NASA phóng vệ tinh tìm kiếm sự sống bên ngoài hệ mặt trời

Khánh An
Khánh An
19/04/2018 16:00 GMT+7

Vệ tinh TESS sẽ tập trung vào khoảng 20.000 hành tinh cách xa 30-300 năm ánh sáng.

Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) vừa phóng vệ tinh TESS trị giá 337 triệu USD (7.680 tỉ đồng) với khả năng quét 85% bầu trời để tìm kiếm sự sống ngoài hệ mặt trời.
Vệ tinh TESS được phóng đi bằng tên lửa Falcon 9 của hãng SpaceX tại mũi Canaveral (bang Florida, Mỹ) vào lúc 18 giờ 51 ngày 18.4 (giờ địa phương).
TESS có kích thước cỡ một chiếc máy giặt được thiết kế để quét hình ảnh của khoảng 20.000 ngôi sao bên ngoài hệ mặt trời, trong đó có hơn 50 hành tinh có kích thước bằng trái đất và 500 hành tinh có kích thước gấp đôi.
Những phát hiện này sau đó sẽ được tiếp tục nghiên cứu bằng các viễn vọng kính ở mặt đất và trong không gian nhằm tìm kiếm dấu hiệu của nước và sự sống.
Bà Natalia Guerrero thuộc Viện Công nghệ Massachusetts cho biết bà cùng các nhà khoa học khác đã chế tạo 4 cameras được xem là “bốn mắt” của vệ tinh.
“Các camera trang bị ống kính có đường kính chỉ 10 cm nhưng vô cùng hiệu quả. Cả chòm sao như Orion có thể nằm trong tầm ngắm của chúng”, bà Guerrero cho biết.
Theo kế hoạch, TESS sẽ quan sát xa hơn kính viễn vọng Kepler được NASA đưa vào hoạt động năm 2009 và tập trung vào những hành tinh cách xa từ 30-300 năm ánh sáng.
Hiện Kepler đã phát hiện hơn 2.300 hành tinh bên ngoài hệ mặt trời, dù ở khoảng các khá xa và hình ảnh mờ.
Khoang chứa vệ tinh TESS trước khi phóng AFP
Mô phỏng vệ tinh TESS hoạt động trên quỹ đạo AFP

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.