Chuyện “người đẹp thi chui” mới đây lại nóng khi Oanh Yến đăng quang Hoa hậu Thế giới toàn cầu 2015 trở về từ Philippines. Cô khẳng định mình không làm gì sai trái và cũng không đủ tiền nộp phạt.
Oanh Yến đoạt Hoa hậu Thế giới toàn cầu 2015 - Ảnh: NSCC
|
|
Lâm Thùy Anh đoạt Á hậu 4 Hoa hậu Sắc đẹp toàn cầu 2015
|
Khi mang tư cách đại diện phải đủ điều kiện
Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với ông Lê Minh Tuấn, Trưởng phòng Quản lý biểu diễn - Cục Nghệ thuật biểu diễn xung quanh chuyện người đẹp “thi “chui.
Ông Tuấn cho biết: “Hiện nay theo quy định của Nghị định 79, cá nhân mang đại diện VN ra nước ngoài tham dự các cuộc thi sắc đẹp cần có 1 trong 3 danh hiệu chính của cuộc thi hoa hậu, hoa khôi hay người đẹp thì sẽ được ra nước ngoài tham dự các cuộc thi quốc tế. Các trường hợp chưa đáp ứng tiêu chí này thì chưa đủ điều kiện đại diện cho VN và khi vi phạm các cơ quan chức năng sẽ xử lý theo đúng quy định pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính”.
Cao Thùy Linh (Trang phục truyền thống đẹp nhất)
Tình trạng thi chui tại các cuộc thi sắc đẹp ở nước ngoài đã xảy ra trong suốt nhiều năm qua. Theo ông, nguyên nhân nằm ở đâu?
Mỗi năm có một số trường hợp ra nước ngoài tham dự các cuộc thi sắc đẹp không đúng quy định. Qua công tác quản lý, chúng tôi nhận thấy điều đó xuất phát từ ham muốn cá nhân có được danh hiệu để được dư luận công chúng biết tới, sau đó tham gia các hoạt động khác nhằm mục đích thu lợi về kinh tế và một phần tác động không nhỏ do một bộ phận truyền thông quan tâm khai thác quá mức cần thiết đến các cá nhân này, nên đôi khi họ coi hành vi vi phạm là cơ hội để quảng cáo qua việc truyền thông đưa tin, phản ánh để nhiều người biết đến.
Đây là mục đích chính của việc ra nước ngoài tham dự các cuộc thi không đúng quy định của pháp luật. Cái này xuất phát từ nhu cầu mục đích cá nhân trên hết, các trường hợp này đều không chấp hành các quy định pháp luật, cho dù các cá nhân này đều biết mình không đủ điều kiện tham dự nhưng vẫn ra nước ngoài dự thi.
Có ý kiến đề xuất nên “cởi trói” cho người đẹp đi tham dự các cuộc thi nhỏ mang ý nghĩa giao lưu văn hóa, cơ quan quản lý chỉ cần “nắm” những cuộc thi lớn, mang ý nghĩa đại diện quốc gia. Theo ông, tiến tới chúng ta nên có cơ chế quản lý mở như vậy?
Trước hết, theo quy định của pháp luật, hoạt động biểu diễn nghệ thuật hay thi hoa hậu là hoạt động có điều kiện (cụ thể được quy định tại luật Đầu tư và Nghị định 79/2012/NĐ-CP). Vì vậy các tổ chức, cá nhân khi tham gia hoạt động này đều phải tuân thủ các điều kiện theo quy định của pháp luật. Việc quy định điều kiện hoạt động này là nhằm đảm bảo nội dung của hoạt động phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội, phong tục tập quán, truyền thống văn hóa của VN.
Đối với các tổ chức, cá nhân đáp ứng đủ điều kiện theo luật định, cơ quan quản lý nhà nước sẵn sàng tạo điều kiện và khuyến khích tham dự các hoạt động văn hóa quốc tế, trong đó có hoạt động tham dự các cuộc thi hoa hậu quốc tế mà cụ thể các trường hợp như Á hậu Thúy Vân (tham dự Hoa hậu Quốc tế), Hoa khôi áo dài Lan Khuê (tham dự Hoa hậu Thế giới) hay Hoa hậu Phạm Hương (tham dự Hoa hậu Hoàn vũ)...
