Ở thời điểm khai trương giữa tháng 4 vừa qua, bánh mì Masterchef được hưởng lợi từ hình ảnh của quán quân Minh Nhật rất nhiều.
Chỉ có 3 loại nhân bánh mì để thực khách lựa chọn ở quán bánh mì của vua đầu bếp 2012 Nguyễn Minh Nhật - Ảnh: Khánh Nguyễn
|
Cho đến vài ngày sau khi khai trương hồi giữa tháng 4 vừa qua ở 27 Nguyễn Du, Bánh mì by Minh Nhật (quán quân Masterchef Việt Nam mùa thứ 2), hay còn được gọi là bánh mì Masterchef, vẫn đông. Việc mua được một suất bánh mì vào giờ ăn trưa vẫn là một khó khăn nếu như không muốn xếp hàng chờ tới lượt từ 15 - 30 phút.
Cũng như tham vọng không giấu diếm của Minh Nhật, mô hình cửa hàng bánh mì mang đi (take away) được xây dựng như một điểm đầu tiên làm mẫu. Cửa hàng có nhận diện thương hiệu, thiết kế bao bì, đồng phục nhân viên, thậm chí đến cả phiên bản cartoon của cô chủ đứng chào ở vỉa hè. Từ chuỗi nhận diện ở điểm mẫu này, một chuỗi các các cửa hàng tương tự sẽ ra đời, dù bằng hình thức tự đầu tư hay sang nhượng bản quyền thương hiệu (franchise).
Việc chọn những mầu nổi và bắt mắt trong nhận diện thương hiệu cũng như sự hiện diện bằng hình ảnh ở mặt tiền cửa hàng, mà cá nhân tôi đánh giá là phiên bản truyện tranh dành cho trẻ em dưới 18 tuổi, giới hạn phần nào nhóm đối tượng khách hàng tiềm năng của bánh mì Masterchef.
Thực đơn của cửa hàng khá đơn giản, chỉ có 3 sự lựa chọn đồng giá 32.000 đồng/cái: bánh mì thập cẩm, bánh mì trứng, bánh mì tôm sa tế. Nước uống cũng vậy, 15.000 đồng/cốc: cà phê, chanh sả và me đá. Hình thức combo cho một người hoặc cho nhóm được phát huy tối đa.
Bánh mì được đặt làm riêng, hơi mềm nếu so với cái giòn vỏ của bánh mì baguette kiểu Pháp, đòi hỏi phải được nướng lên trước khi cho nhân, tất yếu dẫn đến sự chuẩn bị lâu hơn cho mỗi đơn hàng.
Tôi chỉ nhận xét về phần bánh mỳ, mà cũng phải đi lại mất 2 lần mới đủ cả 3 loại.
Túi đựng bánh mỳ được in nhãn riêng cho từng loại, phù hợp với tiêu chí mang đi hoặc ăn ngoài đường. Chiếc bánh mỳ chỉ bằng 2/3 kiểu bánh mỳ phố Huế. Cá nhân tôi cũng thích nó giòn hơn nữa. Nhân được cho vào, kèm dưa chuột và rau thơm, tạo cảm giác đầy đặn cho chiếc bánh.
Bánh mì nhân thập cẩm là chọn lựa của tôi sau khi ăn cả 3 loại (không cùng một lúc). Đồ nguội gồm các loại chả, ruốc, patê, xá xíu, sốt trứng, các thứ chắc là homemade, được cắt lát mỏng từ trước để tiện thao tác. Tổng thể rất đầy đặn trong mồm và dễ ăn. Tuy vậy, dấu ấn để lại với tôi không đến từ phần nhân thập cẩm mà lại từ chọn lựa ớt tươi thay vì tương ớt đóng chai.
Bánh mì với trứng được đánh đều và rán mỏng, bọc lấy một cái xúc xích kiểu visan, kèm dưa và rau thơm. Chọn lựa này khá phiền hà nếu bạn không thích bẩn tay vì dầu rán sẽ thấm qua vỏ túi giấy. Combo trứng + xúc xích có vẻ không bổ sung lẫn nhau tốt như mong đợi.
Bánh mì tôm sa tế rất bắt mắt về hình ảnh. Trên nền một lớp mộc nhĩ xào xắt vụn là tôm xào nằm mỡ màng rất hấp dẫn. Vị sa tế thơm hiện diện rõ ràng nhất trong các vị. Đáng tiếc là tổng thể cuối cùng lại bị khô, không được mềm ướt để cân bằng với bánh mì.
Ở thời điểm khai trương, bánh mì Masterchef được hưởng lợi từ hình ảnh của Minh Nhật rất nhiều. Tuy nhiên, việc chỉ mở một điểm bán hàng như hiện nay sẽ khó lòng tạo được cơn sốt cần thiết trong phạm vi đối tượng khách hàng.
Bình luận (0)