Nấm mối ngày đông

24/12/2011 17:52 GMT+7

Người dân quê tôi có câu thành ngữ: Mừng như gặp nấm. Đúng, mừng lắm. Đó là thời điểm, sau những cơn mưa ngày đông, không khí bắt đầu trở lạnh, gió bấc thổi u u, trời lúc nắng lúc mưa bất chợt là thời điểm bắt đầu mùa nấm mối.

Người dân quê tôi có câu thành ngữ: Mừng như gặp nấm. Đúng, mừng lắm. Đó là thời điểm, sau những cơn mưa ngày đông, không khí bắt đầu trở lạnh, gió bấc thổi u u, trời lúc nắng lúc mưa bất chợt là thời điểm bắt đầu mùa nấm mối.

Nấm mối thường mọc khắp nơi nhưng nhiều nhất là ở miền quê, nơi có vùng đất thịt bazan. Ở những vùng đất này, nấm có khi mọc lên trong bờ rào, ngoài đất trống và nhất là những chỗ đất năm trước nấm đã mọc. Mỗi cây nấm khi đội đất nhô lên có màu nâu trắng hình chiếc ô, bụ bẫm. Cánh nấm nở bung xòe to bằng cái chén, chân nấm dài, dai. Nấm mọc khoảng hai ngày rồi sẽ rữa nếu không ai tìm thấy.

Người đi tìm nấm háo hức và rộn ràng khi gặp được những khoanh nấm lớn xung quanh có nhiều tai nấm con vừa mới mọc đêm qua, hái được cả rổ. Nấm hái về, rửa sạch một cách cẩn thận vì tai nấm vốn mềm, dễ vỡ rồi có thể chế biến thức ăn theo sở thích của mình. Nếu hôm nào có được nhiều nấm, các cô thường đem ra chợ bán. Đây là món lạ, ngon, rất nhiều người thích nên chỉ trong tích tắc rổ nấm đã bán hết sạch.

 
Ảnh: Đào Tấn Trực

Phần chế biến cho bữa ăn gia đình linh hoạt tùy theo ý muốn khẩu vị của từng người. Rất nhiều người thích ăn theo kiểu bình dân như nấu canh nấm với rau, hoặc nấu nấm “chay”. Cách nấu “chay” theo kiểu đun nồi nước sôi vừa đủ, cho phần nấm đã rửa sạch vào. Đợi nấm chín rồi nêm gia vị với ít lá nêm như ngò tàu, lá é thì ăn được, nấu cách này người ta gọi là nấu mẳn. Bình dân thế nhưng nấm nấu mẳn ăn ngon tuyệt, nhất là ăn với bát cơm nóng trong ngày đông lạnh.

Nếu “sang” hơn cũng có thể nướng nấm rồi chấm với muối ớt bên lò than hồng. Cách này kỳ công, mất thời gian song ăn rất ngon nên cần phải có số lượng nấm nhiều, ngon nhất là những tai nấm mới mọc, dai chắc. Ngồi bên lò than, gắp từng tai nấm bỏ lên chiếc vỉ, bắt lửa, tai nấm sẽ từ từ co lại, chảy nước xuống lò than xèo xèo, bốc mùi thơm ngậy mũi lan đến tận dạ dày.

Ngày đông lạnh giá, nấm mối được các chị đem đúc bánh xèo lại hấp dẫn và khoái khẩu hơn. Nấm để đúc bánh xèo cũng phải rửa sạch rồi tước phần chân nấm nhỏ hơn, tai nấm được tách đôi, tách ba. Đem nấm làm xong bỏ vào chiếc rổ nhỏ để bên cạnh bếp rồi tiến hành đúc bánh. Chiếc bánh xèo nấm chín vớt ra có những phần tai nấm căng mọng bốc hơi bóng nhẫy. Ăn bánh xèo nấm chấm nước mắm đã chế biến với nhiều gia vị như ớt, tỏi, chanh, đường, kèm rổ rau sống tươi xanh...  

Đào Tấn Trực

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.