Pháp hiện là một trong số ít những quốc gia trên thế giới sở hữu vũ khí hạt nhân. Vào năm 1960, Pháp đã ghi tên mình vào nhóm cường quốc hạt nhân bằng một vụ thử chấn động thế giới. Đến năm 1996, họ đã thực hiện 210 vụ thử, tất cả đều diễn ra ở các vùng thuộc địa hoặc lãnh thổ hải ngoại tại châu Phi và nam Thái Bình Dương. Các vụ thử này đã giúp Pháp xây dựng được một kho vũ khí hạt nhân khổng lồ - với khoảng 350 đầu đạn, nhưng đồng thời cũng khiến nhiều người khốn đốn.
Long trời lở đất
Sau Thế chiến 2, đặc biệt là sau khi chứng kiến hai vụ ném bom nguyên tử của Mỹ xuống Nhật Bản, Pháp bắt đầu triển khai chương trình vũ khí hạt nhân. Đến năm 1954, khi quân đội đứng bên bờ vực thất bại ở Đông Dương, Chính phủ Pháp đã đề nghị mua chất liệu hạt nhân từ Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Anh để phục vụ cho việc chế tạo vũ khí. Đến năm 1955, Anh bí mật xuất khẩu sang Pháp 10g plutonium. Sau đó một năm, Pháp âm thầm xây dựng lò hạt nhân tại Israel để tinh chế uranium, phục vụ cho việc sản xuất vũ khí.
Sau nhiều năm chuẩn bị, đến ngày 13.2.1960 - giữa lúc cuộc chiến tranh Algeria đang ở giai đoạn quyết liệt, tại hoang mạc Sahara, tướng Pháp Pierre Marie Gallois đã chỉ huy triển khai vụ thử mang tên Gerboise bleue (Chuột nhảy xanh). Vụ nổ 70 kiloton (tương đương 70.000 tấn thuốc nổ TNT) này được thực hiện trên mặt đất, tại khu vực do quân Pháp kiểm soát ở Algeria, cách căn cứ quân sự Reggane khoảng 40 km. Lúc bấy giờ, Mỹ, Liên Xô và Anh đã sở hữu vũ khí hạt nhân. Pháp tuy là kẻ đến sau nhưng vụ thử của họ có sức nổ lớn hơn cả ba vụ thử đầu tiên của ba nước kia cộng lại. Sau thành công với Gerboise bleue, Pháp tiến hành ba vụ thử trên mặt đất ở Algeria trong giai đoạn từ tháng 4.1960 tới tháng 4.1961. Sau khi Algeria giành được độc lập, Pháp vẫn tiếp tục duy trì một số căn cứ quân sự tại quốc gia vùng Bắc Phi theo thỏa thuận được ký vào ngày 19.3.1962. Nhờ thế, họ tiếp tục các vụ thử hạt nhân trên mặt đất và dưới lòng đất trong suốt giai đoạn từ 1962 đến 1966.
Bên cạnh lãnh thổ Algeria, Pháp còn sử dụng các căn cứ tại nam Thái Bình Dương, trên quần đảo Polynesia thuộc Pháp, để thử vũ khí hủy diệt. Tổng cộng, họ đã thử 193 vụ tại các đảo san hô Mururoa và Fangataufa. Quy mô của các vụ thử cũng được nâng lên không ngừng, trong đó có vụ nổ mạnh tới 2,6 megaton (2,6 triệu tấn TNT) trên đảo Fangataufa vào ngày 24.8.1968. Đến năm 1974, Pháp ngưng các hoạt động thử vũ khí hạt nhân trên mặt đất, chuyển sang thử trong lòng đất. Năm 1996, Pháp thử nghiệm vụ nổ ngầm cuối cùng ở đảo Mururoa. Từ đó đến nay, họ không có thêm vụ thử nào.
Không cảnh báo, không bảo hộ
Trong bốn vụ thử đầu tiên tại Algeria, từ năm 1960 tới năm 1961, công nhân và quân nhân tham gia chuẩn bị cho việc thử nghiệm đã không được trang bị các phương tiện bảo hộ đúng mức. Chính vì thế, sau khi Pháp thực hiện vụ thử Gerboise Rouge (mạnh 5 kiloton), bằng 50% quả bom được thả xuống Hiroshima, vào ngày 27.12.1960, các cuộc biểu tình phản đối đã diễn ra tại Nhật Bản, Liên Xô, Ai Cập, Nigeria và Ghana. Vào ngày 1.5.1962, tại Algeria, tai nạn đã xảy ra trong vụ thử Béryl có sức nổ bằng bốn lần quả bom ném xuống Hiroshima. Do không có trang bị bảo hộ tốt, 9 quân nhân Pháp đã bị nhiễm phóng xạ rất nặng; khoảng 100 người khác bị nhiễm ở cấp độ nhẹ hơn. Một số người đã chết sau đó nhiều năm vì các bệnh liên quan đến phóng xạ.
Trong nhiều vụ khác, các quân nhân và dân thường đã không được cảnh báo và bảo vệ đúng mức. Tại một số nơi, dân chúng tụ tập cách các điểm thử trong một cự ly không đảm bảo an toàn. Theo số liệu thống kê, có khoảng 150.000 người, bao gồm cả quân nhân lẫn dân thường, đã có mặt tại các địa điểm diễn ra 210 vụ thử của Pháp. Những người này là đối tượng được đền bù theo kế hoạch thành lập quỹ 10 triệu euro (khoảng 240 tỉ đồng VN) mà Chính phủ Pháp vừa công bố. Hãng tin AP dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Herve Morin nói: "Đã đến lúc đất nước chúng ta triển khai các biện pháp hòa bình thông qua việc đền bù". Tuy nhiên, nạn nhân của các vụ thử tại nam Thái Bình Dương và hoang mạc Sahara vẫn hoài nghi về kế hoạch bồi thường và vẫn giữ những kỷ niệm đen tối của quá khứ. Cựu chiến binh Pierre Leroy, người có mặt trong một vụ thử tại Sahara vào năm 1962, nói: "Hồi đó chúng tôi mới mười chín đôi mươi. Họ bảo chúng tôi rằng "không sao đâu, không nguy hiểm đâu". Chẳng có sự cảnh báo nào cả". Ông nói thêm về chuyện bồi thường: "Họ sẽ xem xét xem chúng tôi có hút thuốc không. Nếu tôi bị ung thư, họ sẽ bảo "do hút thuốc đấy". Nếu gan tôi có vấn đề, họ sẽ bảo "do uống rượu đấy".
Còn nhiều ý kiến, nhưng dù sao việc Chính phủ Pháp có động thái đền bù cũng là điều an ủi cho các nạn nhân, những người đã không ngừng đấu tranh trong nhiều năm qua để đòi công lý, để kêu gọi loại bỏ vũ khí hạt nhân. Các nạn nhân ở Pháp được an ủi hơn những người cùng cảnh ngộ ở Anh. Đảo quốc sương mù hiện chưa có chương trình bồi thường nào của chính phủ. Gần 1.000 cựu quân nhân tham gia các vụ thử tại đảo Christmas hồi thập niên 1950 đang kiện Bộ Quốc phòng Anh về việc họ đã không được cảnh báo và bảo vệ đúng mức trong quá khứ.
Châu Minh Linh
Bình luận (0)