Nhiều nông dân bán luôn vườn điều sau khi hết hợp đồng cầm cố đất - Ảnh: Phước Hiệp
Trước đó, vào tháng 9.2010, UBND tỉnh Bình Phước đã ra Chỉ thị số 14 về việc tăng cường biện pháp quản lý, yêu cầu cơ quan chức năng ngăn chặn tình trạng bán điều non, vay tiền lãi suất cao, cầm cố đất đai trong đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời, tổ chức nhiều đợt thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp dụ dỗ đồng bào bán điều non, cầm cố đất.
Không giảm mà tăng
|
Tuy nhiên, theo ông Huỳnh Thanh, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Bình Phước cho biết: “Sau 4 năm thực hiện Chỉ thị 14, thì chỉ đạo của UBND tỉnh vẫn chưa phát huy hiệu quả mà còn trở nên phức tạp hơn, đặc biệt tại 2 Bù Đăng và Bù Gia Mập”. Thống kê của Ban dân tộc cho thấy, trên địa bàn (đến tháng 6.2014) có 668 hộ bán điều non với diện tích khoảng hơn 1.000 ha, lấy 11,8 tỉ đồng (tăng 201 hộ/404ha so với năm 2013). Huyện có diện tích bán điều non nhiều nhất là Bù Đăng 409 hộ/755ha (tăng 99 hộ so với năm 2013); Bù Gia Mập 239 hộ/303ha (tăng 83 hộ so với năm 2013). Bên cạnh đó, có 176 hộ vay lãi suất cao (từ 1,5-12%/tháng) với số tiền 4,5 tỉ đồng, thời gian vay từ 1-5 năm. Ngoài ra, toàn tỉnh có 459 hộ cầm cố đất đai, thế chấp đất ở, đất sản xuất với diện tích hơn 565ha; có 302 hộ bán đất ở, đất sản xuất với diện tích hơn 300ha.
Theo ông Huỳnh Thanh, có nhiều hộ dân sau khi bán điều non thì quay qua bán đất sản xuất. Không còn nguồn thu, nhiều hộ dân phải đi làm thuê hoặc xâm canh đất lâm nghiệp để trồng mì hoặc tiếp tục vay nặng lãi để trang trải cuộc sống. Một nguyên nhân nữa dẫn đến tình trạng diễn ra dai dẳng, phức tạp là hầu hết các hộ đồng bào này có đời sống kinh tế khó khăn, nghèo; một số hộ có thói quen ăn chơi, cần tiền mua xe, xây nhà, trả lễ cưới vợ…”Tự đó, họ bị các đối tượng có tiền dụ dỗ bằng nhiều thủ đoạn tinh vi. Thời gian đầu làm quen, cho các hộ này mượn tiền từ ít đến nhiều, cho thiếu nợ hoặc mua hàng trả chậm với cách tính lãi cao, đến lúc đòi nợ không có tiền trả thì xiết đất để trừ nợ”, ông Thanh nói.
Khó cấu thành tội cho vay nặng lãi
Theo Công an tỉnh Bình Phước, sở dĩ tình trạng này tiếp tục kéo dài, diễn ra phức tạp là do các cơ quan chức năng chưa đủ cơ sở pháp lý chế tài. Vì hầu hết các trường hợp bán điều non, cầm cố đất đai, cho vay lãi suất cao đều thực hiện giao dịch bằng miệng hoặc viết tay giữa 2 bên, không có xác nhận của chính quyền địa phương.
Qua điều tra của công an, các chủ nợ cho vay thường chủ động lập các giao dịch, lợi dụng đồng bào không biết chữ nên trên giấy tờ số tiền vay thường khai lớn hơn thực tế cộng với lãi suất thỏa thuận giữa 2 bên. “Việc làm trên của các chủ nợ nhằm tránh việc ghi lãi suất cao trong giao dịch… nên khó thu thập tài liệu, chứng cứ về hành vi cho vay nặng lãi. Hơn nữa những người cho vay không mang tính chất chuyên nghiệp nên “khó” cấu thành tội cho vay nặng lãi”, một lãnh đạo Công an tỉnh Bình Phước cho hay.
Theo Công an tỉnh Bình Phước, hiện nay, các lực lượng đang tiến hành xác minh, hoàn thiện hồ sơ để xử lý một số trường hợp liên quan đến việc cho vay nặng lãi, cầm cố, sang nhượng đất trái phép nhất là đất cấp từ các dự án chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Trong đó, ở H.Lộc Ninh đang tiến hành xác minh vụ việc 65 hộ Đồng bào DTTS ngụ tại xã Lộc Hòa, Lộc Phú và Lộc Tấn vay tổng số tiền 284 triệu đồng, với mức lãi suất 10%/tháng. Xác minh 44 hộ Đồng bào DTTS ở xã Thanh Hòa (H. Bù Đốp) sang nhượng 10ha đất do nhà nước hỗ trợ.
Phước Hiệp
>> Thanh tra việc bán điều non, cầm đất của đồng bào dân tộc
>> Hơn 1.000 hộ dân Bình Phước bán điều non, cầm cố đất đai
Bình luận (0)