Năm mới Nhâm Dần: Hướng dẫn viên du lịch mong không còn bán mỹ phẩm, cá viên chiên

01/02/2022 09:35 GMT+7

Khởi đầu năm mới Nhâm Dần 2022, với những diễn biến lạc quan của dịch Covid-19 đang khép lại tại TP.HCM, các hướng dẫn viên du lịch tại TP.HCM mong chờ một năm mới không còn phải bán mỹ phẩm online, cá viên chiên kiếm sống qua ngày.

Là một trong những nhóm ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch Covid-19, hướng dẫn viên du lịch đã trải qua năm 2021 Tân Sửa với thời gian thất nghiệp dai dẳng. Tình thế ép buộc đó khiến những "chân đi” nay phải tìm cách thích ứng, xoay chuyển cho phù hợp với thực tế.

Không thể “đứng yên”

Trên chiếc xe gắn máy, anh Trần Quốc Vinh (31 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh, TP.HCM) cố định một tủ kính chất đủ loại cá viên, bò viên, tương ớt, sa tế và để vừa đủ chiếc bếp ga mini. Anh chọn địa điểm bán hàng là khu vực dân cư tại P.Thảo Điền, TP Thủ Đức, kế bên xe anh là quầy nước ép, sinh tố của một người quen khác. Đó là tình cảnh quen thuộc mà các hướng dẫn viên du lịch này đã phải trải qua trong năm cũ 2021.

Cả hai đều là hướng dẫn viên du lịch, thất nghiệp suốt mùa dịch Covid-19. Do đó, tối nào cũng có một hoặc một vài đồng nghiệp khác đến ủng hộ.

Xe cá viên chiên của anh Vinh đặt gần quầy sinh tố, nước ép của đồng nghiệp cũng thất nghiệp vì dịch

vũ phượng

10 năm vào nghề, chưa lần nào anh Vinh có những ngày không tour kéo dài miên man như đợt dịch năm cũ. Năm 2020, trong những ngày nghỉ dịch anh cũng đi bán cá viên chiên nhưng vừa bán 2 tuần thì có tour trở lại. Năm 2021, các tour tạm ngưng từ đầu tháng 5, vẫn nghĩ mọi thứ sẽ ổn định sau 1 tháng, anh Vinh chọn bán mỹ phẩm online để kiếm thu nhập qua ngày.

“Đợi miết tháng 6, tháng 7, tháng 8 dịch vẫn căng thẳng, không biết ngày nào mới được quay lại tour nên tôi quyết định quay lại bán cá viên chiên. Người nhà ở Củ Chi gọi điện miết nói dịch còn đi bán chi cực quá, nhưng tôi không muốn đứng yên chịu đựng. Mình ở không, số tiền tích cóp dần vơi nên mình phải làm tiếp, phải xoay xở cho phù hợp. Dù những đồng tiền kiếm được từ bán cá viên chiên và mỹ phẩm không bằng hướng dẫn viên, nhưng có còn hơn không. Tôi vừa làm vừa mong ngày có tour trở lại”, anh Vinh chia sẻ.

Những ngày đầu mở bán cá viên chiên, anh Vinh không lấy lại được vốn nhưng không bỏ cuộc

Vũ Phượng

Theo anh Vinh, khởi động bán mỹ phẩm online thật chẳng dễ dàng, vì là shop mới, chưa có khách quen. Anh phải tìm hiểu cách bán, cách đăng bài, cách quảng bá sản phẩm, thời điểm shipper ngưng hoạt động, mỹ phẩm cũng không thể bán. Còn bán cá viên chiên những ngày đầu anh đậu xe từ 15 giờ 30 đến 21 giờ 30 cũng chưa lấy lại vốn, nhưng không vì vậy mà anh bỏ cuộc.

Anh bộc bạch: “Mình "chân đi" mà thời gian giãn cách xã hội ở yên trong nhà, bồn chồn lắm. Mỗi lần nhớ tour là mở clip lướt xem review các điểm đến rồi nói à chỗ này mình đi rồi nè, chỗ này sau dịch sẽ đi nè. Những ngày không làm ra một đồng, được hỗ trợ lương thực, nhu yếu phẩm vào tận dãy trọ, mình xúc động lắm và luôn giữ tinh thần lạc quan. Mình có niềm tin mọi thứ qua giai đoạn cao trào rồi sẽ dần ổn định”.

Cuộc nói chuyện của chúng tôi những ngày cuối năm dang dở khi có khách tới hỏi mua cá viên chiên, anh Vinh nhiệt tình tư vấn, giới thiệu rõ món nào anh tự làm, món nào anh lấy về. Vừa nói vừa cười, chính sự dễ thương, nhiệt tình của ông chủ xe cá viên chiên là điều giữ chân khách hàng.

