Nâng cao kỹ năng tham dự phiên tòa cho điều tra viên

22/04/2022 06:35 GMT+7

Ngày 20.04.2022, Trường Đại học Cảnh Sát Nhân Dân đã tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Nâng cao kỹ năng tham dự phiên tòa cho Điều tra viên trong lực lượng Cảnh sát nhân dân” .

Đại tá, PGS, TS. Võ Quốc Công - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Cảnh sát nhân dân phát biểu tại hội thảo

DUY KHANG

Đến dự Hội thảo có Trung tướng GS, TS. Nguyễn Minh Đức - Phó chủ nhiệm ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc Hội, Đại tá Võ Duy Tuấn - Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT công an tỉnh Phú Yên, ông Nguyễn Đình Trung - Viện trưởng Viện kiểm sát cấp cao tại TP.HCM, ông Lê Đức Xuân - Viện trưởng VKSND tỉnh Bình Phước, ông Đặng An Thanh - Phó Chánh án TAND tỉnh Bình Dương, Đại tá Trà Văn Lào - Chánh văn phòng CQ CSĐT công an TP.HCM cùng nhiều Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng CQ CSĐT các cấp, Trưởng phòng, Phó trưởng phòng nghiệp vụ có liên quan của công an các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Đại tá, PGS, TS. Võ Quốc Công - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Cảnh sát nhân dân đã trình bày lý do, mục đích, yêu cầu tổ chức hội thảo, đồng thời nêu những nội dung chính để các đại biểu đến tham dự để tranh luận tại Hội thảo.

Đại tá, PGS, TS. Võ Quốc Công chia sẻ: “Thực hiện chiến lược cải cách tư pháp, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 49 ngày 02/6/2005 nêu rõ một trong những mục tiêu cụ thể đó là: “hoàn thiện các thủ tục tố tụng tư pháp, đảm bảo tính đồng bộ, dân chủ, công khai, minh bạch, tôn trọng và bảo vệ quyền con người”. Và để đạt được mục tiêu này, nhiều nhiệm vụ cải cách tư pháp đã được đặt ra, trong đó có nhiệm vụ “Đổi mới việc tổ chức phiên tòa xét xử, xác định rõ hơn vị trí, quyền hạn, trách nhiệm của người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng theo hướng đảm bảo tính công khai, dân chủ, nghiêm minh; nâng cao chất lượng tranh tụng tại các phiên tòa xét xử, coi đây là khâu đột phá của hoạt động tư pháp”.

Toàn cảnh hội thảo

DUY KHANG

Trên tinh thần đó, nhằm nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa, Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 đã quy định về việc triệu tập người tiến hành tố tụng tham dự phiên tòa tại điều 296 như sau: “Trong quá trình xét xử, khi xét thấy cần thiết, Hội đồng xét xử có thể triệu tập điều tra viên, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng đã thụ lý, giải quyết vụ án và những người khác đến phiên tòa để trình bày các vấn đề liên quan đến vụ án”. Nội dung điều luật cho thấy rõ việc triệu tập Điều tra viên đến phiên tòa có ý nghĩa rất lớn đối với quá trình xét xử vụ án. Bởi lẽ, khi phiên tòa được xét xử công khai, yếu tố tranh tụng diễn ra một cách minh bạch thì bất kỳ một tình tiết, tài liệu, nội dung còn vướng mắc nào cũng cần phải được làm rõ một cách khách quan nhất.

Tuy nhiên, đây là vấn đề mới, lần đầu tiên được quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự, và từ khi được tổ chức thực hiện (từ ngày 01/01/2018) đến nay, chưa có sự tổng hợp và phân tích một cách đầy đủ về cơ sở pháp lý và cơ sở lý luận; chưa có sự tổng kết thực tiễn nhằm đánh giá những thuận lợi, khó khăn khi thực hiện quy định về việc điều tra viên tham dự phiên tòa. Điều này đã gây ra các vấn đề vướng mắc, bất cập cho việc dự phiên tòa của điều tra viên cũng như công tác đào tạo, bồi dưỡng.

Qua quá trình khảo sát cho thấy rằng, việc đào tạo, nâng cao kỹ năng tham dự phiên tòa hình sự cho điều tra viên nói chung, điều tra viên trong lực lượng CSND nói riêng là nhu cầu lớn, bức thiết của công an các đơn vị, địa phương. Hội thảo hôm nay sẽ giúp giải quyết nhu cầu nói trên”

Trung tướng GS, TS. Nguyễn Minh Đức - Phó Chủ nhiệm uỷ ban Quốc phòng và an ninh Quốc Hội phát biểu tại hội thảo

DUY KHANG

Phát biểu tại hội thảo, đại tá Trà Văn Lào - Chánh văn phòng Cơ quan CSĐT công an TP.HCM đã nêu tầm quan trọng và cần thiết của việc tham gia phiên toà xét xử của điều tra viên, tuy nhiên thực tế việc điều tra viên tham gia phiên toà còn nhiều hạn chế, do đó Nhà trường cần có lộ trình đào tạo kỹ năng cần thiết cho điều tra viên khi tham dự phiên toà, bên cạnh việc đào tào nghiệp vụ.

Ông Nguyễn Đình Trung - Viện trưởng Viện kiểm sát cấp cao tại TP.HCM phát biểu: “Việc tranh luận công khai, khách quan, minh bạch tại phiên toà là cần thiết, trong đó phải có sự tham gia của điều tra viên, vì vậy, cần xác định được vai trò của điều tra viên khi tham gia phiên toà”.

Ông cũng dẫn chứng thực tế một số trường hợp điều tra viên tham dự phiên toà mắc nhiều lỗi, còn nhiều hạn chế, do đó cần thiết phải đào tạo nâng cao kỹ năng cho điều tra viên khi tham dự phiên toà.

Đại tá, TS. Phạm Tuấn Hải - Trưởng khoa CSĐT Trường Đại học CSND phát biểu tại hội thảo

DUY KHANG

Tham gia phát biểu hội thảo, Trung tướng, GS, TS. Nguyễn Minh Đức - Phó chủ nhiệm ủy ban QP&AN của Quốc Hội đồng tình với quan điểm được nêu tại hội thảo, và nhấn mạnh: “Nhà trường cần đóng vai trò chủ động hơn nữa trong việc trang bị kỹ năng cho sinh viên - những điều tra viên tương lai, trong đó cần có định hướng rèn luyện về tâm lý của điều tra viên khi tham dự phiên toà.”

Phát biểu kết luận, Đại tá, PGS, TS. Võ Quốc Công - Phó Hiệu trưởng Nhà trường đánh giá cao chất lượng hội thảo. Ông khẳng định, những ý kiến đóng góp tại hội thảo là rất quý giá để các đơn vị chuyên trách tiếp thu, nghiên cứu nhằm rà soát, xây dựng chương trình đào tạo các lớp đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường, nhằm đào tạo sinh viên chuyên ngành Cảnh sát điều tra, đáp ứng yêu cầu công tác nói chung và tham dự phiên toà sau này.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.