* Hồ Linh Quang nằm giữa nội thành Hà Nội vừa bị phát hiện có phẩy khuẩn tả. Theo ông, đâu là giải pháp chính để cải tạo những hồ bị ô nhiễm nặng như hồ Linh Quang?
- TS Lim Phaik Leng: Trên địa bàn TP Hà Nội, tất cả các hồ đều đã bị ô nhiễm, 50% trong số đó đang ở mức báo động đỏ - mức báo động cao nhất. Thay vì vai trò là “lá phổi”, các hồ Hà Nội đang tiềm ẩn những nguy cơ bùng phát dịch bệnh rất cao. Hồ trong khu vực dân cư vừa là một cảnh quan, vừa là nơi đổ rác và nước thải xuống hồ là thực tế hết sức phản khoa học. Đáng tiếc là không chỉ có hồ Linh Quang mà nhiều hồ ở Hà Nội đang trong tình trạng như vậy.
Theo kinh nghiệm của Malaysia đang áp dụng, những biện pháp sinh học như: thả vi sinh, trồng thủy sinh rất được ưu tiên để xử lý ô nhiễm hồ nước. Tôi được biết các nhà khoa học Việt Nam cũng đang áp dụng những biện pháp đó. Tuy nhiên, các biện pháp xử lý ô nhiễm mặt nước dù tiên tiến đến đâu cũng chỉ là giải pháp tình thế. Về lâu dài, việc thu gom rác và xử lý nước thải đúng cách, tuyệt đối không đổ xuống hồ như hiện nay, các bãi chôn rác thải đạt tiêu chuẩn phải cách xa khu vực hồ. Việc duy trì đời sống thuỷ sinh lành mạnh sẽ mang lại lợi ích cho nhiều sinh vật, trong đó có cá.
* Cách ly môi trường sống với sông hồ bị ô nhiễm là việc cần thiết để ngăn chặn tác hại với người. Xây dựng khu đô thị với khách sạn, trung tâm hội nghị, quảng trường… trong công viên Yên Sở vốn bị bao bọc bởi những dòng sông ô nhiễm rất nặng có phải là giải pháp hợp lý?
TS Lim Phaik Leng -
Ảnh: P.L.Tùng
- Trong qui hoạch, khu tổ hợp đô thị - công viên này sẽ được bao bọc xung quanh bởi 5 hồ nước trong lành với diện tích hàng trăm ha. Khi nhà máy xử lý nước thải đi vào hoạt động, 5 hồ này lấy nước đã qua xử lý của nhà máy, với chất lượng nước tốt, tạo nên môi trường trong lành trong khu vực công viên. Đó là “lớp áo” ngăn cách khu đô thị với những dòng sông ô nhiễm quanh khu vực. Mặt khác, trong thiết kế nhà máy xử lý nước thải có hệ thống kênh dẫn riêng để đi vào nhà máy nên ô nhiễm xung quanh giảm đáng kể. Xin đưa một ví dụ: nhà máy Gamuda xây dựng ở Bangkok, địa điểm nhà máy nằm liền kề với khu dân cư nhưng hầu như không gây tác động nào đến môi trường xung quanh
* Hà Nội sắp tăng gấp 3 lần diện tích và gần gấp đôi dân số. Với một đô thị như vậy, vấn đề xử lý nước thải cần được quan tâm như thế nào?
- Người Pháp từng xây dựng hệ thống cống ngầm trung tâm trong nội thành Hà Nội nhưng nay nó đã quá cũ. Còn hệ thống thoát nước của Hà Nội hiện nay lại đang quá tải, ngập lụt và ô nhiễm rất nặng. Việc xây dựng một hệ thống thoát nước mới rất tốn kém mà thực hiện được không đơn giản. Từ bài học đó, với những khu vực phát triển mới, Hà Nội cần chú trọng đến xây dựng cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hệ thống cấp thoát nước đồng bộ. Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở có khả năng phục vụ khoảng từ 1,2 đến 1,5 triệu dân. Với kế hoạch mở rộng, Hà Nội phải có 4 nhà máy công suất như thế mới giải quyết dứt điểm tình trạng nước thải đổ trực tiếp ra sông, hồ như hiện nay. Theo cam kết của tập đoàn Gamuda với TP Hà Nội, hệ thống thu gom và nhà máy xử lý nước thải Yên Sở sẽ đồng bộ với hệ thống xử lý nước thải qui mô lớn thuộc Dự án thoát nước nhằm cải thiện môi trường Hà Nội giai đoạn 2.
Phan Lê Tùng (thực hiện)
Bình luận (0)