Nạn chặt trộm đuôi voi

05/09/2010 02:11 GMT+7

Nhìn hai con voi hoạt động phục vụ du lịch ở khu du lịch Prenn (TP Đà Lạt, Lâm Đồng) bị bọn “giặc trộm lông đuôi” nhẫn tâm ra tay chặt đứt 2 chiếc đuôi, máu chảy đầm đìa, đau đớn, khiến ai cũng động lòng. Thế nhưng, đây chỉ là vụ mới xảy ra, trước đó, rất nhiều con voi nhà ở khắp địa bàn Tây Nguyên cũng bị thảm cảnh không bị nhổ lông thì bị chặt đuôi.

 Không chỉ là loài động vật đặc biệt quý hiếm có tên trong Sách đỏ, voi còn là biểu tượng của văn hóa Tây Nguyên, rồi voi tham gia đánh giặc, voi tham gia lao động... Tạo hóa sinh ra chúng có đủ cả đầu đuôi lẫn cả vòi, vậy mà giờ đây, khắp các địa bàn Tây Nguyên, chúng ta rất dễ gặp những chú voi to tướng bị cụt đuôi hoặc còn cái đuôi tròn trùng trục không có sợi lông nào.

Lâu nay, chúng ta vẫn cứ nghe “quý như ngà voi” rồi, còn lông đuôi voi thì sao mà quý? Người ta đồn đoán rằng, lông đuôi voi như một thứ “bùa” yêu, ai có nó thì được hạnh phúc suốt đời. Thế là người ta lấy lông đuôi đó lồng vào với nhẫn vàng, nhẫn bạc bán cho du khách. Và rồi đồn rằng, có lông đuôi voi sẽ không sợ thú dữ, hoặc có được giác quan thứ 6; và rồi rằng, lông đuôi voi mang xỉa răng sẽ trị được sâu răng, mang đốt để ngửi sẽ trị được viêm xoang, thậm chí còn trị được ung thư… “Muôn hình vạn trạng” cách để đồn thổi, khiến nhiều du khách đến với Tây Nguyên nghe thấy cũng hiếu kỳ (có cả mê tín) liền tìm mua ít nhất một món, thế là lông đuôi của con vật tội nghiệp này nhanh chóng trở thành món hàng “hot” trên thị trường. Hiện nay, một lông đuôi voi tùy theo dài ngắn, lớn, nhỏ mà có giá từ 50 ngàn cho đến nửa triệu đồng. Vậy là voi lập tức bị người ta săn lùng ráo riết để nhổ lông đuôi. Mà voi rừng thì đâu ai dám bén mảng đến gần, thế là những con voi nhà trở thành đối tượng chính. Để nhanh hơn, để kiếm được nhiều tiền hơn, bọn “vĩ mao tặc” không ngần ngại ra tay tàn nhẫn chặt đứt đuôi voi mặc cho con voi ấy sống chết thế nào. Ông Y Rít - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Đắk Lắk khẳng định: “Gia đình tôi cũng từng có người làm nài voi, làm gì có chuyện lông đuôi voi mang lại may mắn hay chữa được bệnh này bệnh nọ, tất cả là do một số người đồn thổi, mánh khóe để bán thu lợi”.

Cũng không thể trách được chủ voi, sao không chăm, giữ voi cho kỹ, họ biết điều đó, nhưng cứ nhốt voi ở chuồng mãi thì lấy gì nuôi voi? Thế là phải thả ra rừng, bìa rừng cho voi kiếm ăn, và đây là “cơ hội tốt” cho bọn trộm ra tay, thậm chí người ta nhốt voi trong chuồng còn bị đột nhập chặt trộm đuôi. Trong khi đó, sản phẩm thủ công mỹ nghệ có lông đuôi voi, thậm chí lông và cả khúc đuôi vẫn được bày bán khắp nơi. Ông Hoàng Minh Đức - nghiên cứu viên Viện Sinh học nhiệt đới TP.HCM bày tỏ: “Số lượng voi bị suy giảm nghiêm trọng nhưng hiện vẫn chưa có cách nào để bảo vệ voi. Lông voi không đẹp gì, chủ yếu là người ta tin theo kiểu tâm linh rồi mua cầu may mắn. Bọn trộm rõ ràng đi nhổ lông hay chặt đuôi voi mang bán cho các tiệm vàng kiếm lợi”.

Một cán bộ Trung tâm du lịch Buôn Đôn cũng thừa nhận: “Ngay trong trung tâm này, thậm chí bày bán lông và nguyên khúc đuôi voi. Họ là những hộ kinh doanh cá thể, quản lý, kiểm tra họ không thuộc chức năng của chúng tôi”. Ông Trương Bi - Phó giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch Đắk Lắk cũng cho biết: “Voi là biểu tượng của văn hóa Tây Nguyên và là nét đẹp trong du lịch, voi phải có đầy đủ bộ phận, phần đuôi rất quan trọng trong việc đuổi côn trùng cho voi. Chúng tôi kịch liệt lên án những hành vi nhổ lông hay chặt đuôi voi. Thế nhưng, hiện tỉnh không có chủ trương, làm sao chúng tôi dám kiểm tra, bởi bọn trộm hay kết hợp với tiệm vàng, hàng quán lưu niệm ngay tại khu du lịch”.           

Gia Bình

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.