(TNO) Phát biểu tại tọa đàm khoa học về vấn đề độc lập tự chủ trong hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam do Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam tổ chức ngày 15.10 tại TPHCM, nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, Chủ tịch Quỹ, đánh giá nền kinh tế nước ta tuy có phát triển nhưng kém bền vững và có khả năng tụt hậu so với các quốc gia trong khu vực.
Bà Nguyễn Thị Bình nhấn mạnh đến nhiều nguy cơ mà nền kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt. Đó là hàng loạt doanh nghiệp phá sản, nhiều công ty trong nước phải bán một phần hoặc toàn bộ cho nước ngoài; hàng vạn công nhân thất nghiệp; sản xuất giảm sút, hàng hóa nước ngoài tràn vào; trên thị trường bất động sản, các nhà đầu tư nước ngoài đang có cơ hội “vớ bở” mua lại tài sản của một số doanh nghiệp trong nước với giá rẻ mạt; xuất khẩu tăng chủ yếu nhờ doanh nghiệp nước ngoài…
Nhiều chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp có mặt ở tọa đàm đã đóng góp nhiều ý kiến quan trọng. Theo TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế Trung ương, thách thức phát triển của Việt Nam là khó tránh khỏi bẫy thu nhập trung bình và lệ thuộc bên ngoài ngày càng nặng. Đó là lệ thuộc nhập khẩu hàng hóa đầu vào, nên nhập siêu "trường kỳ"; lệ thuộc xuất khẩu khi Việt Nam bị thua ngay cả ở những mặt hàng có thế mạnh như gạo, cà phê. Doanh nghiệp khu vực trong nước yếu đi thấy rõ, cả doanh nghiệp nhà nước, tư nhân.
"Xuất khẩu lệ thuộc vào nhà đầu tư nước ngoài, chỉ Samsung thôi, kim ngạch xuất khẩu đã chiếm 20% tổng kim ngạch xuất khẩu Việt Nam, bằng với xuất khẩu ngành nông nghiệp", ông Thiên dẫn chứng.
Giữa tương thuộc và lệ thuộc, TS Thiên khẳng định Việt Nam đang lệ thuộc nhiều hơn và xu hướng lệ thuộc ngày càng gia tăng bởi cấu trúc kinh tế rủi ro, nội lực yếu. Thậm chí, kinh tế Việt Nam đang rơi vào điểm nghẽn nhưng chưa biết khi nào thoát ra được. Việt Nam vẫn chưa phải là mắt xích không thể thay thế, nghĩa là chưa có vị thế độc lập trong hệ thống kinh tế toàn cầu hiện nay. Nguyên nhân do chiến lược “bóc ngắn, cắn dài”, mô hình tăng trưởng khuyến khích tận khai tài nguyên quốc gia…
Tóm lại, theo ông Thiên, chiến lược không tạo nội lực quốc gia thì không thể bảo đảm một nền kinh tế độc lập, tự chủ. Do đó, cần thiết phải tái cơ cấu nền kinh tế để lột xác đi lên, trong đó có cải cách hệ thống ngân hàng, tái cơ cấu đầu tư công, phải tạo lập cấu trúc kinh tế mới (xây dựng các tập đoàn kinh tế quốc gia tư nhân đẳng cấp toàn cầu)…
Một số chuyên gia cũng cho rằng nguy cơ tụt hậu xa hơn so với thế giới và khu vực của nền kinh tế Việt Nam là rất rõ. Trong hai năm 2011 và 2012, Diễn đàn Kinh tế thế giới xếp hạng nền kinh tế Việt Nam giảm 16 bậc, xuống hạng 75, thấp nhất kể từ khi Việt Nam được xếp hạng. Trong 12 nhóm chỉ tiêu đánh giá, Việt Nam tụt hạng ở 9 nhóm và chẳng có nhóm nào vượt hạng 50, phần lớn cận kề hạng 100.
N.Trần Tâm
>> Người Mỹ ẵm trọn Nobel Kinh tế
>> Thêm 4 tỉ USD vào khu kinh tế Nghi Sơn
>> Khoa học công nghệ gắn liền với phát triển kinh tế xã hội
>> Xúc động với bức tâm thư Đại tướng gởi người dân vùng kinh tế mới
>> Thường vụ Quốc hội thảo luận kết quả kinh tế - xã hội
>> VN sẵn sàng triển khai mạnh liên kết kinh tế khu vực
Bình luận (0)