Nạn cướp tàu dầu ở biển Đông - Kỳ 1: Đường đi của dầu 'bẩn'

09/10/2014 06:00 GMT+7

Cướp và đưa những khối dầu 'bẩn' ra chợ đen là một quy trình có tổ chức quy mô mà các lực lượng an ninh biển ở Đông Nam Á vẫn chưa thể lần theo dấu.

>> Nạn cướp tàu dầu trên biển Đông

Những tên cướp biển bị lực lượng an ninh Indonesia bắt giữ  - Ảnh: Reuters
Những tên cướp biển bị lực lượng an ninh Indonesia bắt giữ  - Ảnh: Reuters 

Đã có hàng chục vụ tàu chở dầu bị cướp trong vùng biển từ eo Malacca qua eo Singapore và đổ vào phía nam biển Đông, chỉ tính riêng trong năm 2014. Nhưng tới nay, chưa có thủ phạm hay nghi can nào bị bắt. Tung tích của những tên cướp biển này vì vậy vẫn còn nằm trong diện nghi vấn. Nhưng hoạt động phạm tội của chúng, theo các chuyên gia, là “có tổ chức chuyên nghiệp” và quy trình chặt chẽ, từ việc thu thập thông tin, lên kế hoạch tấn công, phân công hành động cho từng nhóm một cách bí mật, sở hữu cả những con tàu chở dầu và bán “chiến lợi phẩm” cho những công ty lớn có sắp đặt trước.

Tổ chức chuyên nghiệp

Dựa trên cách thức và diễn tiến của các vụ cướp vừa qua, chuyên gia tư vấn an ninh hàng hải James Bridger của Công ty Delex Systems nhận định rằng nhiều khả năng tất cả chỉ do một băng đảng thực hiện. Băng này nhận thông tin tình báo về lịch trình chi tiết của các tàu dầu từ một nhóm tội phạm bắt rễ ở Indonesia và có quan hệ chặt chẽ với Singapore, nơi các con tàu xuất phát. Chuyên gia phân tích Karsten von Hoesslin của Công ty an ninh hàng hải Risk Intelligence trong một lần đi khảo sát ở cảng Pontianak trên phần đảo Borneo của Indonesia từng chứng kiến một máy trưởng và một thuyền trưởng bán thông tin về một tàu dầu sắp khởi hành cho một băng tội phạm địa phương, thông qua một tay trung gian.

Những con tàu bị tấn công thường là loại nhỏ với sức chứa vài ngàn tấn sản phẩm hóa dầu. Loại tàu này thường đi chậm, thân tàu rất thấp, giúp các tên cướp có thể dễ dàng đi tàu cao tốc bám bên hông và leo vào trong. Sau khi khống chế thủy thủ đoàn, những tên cướp biển sẽ tắt hệ thống thông tin liên lạc, khiến tàu “biến mất” trong thời gian chúng bơm dầu sang tàu của mình. Đôi khi, chúng cũng xóa hoặc che mất tên của con tàu lâm nạn, để tránh bị nhận diện bởi các tàu gần đó.

Việc chuẩn bị một tàu chứa xuất hiện đúng lúc ngay tại nơi “con mồi” bị khống chế để tải hết lượng dầu từ tàu bị cướp cho thấy bọn cướp đã nắm rõ thông tin về đối tượng từ trước. Nhưng việc bơm dầu từ tàu này sang tàu khác giữa biển, theo các nhà chuyên môn, còn phức tạp và khó hơn nhiều, chỉ có các kỹ sư lành nghề mới có thể thực hiện được. Trong nhiều vụ xảy ra gần đây, các chuyên gia tin rằng có sự tiếp tay từ thuyền trưởng và thợ máy của những con tàu bị cướp. Tuy nhiên, chuyên gia Bridger cho rằng các băng cướp cũng có thể thuê các kỹ sư tàu biển lành nghề với giá cao hơn các hãng tàu để đi cướp.

Chợ đen dầu

Ông Albert Antoine, Giám đốc điều hành khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Công ty exactEarth ở Canada, chuyên cung cấp dịch vụ vệ tinh theo dõi tàu biển, nói với Thanh Niên rằng sau khi hút dầu từ những con tàu bị cướp, tàu dầu của những tên cướp sẽ đậu tạm ngoài vùng biển quốc tế. “Khi đêm xuống, công tác tuần tra bớt nghiêm ngặt, những con tàu này sẽ đi vào vùng biển của quốc gia, nơi “khách hàng” của chúng đã chờ sẵn để bơm dầu ra những con tàu nhỏ hơn, cỡ như tàu đánh cá và mang vào đất liền”, ông Antoine nói. “Dầu phi pháp đương nhiên được bán rẻ hơn giá thị trường, lại không có thuế, tất nhiên là một món hàng béo bở. Vì vậy, thị trường của nó nhộn nhịp lắm”, ông nói thêm.

Chuyên gia Bridger cho biết: “Dầu bị cướp sau đó được bán ra các chợ đen trong khu vực như Singapore, Malaysia, đảo Borneo, Thái Lan và VN”. “Giá dầu bán lẻ ở Singapore cao hơn những nước khác là môi trường tốt cho một thị trường dầu “bẩn” rất lớn”, ông này nói thêm.

Hồi cuối tháng 9.2014, Bộ đội biên phòng tỉnh Cà Mau phát hiện và tạm giữ con tàu mang số hiệu KG 91049 TS chở 14 bồn chứa, với hơn 8.000 lít dầu diesel không có hóa đơn, chứng từ nguồn gốc. Các thuyền viên khai nhận toàn bộ lô hàng này là của một thuyền trưởng ngụ ở TP.Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang mua từ Malaysia về VN tiêu thụ. Tuy chưa có thông tin cụ thể về nguồn gốc dầu, nhưng một chuyên gia của một công ty dịch vụ dầu khí ở Singapore nhận định với Thanh Niên có thể đó là loại dầu “bẩn” từ chợ đen nói trên.

Tuy nhiên, chợ đen dầu “bẩn” không phải chỉ dành cho những khách hàng nhỏ, sử dụng trực tiếp, mà đa phần là những công ty dầu khí, có khi ở tận châu Âu. Việc trao đổi dầu “bẩn” với “khách hàng lớn” thường diễn ra ngay giữa biển khơi theo mô thức dầu “bẩn” sẽ được bơm chung vào bể dầu hợp pháp của tàu mẹ. “Khi đó thật khó, nếu không muốn nói là không thể, để xác định được bể dầu kia có phải là hàng hợp pháp hay không”, chuyên gia Michael Frodl của Công ty đánh giá rủi ro hàng hải C-LEVEL Maritime Risks, nói.

Thục Minh
(Văn phòng Singapore)

>> Điều tra vụ cướp tàu cá
>> Bắt 4 kẻ dùng súng cướp tàu
>> Cứu người Campuchia bị cướp tàu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.