Chiều 10.2 (tức mùng 1 tết), đông đảo du khách đến Thảo Cầm Viên Sài Gòn thích thú được trải nghiệm thi kéo co với hổ trắng. Đây là hoạt động mới lạ được vườn thú ở trung tâm TP.HCM giới thiệu đến khách tham quan trong mùa tết năm nay.
Theo đó, Thảo Cầm Viên sẽ tổ chức để du khách thi kéo co cùng hổ trắng vào 14 giờ chiều mùng 1 và mùng 4 tết. Ngoài ra, du khách cũng có thể tận tay cho một số loài vật ăn hay xem nhân viên cho các loài vật ăn vào khung giờ được công bố.
Du khách thi kéo co với hổ ở Thảo Cầm Viên Sài Gòn
Cụ thể, vườn hồng hạc sẽ cho ăn lúc 9 giờ 30 phút; vượn và chim nước cho ăn lúc 9 giờ hằng ngày, du khách sẽ thấy được khả năng lặn ăn cá của chim cốc đế, chim cổ rắn, tại đây cũng có 3 phần thức ăn tặng miễn phí cho du khách để khách tham quan thử tài chụp bắt thức ăn của vượn.
Vào 14 giờ hằng ngày, du khách cũng có thể tận mắt quan sát rắn chúa ăn mồi và cá sấu ăn thức ăn.
Ngoài ra, khu hổ vàng ở chuồng giữa có hổ con, nhân viên sẽ treo thức ăn cho hổ từ 8 giờ 30 phút mỗi ngày, khu đối diện hổ trắng cũ treo thức ăn lúc 15 giờ các mùng 2, 4, 6, 8 tết. Tại khu gấu, 7 giờ 30 phút là hoạt động cho gấu chó ăn, 8 giờ cho gấu ngựa ăn, 11 giờ cho gấu ăn dừa trái và 14 giờ mùng 2 và mùng 4 tết xem gấu ăn kem đá.
Từ 9 giờ – 9 giờ 20 các mùng là hoạt động voi biểu diễn tập tính, 9 giờ 30 phút là màn trình diễn tập tính của hà mã.
Ngoài ra, Thảo Cầm Viên Sài Gòn còn có một số điểm vui chơi mới lạ, độc đáo và các chương trình đặc sắc dịp tết này như: khu vực tết ba miền, đường mai với 1.000 chiếc ô màu sắc cùng mai vàng rực rỡ, điểm check-in cầu tình yêu, vườn lan rừng, khu cá sấu, khu di tích chuồng cọp...
'Phất' lên trong mùa tết nhờ cho thuê áo dài: Chiều 'thượng đế' sửa dáng ngay tại chỗ
Và để tránh phải xếp hàng khi mua vé cổng, bạn có thể truy cập trang điện tử của Thảo Cầm Viên Sài Gòn để mua vé online, sau đó giữ mã QR để quét khi qua cổng.
Thảo Cầm Viên Sài Gòn được xây dựng cùng lúc với Bưu điện Thành phố, Nhà thờ Đức Bà và chợ Bến Thành. Nơi đây là một trong những công trình mang tính lịch sử và lâu đời nhất TP.HCM, là biểu tượng văn hóa đặc trưng của thành phố. Ngày trước, người dân TP.HCM quen gọi Thảo Cầm Viên Sài Gòn là Sở thú và tên gọi phổ thông này vẫn gắn liền với Thảo Cầm Viên Sài Gòn cho đến tận hôm nay.
Bình luận (0)