòi đi bộ đội và sau thời gian huấn luyện tại Cam Ranh, Hùng được cử ra nhận nhiệm vụ bảo vệ đảo Đá Lớn (Trường Sa). Thượng tá Cấn Văn Hưởng, nguyên cán bộ chính sách Lữ đoàn 146, Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân kể: Sáng 25.7.2004, sóng to ập vào đảo giật đứt dây neo xuồng công tác. Hạ sĩ Hoàng Đặng Hùng xung phong bơi ra cứu xuồng, nhưng sóng to gió lớn đẩy cả người cùng xuồng ra phía xa. Mãi đến chiều cùng ngày, bộ đội đảo và các tàu trực gần đó tập trung tìm kiếm mới thấy hạ sĩ Hùng, tay vẫn nắm chặt dây neo xuồng. Thi hài của Hùng sau đó được đưa về an táng tại đảo Nam Yết (Trường Sa) và mãi tháng 7.2012, xương cốt của người lính trẻ mới được tàu hải quân đưa về bờ, yên nghỉ tại quê nhà: nghĩa trang liệt sĩ quận Ngô Quyền, TP.Hải Phòng.
Trung tá Nguyễn Thị Thúy, mẹ của liệt sĩ Hùng khi nhận được tin con hy sinh, không tin là sự thật và nói như mê sảng: “Nhầm rồi. Thằng Hùng nó bơi giỏi, không thể chết trên biển”.
8 năm trời kìm lòng sống với niềm an ủi “con nằm ngoài đảo là đang công tác ngoài đảo”. Mãi đến giữa tháng 7.2012 khi thi hài liệt sĩ Hoàng Đặng Hùng về bờ và Quân chủng Hải quân, UBND TP.Hải Phòng tổ chức lễ truy điệu, vợ chồng anh Tuấn, chị Thúy mới gục xuống trong nỗi đau mất đứa con trai duy nhất. Cũng đúng ngày đó, chiếc ba lô đựng tư trang cá nhân của liệt sĩ Hùng mới được mở ra sau 8 năm trời bố mẹ anh giữ nguyên trên giường. Và những người dự tang lễ hôm đó, tất cả đều khóc khi chứng kiến cảnh vợ chồng người lính già lăn lộn ôm chiếc áo yếm quân phục, bàn chải đánh răng mòn vẹt, thắt lưng bạc trắng muối biển… di vật của con mình trước khi hy sinh.
Bà Lê Thị Quyện kể: Đêm em nó hy sinh, tôi nằm mơ thấy có người mặc đồ lính vén mùng. Nhìn mãi mới nhận ra nó mặt bạc trắng nước muối, máu đỏ loang trên vai và khóc: “Mẹ ở lại, chúng con đi”. “Ngày lễ tang, tôi và chị Hai mỗi người nhận ba lô tư trang của con, thay cho thân xác chúng nó” - bà Quyện bật khóc và nức nở: “Gần 30 năm nay, chị em tôi gắng sống để chờ các con về, dù chỉ một mẩu xương”.
Gia đình liệt sĩ Trần Ngọc Hiệp nằm cuối ngõ sâu hút ven đường 48, P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức, TP.HCM. Bà Lê Thị Quyện ngồi một mình trong căn nhà mới xây rộng thênh thang, bàn thờ con trai trẻ măng mặc đồ xanh màu lính và chấm nước mắt: “Nó có duy nhất tấm hình này hồi mới vào bộ đội. Tôi thuê thợ phóng to và tô màu để thờ. Nó đi đảo mấy ngày, chưa kịp chụp hình đã hy sinh”. Tháng 3.1988, khi chưa kịp vào học lớp 10, cậu trai Trần Ngọc Hiệp cùng hàng chục thanh niên TP.HCM nhập ngũ. Đúng thời điểm này, phía Trung Quốc tấn công chiếm đóng bãi Gạc Ma, Trường Sa (14.3.1988) khiến 64 cán bộ chiến sĩ Quân chủng Hải quân hy sinh. Binh nhì Trần Ngọc Hiệp cùng đồng đội ra đóng giữ đảo Tốc Tan B, vừa bảo vệ đảo vừa củng cố điểm đóng quân. Sáng 27.11.1988, chiếc pông tông chở vật liệu xây dựng cùng 4 chiến sĩ của đảo bị sóng lớn cuốn xa nhấn chìm và cả 4 đều mất thi hài. Số chiến sĩ hy sinh, gồm: hạ sĩ Lâm Sư Đệ (sinh năm 1966, quê ở Hòa Thịnh, Tuy Hòa, Phú Yên), hạ sĩ Trần Kim Ánh (sinh năm 1968, quê Phước Hòa, Nha Trang, Khánh Hòa), binh nhì Trần Ngọc Hiệp và người anh họ Trương Văn Vỹ chỉ hơn anh Hiệp 3 tuổi, nhà ở cách nhau con đường số 48, P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức, TP.HCM. Hai anh em Trần Ngọc Hiệp - Trương Văn Vỹ đi bộ đội cùng ngày, huấn luyện cùng nhau, cùng chuyến tàu ra đảo, được phân công công tác cùng tại Tốc Tan B và hy sinh cùng giờ khắc trên biển…
Sao đỏ trên biển xanh
Ở Lữ đoàn 125 (Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân), anh em hay nhắc đến liệt sĩ Đinh Văn Nam hy sinh ngày 16.10.2013 trong khi cùng đồng đội trên tàu 957 làm nhiệm vụ cứu kéo tàu 626 mắc cạn tại đảo Phan Vinh B (Trường Sa). Thượng tá Hoàng Minh Dũng, Phó chính ủy Lữ đoàn kể: “Ngay sau khi Nam hy sinh, đơn vị và quân chủng đã bố trí việc làm ổn định cho vợ anh là Đinh Thị Kim Xoa tại Tiểu đoàn 45, Cục Hậu cần Hải quân” và trầm giọng: “Chăm lo gia đình thương binh - liệt sĩ là việc không chỉ trong tháng 7. Mới đây, một cựu chiến binh của đơn vị đang sống ở Tây Ninh làm nhà nhưng thiếu 37 triệu đồng, chúng tôi cũng quyên góp trong anh em và về tận gia đình trao tặng”.
Tôi nghe chuyện của thượng tá Dũng lại nhớ câu chuyện của mẹ liệt sĩ Trần Ngọc Hiệp: Trận 14.3.1988 xảy ra khi Hiệp chuẩn bị ra đảo, mấy bà dì xui: “Bay trốn mau, ra ngoải lỡ chết thì sao”. Nhưng binh nhì Hiệp nhất quyết: “Trốn tránh, tui còn mặt mũi nào nhìn bạn bè”. “Từ lúc cha sinh mẹ đẻ, đâu biết Trường Sa là gì. Khi thằng Hiệp hy sinh, mới theo dõi ti vi chiếu biển đảo và thấy đảo Tốc Tan B loi nhoi, bé như hạt đậu phộng” - bà Lê Thị Quyện cười vậy và khoe: “Tên anh nó được khắc ngoài đảo, trên phường và cả nghĩa trang thành phố. Ngày lễ tết, cả quận đến thắp hương nên cũng thấy ấm lòng”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.