Nếu sống được bằng lương

15/09/2012 03:00 GMT+7

Mãi đến năm 2010, khi lời hứa giáo viên (GV) sống được bằng lương không thành hiện thực, các GV hiểu rằng không biết đến bao giờ mới có một cái mốc thời gian cụ thể như thế để mà thấp thỏm chờ mong, hồi hộp hy vọng. Và đương nhiên GV cứ phải sống cho dù lương không đủ trang trải.

Thế nhưng vấn đề quan trọng hơn là từ đây nảy sinh ra biết bao hệ lụy, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền giáo dục nước nhà.

Trên Báo Thanh Niên suốt tuần qua đăng tải loạt bài GV tiếng Anh  cần… phiên dịch. Có nhiều ý kiến phân tích nguyên nhân, trong đó vấn đề mấu chốt là người giỏi không muốn đi dạy vì đồng lương quá thấp! Lãnh đạo nhiều trường cũng thừa nhận việc tuyển dụng GV dạy ngoại ngữ đã khó, nhưng giữ được họ càng khó hơn. Có rất nhiều lời mời những người này làm việc với mức lương hàng nghìn USD/tháng, trong khi lương dạy ở trường chỉ được vài ba triệu. Rõ ràng đây là cuộc đua không cân sức. Hơn 10 năm trước, chúng tôi học tiếng Anh trong điều kiện thiếu thốn hơn hiện nay rất nhiều về phương tiện nghe nhìn cũng như cơ hội giao tiếp. Và đáng buồn là những sinh viên giỏi, nhanh nhạy trong các kỹ năng giao tiếp ngày ấy đa phần không trở thành GV hoặc nếu có, họ chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn rồi chuyển nghề. Lý do đơn giản vì đồng lương quá thấp và không có cơ hội phát triển. Đến bây giờ, tình hình vẫn thế - sinh viên giỏi trước quá nhiều cơ hội nghề nghiệp, đã không mặn mà với ngành mình chọn lúc ban đầu: trở thành GV.

Tình hình càng nghiêm trọng khi đây là một trong những lý do khiến trường sư phạm khó thể thu hút được nhiều học sinh giỏi. Không có nhiều sinh viên giỏi thì không thể có nhiều người thầy giỏi trong tương lai. Đây là thực trạng đáng báo động của nền giáo dục Việt Nam.

GV không thể sống được bằng lương nên nhiều quy định của Bộ GD-ĐT không được thực hiện tốt. Bao nhiêu năm nay dù tồn tại quy định cấm dạy thêm học thêm nhưng tình trạng này vẫn không thể chấm dứt. Năm nay Bộ dứt khoát hơn khi quy định nghiêm nhặt, giao trách nhiệm về cho địa phương, lãnh đạo trường… Thế nhưng, năm học mới bắt đầu, chưa biết quy định này hiệu lực đến đâu, chỉ thấy rằng nhiều GV vẫn âm thầm dạy thêm như những năm qua. 

Cũng vì đồng lương thấp mà không ít GV mất dần tâm huyết với nghề lúc ban đầu. Trong một cuộc hội thảo góp ý đề tài khoa học cấp nhà nước “Các giải pháp cải cách công tác đào tạo, bồi dưỡng GV phổ thông” do bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó chủ tịch nước làm chủ nhiệm, GS Hoàng Tụy đã cho rằng: “Chính sách với người thầy như hiện nay là “nỗi nhục” của xã hội chúng ta. Để có thể sống được, thu nhập chủ yếu của GV là từ làm thêm. Cần phải sửa ngay dù đã muộn”. Có lẽ hiểu được điều này nên ý tưởng xuyên suốt trong đề tài khoa học nêu trên là chất lượng nhà giáo quyết định chất lượng giáo dục. Theo bà Bình, đội ngũ nhà giáo yếu kém, bất cập thì dù có chương trình, tài liệu giáo khoa hay cơ sở vật chất - thiết bị dạy học đầy đủ, hiện đại vẫn không thể đảm bảo được chất lượng giáo dục.

Đúng là phải thay đổi dù đã muộn, vì nếu cứ thế này, thật lòng mà nói, không biết rồi giáo dục Việt Nam sẽ đi về đâu!   

Thùy Ngân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.