1. Mới 3 năm trước đó, tổng thống Mỹ tuyên bố dỡ bỏ cấm vận Việt Nam, đánh dấu việc bình thường hóa hoàn toàn quan hệ giữa Việt Nam và nhóm G7. Tuy nhiên, đại biểu tham gia chương trình cũng như đa số cán bộ Việt Nam khi ấy, đa số chưa từng đặt chân ra nước ngoài.
Thành phần đoàn Việt Nam gồm 2 nhóm: từ các cơ quan Trung ương và các địa phương. Trong nhóm thứ hai này có một nhân tố trưởng thành từ cơ sở là ông Võ Văn Thưởng, lãnh đạo Ban Đại học chuyên nghiệp - Thành đoàn TP.HCM. Ông Võ Văn Thưởng khi đó tốt nghiệp Khoa Triết học Trường đại học Tổng hợp TP.HCM được 5 năm và cũng có chừng ấy thời gian làm Phó bí thư Đoàn trường rồi lên Thành đoàn phụ trách khối các trường đại học, cao đẳng. Làm công tác tập hợp thanh niên, sinh viên, vào tổ chức Đoàn những năm sau khi khối các nước XHCN Đông Âu tan rã là nhiệm vụ rất phức tạp và tưởng như khó có kết quả ngay lập tức. Năng lực lãnh đạo và phẩm chất cá nhân của ông Võ Văn Thưởng được chứng minh trong việc xốc lại và đưa vào nền nếp phong trào của Đoàn - Hội tại các trường đại học, cao đẳng có lẽ đã được cấp trên phát hiện, ghi nhận và đưa vào diện đào tạo bồi dưỡng cán bộ nguồn từ thời điểm ấy.
Theo thiết kế chương trình, đoàn cán bộ trẻ Việt Nam sẽ có hoạt động trải nghiệm giúp tìm hiểu văn hóa, xã hội, kinh tế... tại các địa phương của Nhật Bản. Đây là chủ ý của Thủ tướng Nakasone Yasuhiro khi khởi xướng sáng kiến này năm 1983 nhằm hỗ trợ chính sách hướng về các nước ASEAN thông qua giao lưu nhân dân. Năm 1992, Việt Nam chưa gia nhập ASEAN nhưng đã được Nhật Bản là nước G7 đầu tiên dành viện trợ phát triển (ODA). "Chương trình hữu nghị thế kỷ 21" thuở đầu đã phát huy tác dụng làm cầu nối hữu nghị để giới lãnh đạo trẻ Việt Nam tiếp cận trực tiếp với nhiều khía cạnh của đất nước Nhật Bản sau nhiều năm hai bên không có quan hệ chính thức, tạo dựng nền móng cho sự hiểu biết mà cả hai nước đều cần khi xác định làm ăn, hợp tác với nhau về lâu dài.
Các khách mời được đi thăm nhiều thành phố, và đặc biệt có vài ngày sống tại nhà của người dân theo kiểu homestay. Bà Nguyễn Thị Minh Nghĩa, người đi đợt giao lưu năm 1997 khi đang là Phó bí thư thường trực Tỉnh đoàn Bình Phước, được gửi về một gia đình cùng xóm, sát ngay gia đình mà ông Võ Văn Thưởng ở (Hanayamate, thành phố Miyazaki). Đây cũng là lần ra nước ngoài đầu tiên của bà Minh Nghĩa, lúc đó đã 34 tuổi. Đến giờ, bà vẫn lưu giữ những cảm xúc tươi mới về lần tiếp xúc đầu tiên với một xã hội tương đối phát triển có trình độ tổ chức cao, một nền văn hóa mang bản sắc riêng biệt. Trong vài tình huống có thể gọi là "lạ lẫm" như tổ chức tiệc nướng BBQ, làm quen với việc hát karaoke tại nhà riêng, bà Minh Nghĩa và ông Võ Văn Thưởng nhanh chóng chiếm được cảm tình của chủ nhà khi tích cực tham gia các cuộc vui chung với hai gia đình hàng xóm. Kỷ niệm thú vị mà bà Minh Nghĩa còn nhớ là khi ông chủ nhà Nagai Atsuo nói rất thích bài hát Diễm xưa nhưng không biết do nhạc sĩ Việt Nam nào sáng tác, bà Nghĩa cùng ông Thưởng đã có cơ hội giới thiệu thân thế tác giả và hát tặng nhạc phẩm bất hủ của Trịnh Công Sơn cho những người bạn nước ngoài.
