'Né' đóng BHXH, có doanh nghiệp tách thành 100 khoản phụ cấp

Thu Hằng
Thu Hằng
21/11/2023 19:20 GMT+7

Nhiều doanh nghiệp thực thi không đầy đủ, tách thu nhập của người lao động thành nhiều khoản phụ cấp, trợ cấp để không phải tính đóng bảo hiểm xã hội (BHXH). Thậm chí, có doanh nghiệp chia ra hơn 100 loại phụ cấp lẫn phúc lợi và cơ quan BHXH không đủ cơ sở pháp lý để yêu cầu tính đóng BHXH.

BHXH Việt Nam vừa có phản hồi kiến nghị của 13 hiệp hội doanh nghiệp về việc giảm tỷ lệ đóng BHXH khi hoàn thiện dự thảo luật BHXH (sửa đổi).

'Né' đóng BHXH, có doanh nghiệp tách thành 100 khoản phụ cấp - Ảnh 1.

Người lao động làm thủ tục BHXH tại cơ quan BHXH TP.HCM

T.N

Theo cơ quan BHXH Việt Nam, luật BHXH quy định từ năm 2018 trở đi, tiền lương tính đóng BHXH gồm tổng mức lương, phụ cấp lương và khoản bổ sung khác ổn định, thường xuyên được ghi trong hợp đồng lao động, nhằm từng bước tiệm cận tiền lương, thu nhập thực tế của người lao động.

Tuy nhiên, trên thực tế nhiều doanh nghiệp thực thi không đầy đủ, tách thu nhập của người lao động thành nhiều khoản phụ cấp, trợ cấp để không phải tính đóng BHXH.

Thống kê của BHXH Việt Nam năm 2022, tiền lương làm căn cứ tính đóng BHXH của người lao động chỉ đạt 5,7 triệu đồng/tháng. Mức lương hưu bình quân hằng tháng chỉ đạt 5,4 triệu đồng do nguyên nhân là tiền lương làm căn cứ đóng BHXH rất thấp.

BHXH Việt Nam nêu rõ: "Nhiều doanh nghiệp tồn tại 3 loại thu nhập: loại làm căn cứ đóng BHXH, loại để quyết toán và thu nhập thực tế. Có doanh nghiệp chia ra hơn 100 loại phụ cấp lẫn phúc lợi và cơ quan BHXH không đủ cơ sở pháp lý để yêu cầu doanh nghiệp tính đóng BHXH".

Bên cạnh đó, theo quy định hiện hành, tỷ lệ đóng BHXH bắt buộc bằng 25,5% tiền lương tháng tính đóng, trong đó người lao động đóng 8%, người sử dụng lao động đóng 17,5%. Tỷ lệ này ở Việt Nam tương đương một số nước như Singapore, Trung Quốc, Nhật Bản, Malaysia… 

BHXH Việt Nam cho rằng, việc các hiệp hội đặt vấn đề giảm tỷ lệ đóng BHXH cho người lao động xuống 5%, người sử dụng lao động đóng còn 15%, đồng nghĩa với việc phải xem xét giảm tỷ lệ hưởng các chế độ BHXH (tỷ lệ hưởng lương hưu).

Việc các hiệp hội doanh nghiệp đang so sánh mức đóng BHXH với các nước có mô hình đóng - hưởng BHXH không tương đồng với Việt Nam. Ở các nước, tỷ lệ đóng BHXH cao nhưng hưởng cũng cao. Tuy nhiên, lương hưu thực tế của người lao động lại thấp, do tiền lương tính đóng thấp.

BHXH Việt Nam nêu quan điểm: "Việc đánh giá tỷ lệ đóng BHXH cần được xem xét gắn với mô hình BHXH tại mỗi nước, mối quan hệ giữa mức đóng với quyền lợi hưởng các chế độ, các yếu tố kinh tế vĩ mô, như sự phát triển kinh tế, GDP bình quân đầu người, cơ cấu kinh tế, sự phát triển của thị trường lao động, chi phí lao động".

Trước đề xuất của các hiệp hội, ông Nguyễn Duy Cường, Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ LĐ-TB-XH), cho hay nếu giảm tỷ lệ đóng BHXH sẽ đồng nghĩa với việc giảm tỷ lệ hưởng các chế độ, trong đó quan trọng nhất là tỷ lệ hưởng lương hưu.

Nền lương tính đóng BHXH của Việt Nam thấp đã ảnh hưởng trực tiếp tới tiền hưởng các chế độ ốm đau, thai sản, đặc biệt là tiền lương hưu sau này của người lao động. Do đó, đề xuất trên không phù hợp với điều kiện, bối cảnh thực tiễn hiện nay của Việt Nam.

Xem nhanh 20h: Thời sự toàn cảnh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.