Cơ quan quản lý không khuyến khích các cá nhân ra nước ngoài tham dự các cuộc thi hoa hậu mà cuộc thi được tổ chức với quy mô, hình thức, nội dung thiếu chuyên nghiệp, không chu đáo, bị dư luận trong nước, quốc tế phản ánh nghiệp dư...
Theo cách đặt vấn đề của nhà báo thì chúng ta cần phải phân định rõ thế nào là hoạt động giao lưu văn hóa và thế nào là việc đại diện hình ảnh VN tham dự các cuộc thi hoa hậu. Việc ra nước ngoài tham gia các hoạt động giao lưu văn hóa với tư cách cá nhân thì pháp luật VN không quy định điều kiện và không hạn chế. Nhưng khi một cá nhân ra nước ngoài và khoác lên vai tư cách đại diện cho hình ảnh đất nước, con người VN ở các cuộc thi sắc đẹp quốc tế thì các cá nhân đó phải đáp ứng điều kiện theo luật định.
Có người đẹp đi thi nhưng không qua cấp phép vừa tuyên bố không có tiền nộp phạt, cơ quan quản lý sẽ xử lý thế nào?
Đây là những phát ngôn coi thường quy định của pháp luật, chế tài hành chính, thể hiện suy nghĩ, tư tưởng hành động của cá nhân đó không phù hợp với chuẩn mực, đạo đức của người VN và cơ quan quản lý sẽ kiên quyết xử lý vi phạm đối với các trường hợp này. Cũng như sẽ đề nghị cơ quan quản lý địa phương giám sát chặt chẽ bởi vì rất có thể các cá nhân này tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm làm xấu đi những hình ảnh đất nước, con người VN.
Nhưng cũng có người đẹp vui vẻ nộp phạt để thi chui. Chẳng nhẽ, cứ đi thi chui, nộp phạt là xong?
Đây là hành vi vi phạm sẽ được áp dụng các điều khoản quy định của luật Xử lý vi phạm hành chính, và mọi tổ chức, cá nhân đều phải áp dụng theo quy định này đối với các trường hợp vi phạm.
Cơ quan quản lý đang tiếp tục nghiên cứu các biện pháp, hình thức nhằm góp phần nâng cao nhận thức ý thức tuân thủ pháp luật của các cá nhân tham gia hoạt động nghệ thuật biểu diễn, trong đó bao gồm cả việc tham dự các cuộc thi sắc đẹp quốc tế. Đồng thời cũng kiến nghị một số giải pháp góp phần định hướng cho các cá nhân tuân thủ quy định pháp luật tốt hơn. Chúng tôi đang xem xét để xây dựng hành lang pháp lý để góp phần ngăn chặn trong thời gian tới.
Nhiều thí sinh thi chui nhưng lại giành giải thưởng cao, trong khi có thí sinh đi thi theo con đường chính thống lại không nhận được giải gì. Ông nhìn nhận sự việc này như thế nào?
Nói những thí sinh đủ điều kiện ra nước ngoài tham dự không đạt được kết quả tốt là chưa khách quan. Vì các cuộc thi mà thí sinh này tham dự đều có quy mô lớn, được tổ chức lâu năm, có uy tín như Hoa hậu Thế giới, Hoa hậu Hoàn vũ, Hoa hậu quốc tế... Đây là những cuộc thi quy tụ đông đảo tới hàng trăm thí sinh đến từ khắp nơi trên thế giới, chất lượng thí sinh cao. Thí sinh VN lọt vào top 15, 16 hay đoạt giải Á hậu 3... là kết quả đáng khích lệ và cần được đánh giá đúng. Còn với những cuộc thi mà xảy ra những trường hợp không đúng quy định, thường phản ánh khâu tổ chức, hình thức, quy mô tổ chức có nhiều vấn đề. Chúng ta cần có cái nhìn khách quan như vậy.
Ngọc An
(thực hiện) |
Bình luận (0)