Như vậy, tính từ đầu năm đã giải ngân được 9,9 tỉ USD, tăng 10% so cùng kỳ năm trước; tổng vốn cấp mới và tăng thêm 13,3 tỉ USD, chỉ bằng 60% so cùng kỳ. Mục tiêu thu hút 22 - 25 tỉ USD vốn FDI chắc chắn không đạt được.
Một trong những yếu tố dẫn đến sự sụt giảm FDI có thể kể tới là do các địa phương đã “tỉnh táo” hơn trong việc cấp phép đầu tư, sau hàng loạt dự án tỉ đô “ảo” hoặc triển khai ì ạch. Có dự án 4,15 tỉ USD ở Quảng Nam vừa bị thu hồi; có dự án 17 năm vẫn chưa triển khai xong... Theo Sở KH-ĐT Bà Rịa-Vũng Tàu, dự án của liên doanh Vũng Tàu - Paradise giữa VN và đối tác Đài Loan có tổng vốn đầu tư hơn 97 triệu USD, 17 năm vẫn chỉ triển khai một vài hạng mục. Nguyên nhân là đối tác nước ngoài không đủ khả năng tài chính. Hơn nữa, thời hạn hoạt động của dự án còn lại quá ngắn (khoảng 8 năm) nên khó huy động vốn. Từ đó, phía Đài Loan xin tăng thời hạn giấy phép 25 năm lên 50 năm đồng thời được điều chỉnh mở rộng dự án. Đề nghị bị tỉnh bác và dự án vẫn tiếp tục bế tắc, hậu quả là lãng phí kéo dài.
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp ĐTNN, tiến sĩ Nguyễn Mại, cho rằng đây là thời điểm cần thiết phải điều chỉnh định hướng và chính sách để nâng cao chất lượng FDI vào VN. “Các dự án được ưu tiên là công nghệ điện tử, tin học, dịch vụ cao cấp, đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao, cơ sở y tế và chăm sóc sức khỏe hiện đại, xây dựng hạ tầng kỹ thuật”, ông Mại nhấn mạnh.
Ngoài ra, cần điều chỉnh thị trường và đối tác FDI. Tính đến nay có gần 100 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư khoảng 11.000 dự án tại VN. Nhưng theo ông Mại, các nước mạnh về công nghệ ở châu u chưa có nhiều dự án ở VN. Mỹ là quốc gia hàng đầu thế giới về ĐTNN nhưng FDI của Mỹ vào VN không như mong muốn (từ 1996 - 2001 vốn thực hiện bình quân đạt 248 triệu USD/năm, 2002 - 2009 là 479 triệu USD/năm).
Tiến sĩ Nguyễn Quang Thái, Hội Khoa học kinh tế VN, chỉ ra hàng loạt yếu kém của các DN FDI hiện nay: “Có tới hơn 50% DN liên tục khai lỗ, phần lớn các liên doanh đã chuyển sang hình thức đầu tư 100% vốn nước ngoài cho thấy có điểm gì đó cần quản lý chặt chẽ hơn để tránh tình trạng DN FDI không có thiện chí có thể trốn nghĩa vụ thuế, kể cả chuyển giá. Tình trạng chuyển nhượng dự án dễ dàng sau Luật Đầu tư 2005 đã tạo ra kẽ hở để có thể bán dự án, làm cho quản lý tài nguyên và đất đai thêm khó khăn. Các dự án địa ốc gần đây cần được theo dõi sát sao, vì có dự án 4,1 tỉ USD nhưng vốn tự có (vốn pháp định hay vốn điều lệ) chỉ 100 triệu USD. Nhiều dự án đã bị địa phương rút giấy phép đầu tư cũng xuất phát từ nguyên nhân đầu tư ảo rất đáng lo ngại này”.
Đã đến lúc cần có chính sách nâng cao chất lượng FDI bằng cách ưu đãi cho các dự án công nghệ cao, chứ không chỉ chạy theo con số.
N.Trần Tâm
Bình luận (0)