2. 26 năm sau, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Võ Văn Thưởng có chuyến thăm chính thức Nhật Bản (từ ngày 27 - 30.11.2023). Chuyến thăm dày đặc các hoạt động ngoại giao hết sức thành công với Hoàng gia, Quốc hội và Chính phủ Nhật Bản. Điều đặc biệt là người đứng đầu Nhà nước vẫn dành thời gian cho những cuộc gặp bạn bè, người quen cũ mà ông đã từng có quan hệ gắn bó trước đây. Ông Nagai Atsuo, nay 67 tuổi và vợ Nagai Yuko, 64 tuổi, đã rất bất ngờ khi tới đầu tháng 11.2023 mới biết người thanh niên "nghiêm túc và giản dị" từng đến ở nhà ông năm 1997 sẽ là quốc khách của Nhật Bản. Và bất ngờ hơn khi vị khách năm xưa có nhã ý mời ông bà tới thủ đô Tokyo để gặp lại và cùng dùng bữa sáng thân mật. Cuộc hội ngộ diễn ra tại Nhà khách hoàng gia Akasaka trong một tòa nhà cổ kính theo phong cách kiến trúc baroque được xây dựng đầu thế kỷ trước, ban đầu để làm cung điện của hoàng thái tử. Khi Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng bước vào phòng, ông đi thẳng tới bắt tay ông bà Nagai và ân cần hỏi thăm: "Con gái ông bà chắc cũng lớn cả rồi nhỉ? Tôi vẫn nhớ đã chơi cầu lông và hát cùng bọn trẻ". Bà Yuko tươi cười đáp: "Con gái tôi đã kết hôn, và tôi có một cháu ngoại rồi''.
Ngồi cùng bàn với ông bà Nagai là một cặp vợ chồng khác, ông Sato Shigemitsu và bà Sato Ikuko đến từ tỉnh Akita, họ cũng từng đón tiếp ông Võ Văn Thưởng tại nhà; nữ nghệ sĩ Seikei Kumiko (tỉnh Akita) - người đã dạy các điệu múa truyền thống Nhật Bản cho các vị khách Việt Nam, trong đó có ông Thưởng, nhân một lần farmstay khác vào năm 2011. Cuộc trò chuyện hào hứng và xúc động giữa Chủ tịch nước với những người bạn cũ cho thấy ông vẫn giữ nguyên ký ức sống động về 3 lần thăm viếng Nhật Bản ngoài các khuôn khổ lễ nghi công vụ.
"Tôi còn nhớ chị Sato đã hướng dẫn tôi cách đi xe bus như một người nông dân. Nhà anh chị có khu vườn trồng rau quả mùa đông. Tối hôm đó, chúng ta còn cùng nhau chuẩn bị bữa ăn", Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng vui vẻ kể lại khi mời những chủ nhà năm xưa nay trở thành các vị khách quý của ông cùng thưởng thức các món ăn kết hợp của Nhật Bản và Việt Nam.
Cũng thăm Nhật Bản trong chương trình tương tự nhưng sau đoàn của ông Võ Văn Thưởng 1 năm, bà Đỗ Thị Nghĩa, Vụ phó Ban Tổ chức T.Ư, nhớ lại: "Tôi đi chương trình này năm 1998 với tư cách phó chánh văn phòng T.Ư Hội LHTN Việt Nam. Lúc đó tôi mới về cơ quan T.Ư Đoàn được 5 - 6 năm, chưa biết gì về Nhật Bản ngoài những hình ảnh như kimono, hoa anh đào...". Chỉ một tuần trên đất Nhật song đến giờ bà Đỗ Thị Nghĩa vẫn hình dung rõ nét căn nhà 2 tầng rưỡi thoáng rộng của cha mẹ người chủ homestay, những kỷ niệm sinh hoạt chung như lần làm món nem rán bằng nguyên liệu mộc nhĩ, nấm hương mang từ Việt Nam, lần đi tham quan suối nóng onsen... Hình ảnh tốt đẹp nữa của bà về Nhật Bản là một đất nước thịnh vượng, người dân rất có ý thức bảo vệ môi trường, sự dung hòa giữa hiện đại và truyền thống, và nhất là sự chân thành của người dân. Bà cũng nhớ những người bạn cùng đoàn giao lưu, sau này đều trưởng thành, giữ những vị trí cao trong bộ máy như nguyên Phó trưởng ban Tuyên giáo T.Ư Lê Mạnh Hùng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp - cả hai đều từng là Bí thư T.Ư Đoàn.
