Sông Thị Vải là sông cảng nước sâu quan trọng, thu hút nhiều tàu lớn nước ngoài cập cảng. Dọc sông Thị Vải tính từ tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tới Đồng Nai có trên 20 cảng quốc tế. Trước Tết Nguyên đán Quý Tỵ, một số người dân làm nghề đánh bắt cá ở dòng sông này gọi điện tố cáo với PV Thanh Niên: Ở đây họ nạo vét bờ sông bên này, sau đó vận chuyển bùn thải sang bên kia sông xả hết rồi lại quay về làm tiếp, cứ hết ngày này qua ngày khác, làm như vậy chẳng khác gì họ đang lấp sông Thị Vải…
|
PV Thanh Niên đã liên lạc với người dân đánh cá, tìm hiểu kỹ thông tin mà họ cung cấp, rồi suốt 2 tháng liên tục vào vai ngư dân, người thu mua cá để đưa vụ việc ra ánh sáng.
Đêm làm, ngày nghỉ !
Một buổi sáng cuối tháng 2, một chiếc ghe đánh cá đón PV ở cảng Cái Mép, rồi chạy ngược dòng lên khu vực cảng Posco giúp PV khảo sát tình hình, bởi theo thông tin PV thu thập được, khu vực Posco có hai cảng đang thuê hai công ty thi công nạo vét bùn để tàu lớn vào cảng và chuẩn bị xây dựng cảng mới. Hình ảnh đầu tiên mà PV ghi nhận được tại đây là có 8 xáng cạp nằm án binh bất động, chỉ một chiếc đang thả cần xuống sông múc từng cạp bùn thải đổ vào một chiếc sà lan, bên cạnh đó gần chục sà lan và pôn tông (giống sà lan nhưng không có máy kéo, đẩy) khác đang nằm nghỉ. Bác lái ghe chỉ tay về những chiếc sà lan và pôn tông, nói: “Đó, những thủ phạm lấp sông đó”. "Họ đang nạo vét sông mà, có thấy gì đâu?", PV thắc mắc. Nghe hỏi vậy, bác lái ghe bảo: “Chú cứ chờ đi, ban ngày họ làm qua loa để che mắt thôi, còn từ chiều cho hết đêm lúc đó mới là giờ của họ”.
Mặt trời đứng bóng rồi ngả màu hoàng hôn. Đúng như lời bác lái ghe nói, lúc này cả chục sà lan và 6 cần cạp hoạt động hối hả. Cần cạp liên tục được thợ máy thả xuống sông múc bùn lên đổ vào khoang của sà lan, pôn tông. Cứ như thế, khoảng 3 đến 4 tiếng thì bùn đầy một sà lan (hoặc pôn tông) khoảng 1.000 tấn. Lúc đó, sà lan chìm phần lớn thân xuống sông và được nổ máy đưa qua bên kia sông thả neo chờ màn đêm buông xuống.
Khoảng 19 giờ, đồng loạt nghe tiếng “cạch cạch”, PV căng mắt nhìn cũng không thể phát hiện được gì bởi lúc này sông Thị Vải chỉ là một màn đen bao phủ. Chưa hiểu chuyện gì xảy ra thì bác lái ghe nói nhỏ: “Đó, tụi nó xả hết bùn xuống sông rồi đó” và giải thích thêm: “Khi tụi nó xả xong thì sà lan và pôn tông sẽ nổi phềnh lên mặt nước, rồi thợ máy điều khiển hoặc lai dắt về để tiếp tục công việc nạo vét, đầy lại kéo qua sông xả, cứ như thế cho tới trời sáng thì ngưng…”.
|
Hoạt động tinh vi
Nhận thấy việc làm mờ ám của một số đơn vị thi công đang thực hiện việc nạo vét ở khu vực cảng Posco, với quyết tâm đưa ra ánh sáng hoạt động mờ ám này, suốt một tuần liền PV Thanh Niên đã khảo sát, nghiên cứu cách thức hoạt động của các sà lan, pôn tông có cách làm ăn "kỳ lạ" này.
