Nạn "đạo chích" trang trại: Chó bẹc-giê chống “đạo chích”

04/03/2010 23:24 GMT+7

Trước nạn trộm cắp “vàng trắng” ngày càng gia tăng, Tổng công ty cao su Đồng Nai sử dụng chó bẹc-giê cùng với bảo vệ của 13 nông trường (NT) tham gia chống ăn trộm mủ.

Trong hơn 36 ngàn héc-ta cao su mà Tổng công ty cao su Đồng Nai đang quản lý, tại H.Long Thành có đến 4 NT (Long Thành, Thái Hiệp Thành, An Viễn và Bình Sơn) chiếm gần 12 ngàn héc-ta. Địa phương này được đánh giá là điểm nóng của nạn ăn trộm mủ. Trong năm 2009 tại 4 NT này đã bắt giữ hơn 1.000 người do có hành vi trộm cắp mủ cao su.

Trung tá Nguyễn Tất Từ, Đội trưởng Đội Cảnh sát kinh tế Công an H.Long Thành đánh giá nguyên nhân: “Do diện tích quá rộng, tiếp giáp với các khu vực dân cư, giáp rất nhiều tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ... nên rất dễ dàng trộm cắp; mủ cao su bán có giá rất cao; đời sống kinh tế người dân lại khó khăn. Đối tượng trộm cắp chủ yếu là người già và trẻ em nên việc xử lý gặp nhiều khó khăn”.

“Điểm nóng” Thái Hiệp Thành

NT Thái Hiệp Thành rộng 2.833 ha tọa lạc tại 5 xã Tân Hiệp, Bàu Cạn, Phước Thái, Phước Bình và Long Phước được đánh giá thuộc diện “nóng” nhất. Trên tuyến xã lộ dẫn vào NT, ngang qua những lô cao su đều thấy có gắn những tấm bảng màu đỏ cảnh báo treo trên thân cây “Không phận sự cấm vào lô. Trong lô có chó dữ!”.

Báo cáo của NT, trong năm 2009 đã phát hiện và bắt giữ 912 lượt người có hành vi vào lô trộm cắp mủ cao su, thu giữ 4.165 kg các loại, thu giữ 31 xe gắn máy và 17 xe đạp. Ông Trần Mão, Phó giám đốc NT Thái Hiệp Thành phân tích: “Nhiều đối tượng vi phạm nhiều lần, nhưng khi NT chuyển qua cho chính quyền địa phương xử lý, họ vẫn không sợ mà tiếp tục làm “mủ tặc”. Nhiều trường hợp, sáng bắt, chiều đã có mặt trong lô cao su. Bên cạnh đó, đối tượng trộm cắp đa số là trẻ em, phụ nữ và người lớn tuổi, số lượng mủ không nhiều nên rất khó xử phạt. Một số thanh niên cũng lợi dụng công nhân cạo mủ sơ hở “ôm” luôn cả thùng (khoảng 10 - 15 kg) bỏ chạy. Nhiều trường hợp bị phát hiện còn quay lại hành hung cả bảo vệ, đập bể chén mủ, nhổ cả gốc cao su”.

Bà Rịa - Vũng Tàu: Không sử dụng chó bẹc-giê

Công ty cao su Bà Rịa cho biết, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn cũng diễn biến khá phức tạp, các đối tượng trộm mủ thường xuyên tổ chức thành từng nhóm 5 - 7 người mang theo hung khí, dùng phương tiện xe gắn máy phân khối lớn vận chuyển cao su trái phép, khi bị phát hiện thì chống đối, hăm dọa, hành hung gây thương tích cho lực lượng bảo vệ (năm 2009 có đến 10 vụ hành hung bảo vệ).

Khác với Đồng Nai, Bà Rịa không sử dụng chó bẹc-giê. Trong năm 2009 bảo vệ của các NT phát hiện hơn 100 vụ trộm mủ cao su với 135 đối tượng vào lô trộm cắp, mua bán, vận chuyển mủ cao su trái phép và thu hồi hơn 10.000 kg mủ cao su các loại, tạm giữ 32 xe gắn máy, 21 xe đạp.