Anh Vinh mong mỏi ngày được chính thức trở lại với nghề hướng dẫn viên

Vũ Phượng

Ngoài cá viên chiên, anh còn làm bánh bột lọc, chân gà sả tắc, tai heo chua ngọt bán online. Anh Vinh cho rằng, làm gì cũng cần có đam mê thì làm miết sẽ không thấy mệt, anh chọn nghề làm đủ thứ để bán như vậy cũng vì yêu bếp, công thức do anh được mẹ chỉ và học trên mạng.

Có lẽ vì khéo tay, chăm chút cho món ăn nên anh thành công ngay từ lần làm đầu tiên, khách cũ giới thiệu khách mới. Cứ như vậy, một ngày của hướng dẫn viên du lịch mùa không tour gắn liền với bếp.

Quyết không bỏ nghề

Cột một phần tóc mái bằng dây thun, hai bên cạo ngắn, mặc quần kaki, áo thun, tranh thủ lúc rảnh tay, anh Vinh ngồi tâm sự cùng đồng nghiệp. Vẫn là hàng quán vỉa hè, chỉ khác là ngày trước họ đều là khách sau những chuyến công tác, còn giờ đây, họ đều là “ông chủ”.

Nói về lý do chọn nghề hướng dẫn viên du lịch, anh Vinh hài hước: “Tôi luôn muốn đi đây đi đó, nhưng để đi được chắc phải làm nghề gì có nhiều tiền. Vậy nên chọn nghề này, vừa đi làm vừa đi chơi. Quá hợp lý”.

Cuối tháng 9 vừa qua, anh Vinh được quay lại với 3 tour tri ân y bác sĩ

Vũ Phượng

10 năm gắn bó với nghề, anh Vinh đã đi khắp các tỉnh, thành trên cả nước. Càng đi càng yêu nghề, hễ được phân công tour là anh lại miệt mài. Theo anh, thời gian thăng hoa nhất của nghề hướng dẫn viên du lịch là vào độ từ 30.4 đến 30.8 hằng năm.

Anh kể: “Lúc cao điểm, cả tháng tôi đi miết không nghỉ, mà không hề mệt hay căng thẳng. Vậy mà dịch ở yên trong nhà, để thích nghi được cũng day dứt dữ lắm đó. Thời gian nghỉ dịch, tôi được hỗ trợ một khoản để trang trải cuộc sống. Ngày 19.9 được công ty gọi đi tour tri ân y bác sĩ chống dịch tại TP.HCM, hồi hộp hệt như tour đầu tiên trong sự nghiệp”.

Theo lời người có 10 năm kinh nghiệm, hướng dẫn viên du lịch cầm được mic để nói là như cá gặp nước, nói miệt mài không nghỉ. Trước ngày đi, anh cũng dành cho 30 phút để ôn lại kiến thức, lên xe rồi hơi tiếc vì quãng đường di chuyển chỉ chừng 50km, nói chưa đã.

Anh Khương và đồng nghiệp đến ủng hộ anh Vinh

Vũ Phượng

Động lực để anh Vinh theo nghề suốt 10 năm và quyết tâm không bỏ nghề sau những ngày dài không tour chính là những lời động viên của khách hàng. Nhiều tour anh hướng dẫn được khách gửi quà cảm ơn và quay lại tiếp tục đi tour cùng anh nhiều chuyến sau đó.

“Những ngày không tour tôi không mua sắm gì, chỉ mua đồ dùng thiết yếu và cái tông đơ để cắt tóc, cắt ngày ăn 3 bữa còn 2 bữa. Vui nhất là tôi vẫn phụ giúp được gia đình bằng tiền tiết kiệm, tiền kiếm được từ bán mỹ phẩm, bán cá viên chiên. Tôi đã được cảm giác cầm mic trở lại trong 3 tour tri ân y bác sĩ sau dịch, tôi mong tất cả anh em đều được trải nghiệm cảm giác này, mong du lịch sẽ dần hồi phục”, anh bộc bạch.

Anh Nguyễn Văn Khương (31 tuổi, đồng nghiệp anh Vinh) cũng cho biết đã thất nghiệp 5 tháng. Đợt tour tri ân vừa qua, công ty có gọi anh đi làm nhưng không may lúc đó anh đang là F0 nên đành tạm hoãn.

5 tháng thất nghiệp, anh Khương gói ghém các chi tiêu trong nhà, trang trải bằng tiền tích cóp suốt những tháng năm miệt mài chạy tour. Anh nhận xét: “Đợt dịch vừa qua đồng nghiệp tôi chuyển sang làm bảo hiểm, bất động sản nhiều nhất. Giờ chắc phải năm sau thì hướng dẫn viên mới may ra có tour ổn ổn lại. Tối nay con nhỏ về quê nên tôi ra ngồi chơi với anh em. Một năm biến động của hướng dẫn viên, không biết qua dịch còn được bao nhiêu người trụ lại với nghề”.

Năm mới Nhâm Dần, ước mong lớn nhất của các anh và nhiều đồng nghiệp làm du lịch khác là sẽ có một năm con Hổ bình an, dịch bệnh Covid-19 sẽ sớm được khống chế và những chuyến đi của họ sẽ lại tiếp nối nhau.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.