3. Tính đến tháng 12.2020, có 2.187 lãnh đạo trẻ, thanh niên Việt Nam đã tham gia các chương trình giao lưu, các khóa đào tạo ngắn hạn tại Nhật Bản trong khuôn khổ "Chương trình hữu nghị thế kỷ 21" (năm 2007 đổi tên thành "Chương trình đào tạo lãnh đạo trẻ" và năm 2015 đổi tên thành "Chương trình Đồng sáng tạo tri thức dành cho lãnh đạo trẻ").
Trong những năm gần đây, các hoạt động hợp tác giữa T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Ban Thanh niên Đảng Dân chủ Tự do (LDP) Nhật Bản về nội dung giao lưu, hợp tác nghị sĩ trẻ hai nước cũng được thúc đẩy, triển khai một cách mạnh mẽ. T.Ư Đoàn tổ chức đón và làm việc với các đoàn đại biểu nghị sĩ trẻ của Ban Thanh niên LDP trong các năm 2016, 2017, 2019.
Cá nhân Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng có thâm tình với nhiều chính trị gia trẻ LDP do quan hệ công tác sau nhiều năm giữ chức vụ Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam, rồi Thường trực Ban Bí thư T.Ư Đảng. Bên cạnh cuộc gặp những gia đình homestay kể trên, Chủ tịch nước còn có cuộc hội ngộ tràn ngập tiếng cười với 2 cựu lãnh đạo Ban Thanh niên LDP: ông Matsumoto Yohei - Trưởng ban Truyền thông LDP và ông Suzuki Keisuke - Trưởng ban Tài chính - Tiền tệ LDP. Một người vắng mặt do công việc, đang giữ vị trí trọng yếu trong Chính phủ - Bộ trưởng Quốc phòng Kihara Minoru.
Phát biểu trước Quốc hội Nhật Bản ngày 29.11.2023, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đề nghị: "Chúng ta cùng nhau quyết tâm xây dựng quan hệ hai nước thực sự là: Bạn bè chân thành, đối tác tin cậy, hợp tác chiến lược, tương lai bền vững". "Độ tin cậy chính trị cao" cũng chính là cụm từ được các nhà ngoại giao Việt Nam chia sẻ cả công khai lẫn trao đổi riêng với báo giới khi đề cập sự kiện hai nước nâng cấp quan hệ lên "đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới" nhân chuyến thăm chính thức vừa qua của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tới Nhật Bản. Một sự tin cậy dường như đã được gieo mầm từ nhiều chục năm trước, khi những nhà lãnh đạo, cán bộ quản lý hai nước được giao lưu, kết nối với nhau khi họ còn đang trong tuổi phấn đấu trẻ trung. Đó là nền móng vững chắc để hai nước hướng tới quan hệ đối tác 50 năm tiếp theo, sau 50 năm đầu tiên hết sức thành công vừa đi trọn vẹn (1973 - 2023).
Một ấn tượng mạnh mẽ về Nhật Bản mà bà Nguyễn Thị Minh Nghĩa kể lại là khi được đến thăm thư viện thành phố Miyazaki: chỉ sau 5 phút yêu cầu thủ thư, cuốn sách dạy nấu ăn món Việt mà bà cần tra cứu để thực hiện bữa ăn thết đãi các vị chủ nhà homestay đã xuất hiện trên băng chuyền phục vụ độc giả. Điều tình cờ là sau chuyến đi năm ấy, bà Nguyễn Thị Minh Nghĩa chuyển công tác sang ngành văn hóa, đầu tiên ở vị trí Giám đốc Thư viện Bình Dương. Bà là người chỉ đạo thực hiện dự án số hóa Thư viện Bình Dương ngay từ những năm 2000 - 2001, một điển hình toàn quốc về hiện đại hóa ngành thư viện. Khi được nghỉ chế độ vài năm trước, bà Nghĩa là Phó giám đốc Sở VH-TT-DL Bình Dương.
Bình luận (0)