Nên trưng cầu dân ý việc “bỏ” HĐND huyện, quận, phường

11/09/2010 16:00 GMT+7

(TNO) Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Lê Quang Bình bày tỏ quan điểm trên khi trao đổi với báo giới xoay quanh chủ trương thí điểm không tổ chức HĐND cấp huyện, quận, phường bên lề Hội nghị toàn quốc về hoạt động của HĐND và UBND diễn ra ngày 11.9. >> Hoạt động giám sát của HĐND còn nể nang, né tránh

Ông Bình cho biết, “qua báo chí và qua tiếp xúc với một số đồng chí ở địa phương, đặc biệt là các đồng chí bên Bộ Nội vụ, tôi thấy xu hướng ý kiến chung cho rằng bỏ HĐND huyện, quận, phường cơ bản là tốt”.

* Nhưng đấy là đánh giá của Chính phủ, còn ý kiến từ phía Quốc hội (QH) mà bản thân ông, qua lắng nghe, rồi tiếp xúc với HĐND cơ sở thì thấy có gì khác biệt?

- Ông Lê Quang Bình: Dư luận chung của cơ quan QH - nói dư luận chung thì cũng phải có các điều tra nhưng những người tôi tiếp xúc, tôi thấy chưa thật đồng tình lắm, bởi trước hết xuất phát từ lý luận. Tức là chúng ta xây dựng Nhà nước pháp quyền mà Nhà nước pháp quyền thì phải quản lý Nhà nước bằng pháp luật, quyền lực phải thuộc về nhân dân, mà nhân dân thì từng người một không thể tự mình làm chủ được mà phải thông qua người đại diện cho mình, đó là đại biểu HĐND, đại biểu QH để thực hiện quyền lực của mình ở cơ quan Nhà nước. Bây giờ bỏ HĐND đi, về lý luận là bỏ trống, và thứ hai về nguyên tắc thì khi nhân dân giao quyền lực, Nhà nước giao quyền lực, phải có cơ chế kiểm soát quyền lực để tránh lạm quyền.

* Nghĩa là theo ông, những lý lẽ mà Chính phủ đưa ra để chứng minh cho việc bỏ HĐND cấp huyện, quận, phường là hợp lý bằng việc thay quyền giám sát của HĐND cấp này và giao thêm trách nhiệm cho HĐND cấp trên, rồi đại biểu QH, MTTQ… vẫn chưa thể khiến người dân yên tâm về hiệu quả của hoạt động giám sát đối với UBND cấp huyện cũng như TAND, VKS cùng cấp?

- Ông Lê Quang Bình: Tôi nhớ lại câu chuyện trước đây giao cho VKS thẩm quyền giám sát việc thi hành pháp luật, khi ta bỏ chức năng đó cũng với lý do để giao nhiệm vụ đó cho Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của QH, ngoài ra còn có MTTQ…, nhưng rõ ràng khi bỏ chức năng đó đi của VKS thì thấy thực trạng: Trước đây, mỗi một năm giao cho VKS giám sát chung thì họ kiến nghị bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ hàng ngàn văn bản quy phạm pháp luật không tương thích, thậm chí trái với luật, với pháp lệnh, nghị quyết của QH. Thế nhưng từ khi bỏ chức năng giám sát thi hành pháp luật của VKS đến nay tôi thấy hầu như không có việc bãi bỏ một văn bản nào.

Bây giờ ta cứ nói giao việc tổng hợp, tập hợp kiến nghị cử tri, giao cho đại biểu QH, rồi HĐND cấp tỉnh, tôi cho là phải xem xét lại. Vì Nhà nước ta là 4 cấp, bây giờ từng cấp một đã có việc tương đương, giờ bỏ phải xem lại vì có khi nó khập khễnh, bởi cứ nói giao cho trên nhưng đại biểu HĐND cấp tỉnh dù có 6 người hoặc nhiều hơn một chút thì số đại biểu chuyên trách cũng chỉ có rất ít, chỉ 1 - 2 đại biểu.

* Với những lo ngại như trên thì theo ông đã nhất thiết phải bỏ HĐND cấp huyện, quận, phường hay chưa, hay cần phải tiếp tục thí điểm và trưng cầu dân ý?

- Ông Lê Quang Bình: Theo tôi thời gian thí điểm chưa đủ. Theo tôi biết là Chính phủ hiện nay đang đề nghị ngay trong kỳ họp thứ 8 của QH tới đây, trên cơ sở báo cáo với Trung ương, Bộ Chính trị, QH sẽ xem xét ra nghị quyết để bỏ HĐND cấp huyện, quận, phường, để bầu cử vào tháng 5.2011 tới là đồng loạt bỏ luôn. Tôi e như thế là vội vàng vì thời gian thí điểm chưa được nhiều. Hơn nữa, nếu chúng ta biết lắng nghe ý kiến dân thì phải hỏi ý kiến dân về việc này. Mình hiện nay chưa có luật trưng cầu dân ý nhưng có thể bằng hình thức nào đấy để lấy thêm ý kiến của nhân dân.

Cũng có thể chia ra nhiều ý kiến: một là ý kiến của nhân dân, ý kiến của Chính phủ nhưng đồng thời phải có kênh nữa là ý kiến của HĐND các cấp một cách chính thức, rồi ý kiến của MTTQ. Chúng ta phải tin ở Chính phủ, tin ở UBND các cấp nhưng tổng kết hiện nay tôi cảm nhận là hình như nếu hỏi ý kiến của UBND và hỏi ý kiến của Chính phủ thì tôi chắc chắn đại đa số là họ khuyên bỏ, nhưng nếu hỏi ý kiến của HĐND một cách độc lập thì tôi nghĩ có thể HĐND các cấp sẽ cho rằng không nên bỏ. MTTQ cũng chưa chắc đồng ý bỏ. Cho nên đây là vấn đề lớn, liên quan đến quyền làm chủ của dân, kỳ họp tới QH chưa nên vội vàng kết luận vấn đề này mà nên tiếp tục thí điểm, và phải dựa trên nhiều kênh: một là Chính phủ, UBND, kênh thứ 2 là HĐND và QH, thứ 3 là MTTQ, và chắc chắn hơn là lấy ý kiến nhân dân, như thế sẽ tốt hơn. 

* Xin cảm ơn ông!

Bảo Cầm (ghi)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.