Nếu có chiến tranh, Trung Quốc có thể nhắm vào lực lượng nào của Mỹ đầu tiên?

Văn Khoa
Văn Khoa
06/06/2020 15:43 GMT+7

Đô đốc Trung Quốc được cho là đã tiết lộ về những mục tiêu của Mỹ mà quân đội nước này có thể nhắm tới trước nếu hai bên xảy ra xung đột.

Lâu nay, tàu chiến Mỹ nhiều lần thực hiện hoạt động tự do hàng hải (FONOP) ở Biển Đông nhằm thách thức những yêu sách biển quá đáng của Trung Quốc và tham gia tập trận để thắt chặt quan hệ với các đồng minh ở khu vực Tây Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, trong một cuộc xung đột tiềm tàng với Trung Quốc, chiến hạm Mỹ không phải là mục tiêu duy nhất, thậm chí cũng chẳng phải là mục tiêu chính vì Bắc Kinh sẽ tìm cách loại bỏ hệ thống hỗ trợ hậu cần mà quân đội Mỹ dựa vào, theo đô đốc hải quân Mỹ về hưu Gary Roughhead.
“Chúng ta phớt lờ hậu cần, và hậu cần đã giúp nước Mỹ giành chiến thắng trong nhiều cuộc chiến”, ông Roughead, từng nắm giữ vị trí tham mưu trưởng hải quân Mỹ trong giai đoạn 2007-2011, phát biểu tại phiên điều trần trước Ủy ban Quân vụ hạ viện Mỹ hôm 5.6, theo báo Business Insider.

Xe tấn công đổ bộ của lính thủy đánh bộ rời khỏi tàu hải quân USNS 1st Lt Baldomero Lopez

Hải quân Mỹ

“Tôi chia sẻ một cuộc trao đổi mà tôi đã có được với đô đốc Trung Quốc trong thời kỳ tôi còn làm nhiệm vụ. Ông ấy nói rất rõ với tôi rằng các tàu hậu cần của chúng ta là mục tiêu chính vì nếu ông ấy có thể loại bỏ được hế thống hậu cần, ông ấy loại bỏ được mạch máu nuôi các tàu đang tham chiến”, ông Roughhead cho hay.
Các chiến hạm Mỹ nếu bắn hết tên lửa khi tham chiến sẽ phải trở lại cảng để được tiếp tế, nhưng tên lửa của Trung Quốc hiện đã có thể bắn tới nhiều khu vực trong "chuỗi đảo thứ nhất”, nơi Mỹ đặt nhiều căn cứ. Chuỗi đảo này trải dài từ đảo Kyushu của Nhật Bản tới Đài Loan và Philippines.

Trung Quốc có thực sự "vượt mặt" Mỹ trong cuộc chạy đua tên lửa?

Lâu nay, Bắc Kinh luôn cho rằng Mỹ dùng “chuỗi đảo thứ nhất” để kiềm chế Trung Quốc, theo tờ South China Morning Post. “Tôi thật sự tin rằng nhiều cảng biển mà chúng ta dựa vào, đặc biệt ở Tây Thái Bình Dương, dễ trở thành mục tiêu bị tấn công”, ông Roughhead nhấn mạnh.
Sĩ quan chỉ huy Thủy quân lục chiến Mỹ David Berger, người đã đề xuất kế hoạch giúp lực lượng của ông được trang bị tốt hơn để có thể chiến đấu trong một cuộc chiến tranh ở Thái Bình Dương, cũng thừa nhận rằng những thách thức hậu cần phải được giải quyết.

Tàu tiếp tế USS Emory S. Land của hải quân Mỹ

Hải quân Mỹ

Thách thức của Thủy quân lục chiến Mỹ là “phát triển một hệ thống hậu cầu hoàn toàn mới, bao gồm tàu mới hỗ trợ tiếp tế và di chuyển lính thủy đánh bộ xung quanh "chuỗi đảo thứ nhất",  các khu vực gần bờ và trong môi trường có mối đe dọa cao”, ông Berger cho hay tại một sự kiện ở quốc hội Mỹ hồi tháng 2.
“Các tuyến tiếp tế của chúng ta không bị thách thức trong 70 năm qua. Chúng ta đã không lo lắng về những gì ở phía sau mình. Bây giờ chúng ta cần phải tập trung vào vấn đề này, vì… họ sẽ cố cắt các tuyến tiếp tế của chúng ta”, ông Berger cảnh báo.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.