|
Bài học VN
|
Luật sư (LS) Châu Huy Quang, Giám đốc điều hành Hãng luật Rajah & Tann nước ngoài LCT Lawyers, cho biết ông vừa tham dự một hội nghị về đầu tư tại Jakarta (Indonesia).
Qua hội nghị, ông biết được rằng cơ quan cấp phép đầu tư nước này đã đặt hàng các công ty luật thực hiện một chương trình tư vấn làm thế nào để cải thiện môi trường đầu tư và tăng khả năng cạnh tranh với các nước trong khu vực. Họ lấy VN làm ví dụ, tìm cách lý giải vì sao sau khoảng thời gian đầu tư nước ngoài trực tiếp (FDI) ồ ạt vào VN thì xuất hiện tình trạng “đóng băng”. “VN đã trở thành bài học để Indonesia cải thiện môi trường đầu tư của họ, nhằm tránh rơi vào hoàn cảnh giống VN”, LS Quang nói.
Môi trường đầu tư TP.HCM nói riêng và VN nói chung đang kém đi. Ông Quang dẫn chứng, khi làm thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư cho một số ngành nghề có điều kiện cho nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài, có hồ sơ phải mất 8 - 9 tháng mới xong. Trong lĩnh vực hậu cần (logistics), từ đầu năm 2014 VN đã mở cửa toàn bộ theo cam kết WTO, nhưng UBND TP.HCM lại ngưng không cấp phép cho các dự án 100% vốn nước ngoài, trong khi các địa phương khác lại chấp nhận, chẳng hạn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Ông Quang nhận định: “Trong khi ở Đà Nẵng và một số địa phương khác NĐT không gặp quá nhiều khó khăn trong quá trình làm thủ tục xin cấp phép đầu tư thì NĐT ở TP.HCM lại mất nhiều thời gian, chi phí khi xin giấy phép đầu tư”. Bà Ngô Thị Vân Quỳnh, Giám đốc Công ty luật Đình Nghiệp, kể: “Khi nhận lời làm dịch vụ cho NĐT, chúng tôi luôn hứa là 6 tháng mới xong, không dám hứa sớm hơn, bởi có hồ sơ phải có ý kiến 4 bộ và nhiều sở ban ngành”.
Nhiều NĐT tiềm năng bỏ cuộc
Ông Motohisa Nakagawa, Trưởng văn phòng đại diện của hãng luật Nagashima Ohno & Tsunematsu tại TP.HCM, phản ánh các công ty Nhật Bản đang hoạt động tại VN gặp rất nhiều khó khăn liên quan đến thuế, hải quan, lao động và hệ thống pháp lý. “Đặc biệt, việc xin giấy phép làm việc ở VN tốn nhiều thời gian và thủ tục rườm rà, vô lý. Theo quy định thì khi người nước ngoài xin giấy phép làm việc ở VN buộc phải có giấy khám sức khỏe. Tuy nhiên cơ quan chức năng lại không chấp nhận giấy khám sức khỏe hợp pháp của người Nhật do các cơ sở y tế ở Nhật cấp. Dù VN và Nhật đã ký một hiệp định thống nhất chấp nhận giấy khám sức khỏe hợp pháp của hai nước”, ông Nakagawa phàn nàn.
Ông Motohisa Nakagawa khuyến cáo: “Một hệ thống pháp lý rõ ràng chắc chắn sẽ thu hút nhiều NĐT nước ngoài vào VN hơn. Bất kỳ sự bất mãn nào của những NĐT đi trước sẽ tác động lớn đến NĐT đi sau. Thực tế, nhiều NĐT tiềm năng Nhật Bản đã bỏ cuộc”.
PGĐ Sở Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) TP.HCM Lê Thị Huỳnh Mai thừa nhận có hồ sơ cấp phép đầu tư nước ngoài mất tới 172 ngày làm việc. Nguyên nhân do hồ sơ chuẩn bị không đầy đủ, năng lực tư vấn chuẩn bị hồ sơ không tốt, thường mất trung bình hơn 22 ngày làm việc mới hoàn tất hồ sơ. Nguyên nhân khác là cơ quan phối hợp thẩm tra hồ sơ trả lời không rõ ràng, thiếu thống nhất, thường mất 26 ngày làm việc, trong khi thời gian quy định là 15 ngày. Cuối cùng là do cơ quan cấp phép đầu tư, quy định mất 7 ngày làm việc, nhưng lại tốn tới 24 ngày.
Bà Mai cho biết Sở KH-ĐT TP.HCM đang triển khai những giải pháp để giảm số ngày cấp phép xuống. Chẳng hạn nếu các cơ quan thẩm tra hồ sơ giải quyết quá số ngày quy định thì Sở sẽ trình UBND cấp phép mà không thông qua thẩm tra; mở rộng những ngành nghề không cần thông qua thẩm tra… Sở KH-ĐT TP.HCM cũng đang thử nghiệm phần mềm đăng ký đầu tư trực tuyến. Bà Mai cam kết sẽ giảm 30 - 40% thủ tục hành chính cấp giấy chứng nhận đầu tư và giảm 30% thời gian giải quyết thủ tục đầu tư.
N.Trần Tâm
>> Bộ Công thương bãi bỏ 30 thủ tục hành chính
>> Giảm thủ tục thuế, đừng hô hào suông
>> Cập nhật thủ tục thuế và hải quan cho doanh nghiệp FDI
>> Thủ tục hải quan vẫn ì ạch
>> 40% doanh nghiệp gặp trở ngại vì thủ tục vay vốn
>> Cần một thủ tục giản lược để giúp người nghiện
>> Các bộ trưởng phải cam kết, mạnh dạn cắt giảm thủ tục
>> Giảm thủ tục hải quan giúp tăng GDP 14%
Bình luận (0)