|
Theo ông Phạm Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc Công ty CP tư vấn thiết kế cảng - kỹ thuật biển (Portcoast), đơn vị được giao lập rà soát, điều chỉnh Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, công tác dự báo thị trường, tính đồng bộ giữa cảng biển và hệ thống hạ tầng sau cảng hiện rất bất cập.
Thiếu đồng bộ
Điển hình như Tân Cảng Cát Lái đang khai thác, nhưng tuyến liên tỉnh lộ 25B chật hẹp so với lưu lượng xe lưu thông. Tuyến đường kết nối vào cảng Bến Nghé tại Phú Hữu (Q.9) vẫn chưa được đầu tư xây dựng... Đến nay vẫn chưa có một tuyến đường sắt nào được đầu tư xây dựng kết nối với cảng biển nơi đây để vận chuyển hàng hóa.
Vấn đề chiến lược và lựa chọn thời điểm đầu tư là một tồn tại bất cập trong việc triển khai quy hoạch. Câu chuyện ở Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa) là một ví dụ. “Năm 2002, khi chúng tôi lập quy hoạch cảng Vân Phong, nhiều người đánh giá đây là một vị trí rất có điều kiện tự nhiên tốt cho phát triển cảng trung chuyển quốc tế, nghĩa là điều kiện "cần" đã có. Nhưng điều kiện "đủ" là phải có sự tham gia của các hãng tàu lớn và có nguồn tài chính. Việc đó được giao cho Vinalines, nhưng đơn vị này đã không thực hiện được, tốc độ đầu tư lại rất chậm, đến bây giờ chưa có gì cả. Nay cơ hội đã không còn, do hầu hết các nhà vận tải biển lớn đã dồn về cảng Cái Mép - Thị Vải (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu)" - ông Tuấn cho hay.
Điều chỉnh lại chức năng các cảng
Trong quy hoạch trước đây, cảng Vân Phong là cảng trung chuyển quốc tế, nhưng triển khai chậm nên đánh mất cơ hội. Trong bối cảnh đó, cảng Cái Mép - Thị Vải đã có tàu mẹ vào, cho thấy cảng này hoàn toàn có thể đảm đương vai trò của một cảng trung chuyển container. Ngoài ra, trong thời gian qua xuất hiện nhu cầu cảng chuyên dùng, đặc biệt là cảng chuyên dùng bốc xếp than phục vụ ngành năng lượng (theo quy hoạch mới của ngành điện đã bổ sung thêm một số nhà máy nhiệt điện).
Theo ông Phạm Anh Tuấn, "Bây giờ phải cập nhật và điều chỉnh lại quy hoạch, trong đó kiến nghị Vân Phong trước mắt là cảng đa chức năng (hàng tổng hợp, container và hàng rời), chứ không là cảng trung chuyển quốc tế. Về lâu dài, trong kiến nghị vẫn đề xuất Vân Phong sẽ phát triển thành cảng trung chuyển quốc tế khi có điều kiện. Chức năng trung chuyển quốc tế sẽ chuyển về cho Cái Mép - Thị Vải". Ông Tuấn cho hay, cảng này gần như đã tiếp nhận được tàu có trọng tải lớn nhất thế giới (tàu lớn nhất thế giới hiện nay là 18.000 TEU, trong khi cảng Cái Mép - Thị Vải đã tiếp nhận tàu đến 14.000 TEU). Hai hãng tàu lớn nhất thế giới và một số hãng khác đã có các tuyến từ Cái Mép - Thị Vải đi các nước.
Mai Vọng
>> Kiến nghị về quy hoạch cảng biển
>> Hạ tầng cảng biển Việt Nam thiếu đồng bộ
>> Hơn 360 ngàn tỷ đồng đầu tư hệ thống cảng biển Việt Nam
Bình luận (0)