Nạn 'bảo kê' hoành hành ở Vĩnh Tân - Bài 1: Bảo vệ cũng bị 'bảo kê' đánh dạt

19/05/2015 09:32 GMT+7

Sau vụ ném bom xăng vào lán trại của công nhân vì không chịu ăn cơm ở quán, nhiều doanh nghiệp (DN) tiếp tục phản ánh nạn 'bảo kê' hoành hành trong thời gian dài tại Nhà máy điện Vĩnh Tân (H.Tuy Phong, Bình Thuận).

Sau vụ ném bom xăng vào lán trại của công nhân vì không chịu ăn cơm ở quán, nhiều doanh nghiệp (DN) tiếp tục phản ánh nạn “bảo kê” hoành hành trong thời gian dài tại Nhà máy điện Vĩnh Tân (H.Tuy Phong, Bình Thuận).

Công trình xây dựng ở Vĩnh Tân, nơi các công nhân thi công bị quăng bom xăng
Các xe thi công tại Vĩnh Tân thường bị nạn bảo kê, lấy tiền tháng - Ảnh Quế Hà
Anh Nguyễn Văn V., Đội trưởng mục tiêu của Công ty dịch vụ bảo vệ X (trụ sở tại TP.Phan Thiết) cho biết: “Sau khi ký được hợp đồng bảo vệ với nhà thầu thi công trong Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân, công ty đưa nhiều nhân viên xuống để làm nhiệm vụ. Tuy nhiên khi đến Vĩnh Tân, chúng tôi hết sức bất ngờ khi chính khách hàng lại đề nghị phải “làm quen” hoặc thỏa hiệp với Nguyễn Văn Linh (tức Linh “béo”) để mọi việc được êm xuôi. Giám đốc công ty chúng tôi cho rằng, mình đi bảo vệ cho khách hàng lại còn đi thương lượng với giang hồ bảo kê thì làm bảo vệ gì nữa nên không thỏa hiệp”. Anh V. kể: “Ngay ngày đầu tiên, một chiếc xe container chở thiết bị đến cổng nhà máy, chúng tôi cử 2 bảo vệ tiếp cận mục tiêu. Ngay tối hôm đó, xuất hiện nhiều tay anh chị cầm mã tấu ngang nhiên đến khống chế bảo vệ, rồi tháo nguyên cục máy lạnh của xe container. Sáng hôm sau, biết công ty bảo vệ của chúng tôi có nhiều người từng là sĩ quan công an nên chúng đem cục máy lạnh đến quăng vào cổng công trường trả lại”. Cũng như một số công ty khác, hoạt động được khoảng 6 tháng, đến tháng 8.2014 thì công ty V. cũng phải rút quân về lại Phan Thiết vì sự lộng hành của băng nhóm bảo kê tại Vĩnh Tân.
Trao đổi với PV Thanh Niên, chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Lê Tiến Phương, cho biết ông đã yêu cầu Công an tỉnh nhanh chóng điều tra tìm ra thủ phạm vụ quăng bom xăng làm các công nhân bị thương. Đồng thời, điều tra làm rõ hành vi nhận tiền bảo vệ, thực chất là tiền bảo kê của các DN đang thi công.
Cách đây khoảng 2 năm, Công ty dịch vụ bảo vệ M (trụ sở đóng tại Ninh Thuận) cũng từng đưa “quân” đến thị trường tại Vĩnh Tân nhưng sau đó cũng phải rút lui vì thấy tình hình an ninh trật tự có nhiều bất ổn. “Lúc này, có các công ty bảo vệ ở tận Nha Trang, TP.HCM cũng đến Vĩnh Tân hoạt động. Nhưng chỉ “đụng” vài lần với các tay “mã tấu” ở Vĩnh Tân thì hầu hết các công ty bảo vệ âm thầm rút lui. Giờ Vĩnh Tân gần như không còn bóng dáng bảo vệ chuyên nghiệp nào là vậy”, ông Nguyễn Văn M., Giám đốc Công ty dịch vụ bảo vệ M cho hay.
DN không dám tố cáo…
Dù bị ép bảo kê đòi tiền hàng tháng, nhưng các DN đều không dám tố cáo. “Nhiều DN làm công trình đôi ba tháng là hết việc nên chẳng thiết tha gì việc trình báo công an. Có khi lại để lại hậu quả không hay ho gì”, ông T. phân trần.
Trao đổi với Thanh Niên, thượng tá Phan Khánh Phương, Phó trưởng Công an H.Tuy Phong (Bình Thuận) thừa nhận tình trạng trộm cắp ở công trình Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân là rất nhiều. Hàng năm, công an đã khởi tố hàng chục vụ và bắt giữ nhiều nghi can…
Nói về việc bảo kê, thu tiền của các DN, thượng tá Phương cho biết ông chỉ nghe qua dư luận. “Chúng tôi đã cử trinh sát nắm tình hình nhưng khi hỏi DN thì họ từ chối phối hợp nên đã gây rất nhiều khó khăn trong việc giải quyết, xử lý đối tượng. Đến giờ này chúng tôi cũng chưa nhận được đơn tố cáo nào của DN tố tình trạng bảo kê. Chúng tôi cũng đã cho trinh sát vận động DN trình báo”, thượng tá Phương nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.