Sông Cổ Cò nối liền TP.Đà Nẵng và TP.Hội An (tỉnh Quảng Nam), từng đóng vai trò rất quan trọng trong lịch sử phát triển cả hai địa phương.
Trục xương sống đô thị
Tuy nhiên do biến đổi khí hậu, thổ nhưỡng, dòng sông bị bồi lấp và con đường thủy nội địa này không còn được thông suốt như xưa nhưng vẫn đóng các vai trò rất quan trọng trong các quy hoạch của cả hai tỉnh thành.
Đây là trục không gian chủ đạo của đô thị với 3 đầu mối từ Cửa Đại (Hội An), Non Nước (Ngũ Hành Sơn) và sông Hàn. Không gian mặt nước cùng hành lang cây xanh tạo vùng cảnh quan đô thị.
UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã có quy hoạch không gian kiến trúc cảnh quan hai bên sông Cổ Cò từ TX.Điện Bàn đến TP.Hội An nhằm làm cơ sở phát triển hạ tầng hai bên bờ sông, gồm ba trọng điểm chính và hai khu vực phụ trợ.
Trong đó, khu A là khu vực phát triển khu phức hợp (P.Điện Dương, TX.Điện Bàn); khu B thuộc khu vực An Bàng (P.Cẩm An, TP.Hội An) và khu C thuộc khu vực Cồn Tiến (xã Cẩm Thanh, TP.Hội An). Hai khu vực phát triển kết nối gồm khu D (ngã ba Thống Nhất, P.Điện Dương) và khu vực bãi tắm Cửa Đại.
Khu vực dành cho phát triển du lịch chiếm phần lớn với gần 1.200ha, các khu đô thị mới khoảng 500 ha, khu vực cây xanh cảnh quan hơn 205ha…
|
Còn tại TP.Đà Nẵng, việc đánh thức sông Cổ Cò đã được ấp ủ cả chục năm qua, đến nay thời cơ đã chín mùi, tuyến đường du lịch sông nước từ sông Hàn vào đến sông Thu Bồn - TP.Hội An thông qua sông Cổ Cò đang dần thành hình.
Mới đây, ngày 11.9, BQL Dự án đầu tư xây dựng các công trình NN-PTNT TP.Đà Nẵng đã phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu Lập hồ sơ thiết kế - dự toán và tính toán mô hình thủy lực, thủy văn thuộc Tiểu dự án 1 Nạo vét, thoát lũ khẩn cấp sông Cổ Cò (đoạn qua địa phận TP.Đà Nẵng).
Theo Phòng Đấu thầu, Thẩm định và Giám sát đầu tư (Sở Kế hoạch Đầu tư TP.Đà Nẵng), nhà thầu trúng thầu với giá gần 3,8 tỉ đồng. Đây là một trong số các dự án đầu tư đưa dòng sông Cổ Cò trở lại thời vàng son, là cung đường thủy kết nối giao thương Quảng Nam - Đà Nẵng nhiều thế kỷ trước.
|
Gần 1.300 tỉ đồng khơi thông sông Cổ Cò
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.Đà Nẵng, Dự án nạo vét, khơi thông sông Cổ Cò đoạn qua địa phận Q.Ngũ Hành Sơn (TP.Đà Nẵng) thuộc danh mục các dự án của Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016-2020 và đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cấp khoảng 245 tỉ đồng cho đầu tư công trung hạn.
Tại buổi làm việc về lộ trình thông tuyến Cổ Cò qua Quảng Nam và Đà Nẵng mới đây, hai địa phương cũng đã thống nhất phải khớp nối, thông luồng toàn tuyến một cách sớm nhất. Dịp này, ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam chia sẻ, dự án sông Cổ Cò đoạn qua Quảng Nam dự kiến có tổng kinh phí khoảng 1.000 tỉ đồng, trong đó Trung ương hỗ trợ 340 tỉ đồng. Trong đó, cả hai địa phương thống nhất, không chỉ nạo vét mà còn tính đến giải pháp đối với các công trình hạ tầng hai bên bờ sông.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng hai địa phương cần thống nhất, đồng bộ các chuẩn thiết kế kỹ thuật như thông số khẩu độ thông thuyền của các cầu qua sông; thông số thiết kế hệ thống kè và đường hai bên bờ sông…
Điều này nhằm chuẩn bị cho cung đường thủy du lịch, tàu thuyền lưu thông thuận lợi. Bên cạnh đó, hệ thống cầu qua sông, kè cần có sự hài hòa, tương đồng trong thiết kế, trên tiêu chí đề cao tính thẩm mỹ, tạo điểm nhấn cảnh quan dọc tuyến sông.
|
Đặc biệt, TP.Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam sẽ thường xuyên phối hợp, bàn bạc để thống nhất quy hoạch hệ thống các điểm dừng chân, vui chơi giải trí phục vụ phát triển du lịch dọc tuyến sông Cổ Cò, nhằm phân bổ phù hợp, tránh chồng chéo, vừa khai thác tối đa tiềm năng du lịch đường sông của hai địa phương.
Trong khi đó, Phó chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng, ông Lê Trung Chinh cũng ủng hộ, thống nhất các đề xuất của tỉnh Quảng Nam. Hai tỉnh thành sẽ thành lập Ban điều phối dự án khơi thông sông Cổ Cò do Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng và Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam làm đồng trưởng ban; thành viên là lãnh đạo các sở, ngành chức năng có liên quan của 2 địa phương.
Những thông tin này giúp giới đầu tư kỳ vọng giá trị của sông Cổ Cò không dừng lại ở việc thông tuyến đường thủy nội địa, mà còn mở ra nhiều cơ hội đầu tư các lĩnh vực thế mạnh của hai địa phương Đà Nẵng - Quảng Nam như thương mại, dịch vụ, bất động sản, đặc biệt là ngành kinh tế mũi nhọn du lịch.
Bình luận (0)