NASA phản ứng ra sao về quan ngại trạm không gian quốc tế ISS nứt, rò rỉ?

11/10/2024 11:19 GMT+7

Sau cảnh báo từ giới chức quản lý về những rò rỉ và các vết nứt trên Trạm Không gian Quốc tế (ISS), Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) dường như không quá lo lắng, theo tờ The Washington Post.

NASA phản ứng ra sao về quan ngại trạm không gian quốc tế ISS nứt, rò rỉ?- Ảnh 1.

Trạm Không gian Quốc tế (ISS)

ảnh: nasa

Như tờ The Washington Post đưa tin hôm 10.10, cả người phát ngôn của NASA lẫn Phó giám đốc cơ quan này James Free đều hạ thấp tính nghiêm trọng của những vết nứt và rò rỉ ở phần Trạm Không gian Quốc tế do Nga quản lý bất chấp báo cáo mới của Văn phòng tổng thanh tra giám sát NASA.

Theo báo cáo, văn phòng tổng thanh tra đề cập những vết nứt và rò rỉ dễ nhận thấy ở phần đường ống dẫn đến khu vực trạm của phía Nga. Hơn nữa, những vết nứt và rò rỉ này có vẻ ngày càng nghiêm trọng hơn.

Phó giám đốc NASA James Free cho hay vấn đề trên đã được truyền đạt lại cho các đồng nghiệp Nga. Ông không nói rõ đã có phương án giải quyết hay chưa.

"Chúng tôi nhiều lần đề cập mức độ nghiêm trọng của các lỗ rò rỉ, bao gồm lần tôi công tác ở Nga hồi đầu năm", ông Free nói với The Washington Post.

Ông Free bổ sung NASA từng đề nghị Cơ quan Vũ trụ Liên bang Nga (Roscosmos) "giảm tối thiểu thời gian cổng kết nối mở", và phía Nga đã tuân thủ yêu cầu này.

"Chúng tôi đạt được nhất trí là họ đóng cổng vào chiều tối", theo ông Free.

Hồi tháng 7, NASA đã âm thầm ký kết hợp đồng trị giá 266.000 USD với SpaceX để xây dựng ý tưởng sơ tán khẩn cấp cho các phi hành gia Mỹ ngồi tàu Soyuz của Nga lên quỹ đạo.

Hiện vẫn chưa rõ nguyên nhân xảy ra rò rỉ và nứt ở phần trạm thuộc Nga. Roscosmos đã tiến hành xử lý nhiều khu vực bị ảnh hưởng để giảm tốc độ rò rỉ, theo người phát ngôn NASA Kathryn Hambleton.

Roscosmos phát hiện 50 khu vực gây quan ngại và tiếp tục quan sát những khu vực này và tiến hành trám hoặc vá lỗ hổng khi cần thiết.

Bà Hambleton lưu ý rằng các khu vực có vấn đề chưa được khẳng định là "vết nứt", và có thể chỉ là "các điểm lỗi không nguy hiểm thường thấy trên một bề mặt, chẳng hạn như một vết xước nhỏ".

Trạm ISS đã duy trì hoạt động nhiều hơn 10 năm so với dự định ban đầu, và sẽ còn cố gắng "sống sót" cho tới hạn chót là 2031. Tổng thanh tra NASA lưu ý rằng điều đó đòi hỏi phải tiếp tục đánh giá cập nhật tình hình và "hỗ trợ không ngừng" từ các đối tác quốc tế - "mà đặc biệt là Nga".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.