Có thể hình dung khu vực hoạt động cụ thể của một số đơn vị đang thi công nạo vét bùn thải như sau: từ cảng Cái Mép đi ngược vào cảng Posco, đoạn sông này rộng khoảng 700 m và có hai dãy phao rõ rệt để dẫn luồng tàu vào, ra suốt dòng sông Thị Vải. Phao xanh bên tay phải, phao đỏ bên tay trái. Các sà lan và pôn tông cùng cạp múc bùn hoạt động từ bờ sông khu cảng Posco đến sát ranh của dãy phao xanh (từ phao xanh số 33 tới gần phao xanh số 37, khối lượng nạo vét hàng triệu khối bùn). Khu vực tập kết các sà lan, pôn tông đầy ắp bùn thải được xác định là bên kia sông, từ dãy phao đỏ đến bờ sông đối diện (từ phao đỏ 38 - 42, gần đối diện với khu vực nạo vét của khu cảng Posco). Còn khu vực giữa dãy phao xanh và phao đỏ là đường đi dành cho các loại tàu bè qua lại.
(Ảnh 1) 1 giờ 46 phút, chiếc pôn tông chìm dưới nước đang được lai dắt kéo qua sông, 1 giờ 52 phút khi kéo qua khỏi luồng bắt đầu nổi (ảnh 2), đến 1 giờ 53 phút thì nổi phềnh trên mặt nước, lai dắt đang kéo quanh về chỗ cũ (ảnh 3) - Ảnh chụp từ clip của phóng viên
|
Những ngày đầu PV làm chòi ở khu rừng đước đối diện khu cảng Posco, cách công trình nạo vét từ 500 đến 700 m để ghi hình. Những sà lan, pôn tông chuyên vận chuyển bùn thải được thiết kế theo kiểu “không đáy”, lúc muốn xả công nhân chỉ cần tháo chốt là toàn bộ bùn thải tự động xả xuống sông, chỉ trong tích tắc là cả ngàn tấn bùn chìm nghỉm xuống sông, sà lan, pôn tông dần dần nổi lên. Những hình ảnh PV ghi được cho thấy, sà lan hoặc pôn tông đang chìm (đầy bùn) nhưng qua bên kia bờ thì "bỗng dưng" nổi dần lên, sau đó được kéo về khu vực nạo vét để tiếp tục chất bùn lên. Có những đêm, camera của PV ghi nhận có chiếc pôn tông quay đầu được 3 chuyến.
Đáng chú ý, đêm nào cũng có 1 sà lan đầy bùn thải, chìm phần lớn thân xuống mặt nước không chạy qua bên kia sông như những sà lan, pôn tông khác, mà chỉ chạy dọc sông ra hướng cảng Cái Mép. Khi qua khỏi phao xanh số 33 sà lan vừa di chuyển vừa nổi dần lên và nổi phềnh hẳn trên mặt nước khi cách nơi nạo vét khoảng 200 m.
Có những đêm camera của PV ghi nhận được 9 chuyến (mỗi chuyến khoảng 1.000 tấn), lúc vận chuyển từ khu vực nạo vét đi thì chìm nghỉm dưới nước, sau khoảng 15 phút kéo qua bên kia sông thì pôn tông nổi phềnh hẳn lên mặt nước, lúc đó thợ máy đánh về khu vực nạo vét để tiếp tục hoạt động…
“Ăn cắp” 9/10 quãng đường vận chuyển Theo quy định, các công ty nạo vét phải vận chuyển bùn thải ra phao số 0 ở ngoài biển để xả. Phao số 0 cách nơi nạo vét từ 4 - 6 hải lý (khoảng 10 km), theo một cán bộ ngành hàng hải, thời gian để sà lan chạy hoặc pôn tông được kéo ra đến phao số 0 và quay về (một chuyến) mất khoảng 6 - 8 tiếng đồng hồ, trong khi thời gian các phương tiện này chạy qua bên bờ đối diện đổ bùn và quay về chỉ khoảng 20 phút. Tính ra, với cách làm gian dối này, nhà thầu nạo vét đã thu lời khổng lồ từ việc tiết kiệm thời gian, dầu máy khi vận chuyển... Trong suốt gần 2 tháng đeo bám ở đây, chúng tôi chỉ đếm trên đầu ngón tay số sà lan và pôn tông chạy ra hướng phao số 0. |
(còn tiếp)
Điều tra của Hoài Nam
Bình luận (0)