Ông Chín Đen, Đội trưởng Đội bảo vệ NT Thái Hiệp Thành (H.Long Thành) vừa dẫn chúng tôi vào lô cao su vừa nói: “Nạn trộm cắp mủ cao su nhiều lắm, ngay cả bảo vệ chúng tôi mà vẫn còn bị bọn mủ “tặc” kéo đến hành hung”. Như vào tối ngày 7.1, để chống lại 3 đối tượng lao đến hành hung, bảo vệ Nguyễn Công Thống phải nổ súng. Trước đó vào ngày 31.12.2009 tại lô cao su 372 (đội 2), 434 cây cao su 4 tầng lá nằm trên diện tích 8.000m2 đã bị ai đó phá nát, mà theo NT cũng không loại trừ bọn “mủ tặc” trả thù.

Dùng chó bẹc-giê, nên chăng?

Trước nạn trộm cắp “vàng trắng” diễn ra nhiều nơi, năm 2008 Tổng công ty cao su Đồng Nai có sáng kiến tăng cường cho mỗi NT 5 con chó bẹc-giê đã qua huấn luyện nghiệp vụ để cùng với bảo vệ chống “mủ tặc”.

Tại Thái Hiệp Thành, ngoài 5 chó bẹc-giê mà tổng công ty đưa về (đã bị chết 1 con), NT còn nuôi thêm 40 chó bẹc-giê lai để tham gia tuần tra cùng với 65 bảo vệ. Ông Chín Đen, Đội trưởng Đội bảo vệ NT Thái Hiệp Thành cho biết: “Hằng ngày, bảo vệ dắt chó bẹc-giê vào lô cao su để đi tuần tra. Thấy hơi người thì chúng sủa vang giúp bảo vệ dễ dàng phát hiện ra đối tượng, đồng thời cũng “hù” người lạ không được vào lô cao su. Nói chung, từ khi có chó bẹc-giê tham gia cũng phần nào hạn chế được nạn trộm cắp, đó là cái lợi”.

Một bảo vệ chòi canh 191 (đội 2) dẫn chúng tôi đi tham quan 5 chuồng chó bẹc-giê nằm phía sau. Thấy khách lạ, đàn chó sủa inh ỏi. Khi cửa vừa mở, chúng đều muốn nhảy ra ngoài để lao vào người khách lạ, bảo vệ phải cố gắng ghì lại. Đã từng xảy ra một vụ chó bẹc-giê tấn công người vào lô lấy mủ cao su. Theo tìm hiểu của chúng tôi, vào chiều ngày 22.11.2009, em Huỳnh Ngọc Hải (11 tuổi, tạm trú tại ấp 6, xã Tân Hiệp) cùng một nhóm bạn vào lô cao su thuộc NT Thái Hiệp Thành “mót” mủ cao su. Em Hải kể lại với PV Báo Thanh Niên: “Khi em thấy 2 chú bảo vệ dẫn 4 con chó bẹc-giê đi tuần thì em bỏ chạy. Chạy một đoạn, em bị một con to đuổi kịp vồ sau lưng làm em ngã xuống. Sau đó, 3 con chó còn lại xông vào cắn”. Một số bạn đi cùng đã về nhà gọi người lớn đến giúp. Sau đó, Hải được mọi người đưa đến Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Thành cấp cứu. Gia đình em Hải cho biết, sau khi bị chó tấn công, lãnh đạo và bảo vệ NT có bồi thường thuốc men và hỗ trợ tinh thần cho Hải 7 triệu đồng.

Xung quanh việc quản lý chó  bẹc-giê, trung tá Nguyễn Tất Từ, Đội trưởng Đội Cảnh sát kinh tế Công an H.Long Thành cho biết: “Chó bẹc-giê do tổng công ty giao các NT quản lý, nên khi xảy ra vấn đề gì thì họ phải chịu trách nhiệm. Công an chỉ hướng dẫn nghiệp vụ cho bắt giữ và lập biên bản quả tang, nếu xác định tang vật phạm tội trên 2 triệu đồng thì chuyển cho công an huyện xử lý, còn dưới thì giao cho địa phương”.

Hoàng Tuấn - Nguyễn Long

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.