Sáng 29.4, báo chí Hàn Quốc đưa tin ông Kim Sang-sik đã đạt thỏa thuận dẫn dắt đội tuyển Việt Nam. Dự kiến, lễ ra mắt nhà cầm quân người Hàn Quốc sẽ diễn ra vào tháng 5. Các quan chức Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) chưa lên tiếng xác nhận thông tin cuối cùng nhưng việc ông Kim trở thành tân HLV trưởng đội tuyển Việt Nam có lẽ chỉ còn chờ thời điểm công bố chính thức.
HLV Kim Sang-sik sẽ có khoảng 3 tuần để quan sát bóng đá Việt Nam, phác thảo chiến lược trước khi bắt tay vào huấn luyện nhằm chuẩn bị cho 2 trận còn lại của đội tuyển Việt Nam ở vòng loại World Cup 2026.
Nếu đồng ý dẫn dắt đội tuyển Việt Nam, nhiều khả năng ông Kim Sang-sik sẽ được toàn quyền chọn lựa ê-kíp mới. Trong đó quan trọng nhất là trợ lý chuyên môn (tương tự vai trò của ông Lee Young-jin trước đây thời ông Park Hang-seo, hay Moulay Azzeggouarh thời ông Philippe Troussier) đóng vai trò "phó tướng".
Tuy nhiên, ban huấn luyện sẽ được đảm bảo hài hòa giữa người nước ngoài và người Việt Nam. Theo chuyên gia Đoàn Minh Xương, VFF cần cung cấp cho tân HLV trưởng một ê-kíp chất lượng, với chuyên gia nước ngoài, đồng thời đan xen cả trợ lý Việt Nam với "liều lượng" hợp lý. Ông Steve Darby, cựu HLV đội tuyển nữ Việt Nam, cũng ủng hộ quan điểm ban huấn luyện của HLV ngoại cần có cả chuyên gia ngoại lẫn chuyên gia nội để đảm bảo tính kế thừa.
Danh tính của người sắm vai trợ lý ngôn ngữ cho ông Kim Sang-sik cũng được chú ý. Thời ông Park Hang-seo, từng có nhiều trợ lý Hàn Quốc làm việc cho đội tuyển Việt Nam và U.23 Việt Nam, như ông Lê Huy Khoa, ông Phan Duy Tuấn hay ông Vũ Anh Thắng.
Ông Kim Sang-sik, người được dự đoán dẫn dắt đội tuyển Việt Nam là ai?
Tuy nhiên, ông Lê Huy Khoa vẫn là người có thời gian làm việc lâu nhất nhờ thông thạo tiếng Hàn và giàu kiến thức bóng đá, bên cạnh khả năng truyền đạt không chỉ nội dung, mà còn là "sao chép" thần thái của HLV trưởng, nhờ vậy truyền tải trọn vẹn thông điệp đến cầu thủ, góp công không nhỏ trong thành công của tập thể.
"Ngoài có trình độ ngoai ngữ, và đam mê, quan trọng nhất là phải hiểu môn thể thao này. Khi anh hiểu thì anh mới có thể diễn đạt đúng và đầy đủ.
Bóng đá nhanh, phức tạp, lại nhiều góc độ lắm, và cũng có sức khỏe để chịu đựng, nếu không phải là dân trong ngành thể thao và chỉ là người ngoài tham gia vào thì lại cần phải có thêm vài yếu tố phụ nữa, như công việc phải cho phép, gia đình ủng hộ... và cũng tùy theo HLV, anh phải hợp với HLV đó về tính cách.
Có HLV rất trầm, có người lại nóng nảy. Việc sao chép thần thái cái đó có lẽ được gọi là kỹ năng, mà kỹ năng thì làm nhiều sẽ quen", trợ lý ngôn ngữ Lê Huy Khoa kể lại về quãng thời gian gắn bó với ông Park.
Trong trường hợp ông Kim Sang-sik huấn luyện đội tuyển Việt Nam, không loại trừ khả năng một trong các trợ lý ngôn ngữ tiếng Hàn từng làm việc trước đây sẽ được trọng dụng.
Bởi các trợ lý ngôn ngữ này không chỉ am hiểu bóng đá Việt Nam, quen làm việc trong môi trường áp lực, mà còn có mối quan hệ tốt với các cầu thủ, nhờ vậy có thể trở thành "cầu nối" hiệu quả giữa thầy ngoại và toàn đội.
Trước đây khi HLV Park Hang-seo còn nắm quyền, các trợ lý ngôn ngữ làm việc theo hợp đồng thời vụ: đến đợt tập trung hoặc giải đấu thì góp mặt, sau đó rời đội, rồi lại quay lại vào đợt sau... Tuy nhiên có thể, HLV Kim Sang-sik sẽ cần một trợ lý ngôn ngữ toàn thời gian nhằm phục vụ tối đa công việc chuyển ngữ trong quá trình huấn luyện.
Bình luận (0)