Nâng tầm cho thương hiệu Hạ Long

25/07/2012 03:34 GMT+7

Hạ Long vẫn mến khách với quan họ, múa vùng cao phía Bắc chào mừng do đoàn chèo của tỉnh biểu diễn. Nhưng đấy không thực sự là văn hóa Hạ Long mà khách du lịch muốn thưởng thức.

 Nâng tầm cho thương hiệu Hạ Long
Hạ Long chính là một vùng văn hóa - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Thiếu bản sắc

“Tới đây, chúng ta đã nghe quan họ, chèo, múa các dân tộc. Thế cái gì là điều chỉ Hạ Long mới có”, ông Ngô Trung Hải - Viện trưởng Viện Kiến trúc, quy hoạch đô thị và nông thôn, Bộ Xây dựng nói. Đấy cũng là đau đáu chung của nhiều nhà nghiên cứu, quản lý có mặt trong hội thảo quốc tế Bảo tồn và phát huy các giá trị di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long - Tầm nhìn mới diễn ra hôm qua 24.7 tại Quảng Ninh.

Theo chuyên gia Hàn Quốc Moon Kyoo Kim, trong khi người nước ngoài chọn thăm VN vì sự độc đáo mà họ không thể trải nghiệm ở nơi khác thì người dân Hạ Long lại chưa phát huy được bất kỳ nét văn hóa địa phương nào. “Hiện nay tại Hạ Long ngoại trừ cảnh quan thiên nhiên nổi tiếng là vịnh Hạ Long, khách du lịch vẫn chưa có một động lực nào để ở lại Hạ Long trong hơn một ngày”, ông Moon Kyoo Kim nói.

Hạ Long chính là một vùng văn hóa. Vùng văn hóa với những văn hóa khảo cổ Soi Nhụ, hát đúm, hò biển, hát đám cưới giao duyên Cửa Vạn. Đó cũng là vùng đất của thương cảng Vân Đồn lừng lẫy - nơi mua bán sầm uất của những thương gia nước ngoài. Đó còn là vùng đất mà giờ đây bãi cọc Bạch Đằng vẫn còn, xác tín cho những ngày thủy chiến chống quân Nam Hán.

“Trắng văn hóa bản địa” trong du lịch nên nghề nuôi ngọc trai tuy vẫn còn nhưng chưa có tầm vóc xứng đáng, trong khi đó khách du lịch đến Hạ Long hầu như không có sản vật địa phương gì để mua. Điều này làm PGS-TS Nguyễn Chí Bền, Viện Văn hóa nghệ thuật phải nhắc đến việc Đại Việt sử ký toàn thư  từng chép: Thuyền buôn Chà Bồ (Java) đến hải trang Vân Đồn mua ngọc trai. 

Mối lo về môi trường

“Những tác động của các hoạt động phát triển tới môi trường vịnh Hạ Long đã rõ ràng. Chúng ta có thể nhìn thấy bằng mắt thường váng dầu và rác thải trên mặt nước cũng như trên bờ vịnh. Văn phòng của chúng tôi thường xuyên nhận được thư của du khách, trong đó nhấn mạnh mối lo ngại thực sự của họ về môi trường vịnh Hạ Long”, bà Katherine Muller-Marin, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam nói.

Chuyên gia thương hiệu Vũ Văn Quang đề nghị: “Hình ảnh hòn Trống Mái có thể là hình ảnh biểu trưng để thiết kế logo Hạ Long”. Tuy nhiên, một chiến lược thương hiệu cho Hạ Long không chỉ có vậy. Nó còn bao gồm việc gắn nhãn đồng hành, sử dụng cho sản phẩm địa phương. Thậm chí, theo ông Quang, nó còn cả việc “không cần thiết phải lạm dụng logo N7W (New 7 Wonders) mà phải quảng bá chính chủ thể logo Hạ Long”.

Các đại biểu cùng nhất trí phải xây dựng đề án để phát triển du lịch Hạ Long, trình Bộ VH-TT-DL và Ban chỉ đạo quốc gia về du lịch trong thời gian tới. “Chúng ta không thể phó thác việc bảo tồn phát huy di sản Hạ Long cho ai khác, mà phải là chính chúng ta… Mà muốn hành động đúng phải có chiến lược đúng”, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Hoàng Tuấn Anh nói.

Trinh Nguyễn

Đề nghị cân nhắc phân tách Ban quản lý Hạ Long

Chúng tôi được biết có thể sẽ có sự phân tách Ban Quản lý Hạ Long thành hai cơ quan độc lập - một cơ quan phụ trách bảo tồn và một cơ quan phụ trách phát huy di sản. Tôi trân trọng đề nghị cân nhắc kỹ lưỡng quyết định này và khuyến nghị rằng trách nhiệm bảo tồn và thúc đẩy du lịch Hạ Long luôn song hành trong một thể thống nhất, không thể tách rời nhau.

Katherine Muller-Marin, Trưởng đại diện UNESCO tại VN

Chống ô nhiễm, tạo liên kết ngành

Chúng ta phải dứt khoát không xây dựng gì trên vịnh này. Bởi cái chúng ta có ở đây phải nhiều triệu năm mới có. Còn trên bờ, không được xây bất cứ cái gì có thể gây ô nhiễm. Bước thứ nhất là không xây, không mở rộng những gì gây ô nhiễm. Bước hai, di dời những cái có thể gây ô nhiễm. Bước ba, phá bỏ những cái có thể gây ô nhiễm. Nếu không chúng ta sẽ mất nhiều thứ.

Nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.