Muốn đưa tinh tuý Việt Nam ra thế giới bằng hội họa

07/01/2009 15:40 GMT+7

(TNO) "Anh Giang rất hồn nhiên. Bao nhiêu sắc sảo được anh thể hiện hết trên mặt toan" - đó là nhận xét của dịch giả Thận Nhiên về họa sĩ Nguyễn Đại Giang. Còn chính họa sĩ Giang thì mô tả mình là người "sống phơi phới". Nhưng đằng sau cái về hồn nhiên và "phơi phới" đó của n gười sáng lập ra trường phái mỹ thuật Upsidedown là những khắc khoải không ngớt về nguồn gốc Việt Nam...

* Cụm từ "trở về quê hương" với ông có ý nghĩa gì không?

- Với tôi, trở về quê hương là về với cội nguồn. Những người càng đi xa lại càng mong trở về nơi sinh ra, trưởng thành với biết bao nhiêu phong tục, tập quán ăn sâu.

* Trong những lần trở về, ông thấy tranh Upsidedown có được nhiều người quan tâm?

- Hiện nay có rất nhiều người bắt đầu nói đến Upsidedown, nhất là các hoạ sĩ trẻ. Trong các buổi gặp gỡ, giao lưu, một số họa sĩ trẻ VN thường hỏi về trường phái Upsidedown, về kinh nghiệm làm việc ở nước ngoài. Họ quan tâm một cách nhìn mới trong hội hoạ.

* Ông có nghĩ tranh của ông sẽ bán được ở VN?

- Tôi nghĩ sẽ bán được. Vì thực tế là hiện nay nhiều người ở Hà Nội tới nhờ tôi vẽ tranh Upsidedown và tất nhiên tôi vẽ là... có tiền.

* Ông nghĩ họ thích vì một hình thức khác hay vì một ý nghĩa sâu xa nào đó?

- Cũng một hiện thực, nhưng bằng cách nhìn khác đã thay đổi nhãn quan của họ.

* Với những họa sĩ cùng thời với ông ở VN, ông nghĩ tranh của ông với họ có một chỗ đứng?

- Mỗi một họa sĩ có một cách nhìn riêng. Và tôi tự tin vì có một quan niệm, một cái nhìn trong hội họa theo riêng tôi và khác biệt với họ.


Một tác phẩm sơn dầu của họa sĩ Nguyễn Đại Giang với tên gọi "Bath"

* Thời gian sống trên đất Mỹ, ông đã "up" và "down" như thế nào?

- “Down” là thế này. Những ngày đầu ở Mỹ với hai bàn tay trắng, nghề của mình ở trường Mỹ thuật lại không dùng được. Lúc mình "down" nhất là lúc chấp nhận trở thành một công nhân. Ngoài giờ làm tôi mới vẽ theo mơ ước, từ sự tổng nghiệm của bản thân và rất nhiều người; tổng nghiệm tính chất của thời đại.

Dần dần, từng bước một, tôi đã được công nhận từ những cuộc thi lớn để có thể  tự tin tiếp tục sáng tạo...

Tháng 3.2008 tôi về lại nơi tôi đã khởi đầu sự nghiệp và phát triển cho đến cuối đời. Hiện giờ tôi đang "up" đây.

* Ông muốn gởi gắm điều gì vào tranh?

- Tôi muốn gửi gắm một thông điệp rằng cuộc đời không có gì là toàn vẹn, được cái này mất cái nọ. Luôn luôn nhìn cuộc sống bằng hai chiều “down” và “up”. Dám chấp nhận cái sai để sống với cái đúng. Giai đoạn này tôi đang vẽ về con người. Sau đó tôi tiến đến thiên nhiên,...

Những năm 90 ở Mỹ, tôi vẽ về người Mỹ, về Seatle. Những năm gần đây tôi lại vẽ về VN - nguồn gốc của tôi. Tôi muốn đưa tinh tuý VN ra với thế giới bằng hội hoạ. Lúc khởi đầu, tôi nhập gia tuỳ tục. Khi đã có một hướng nhất định, không nhất thiết phải vẽ người Mỹ, phải đưa được cái tố chất Việt Nam của mình. Nhưng vấn đề là có vẽ hay hay không, có được công nhận hay không chứ vẽ VN hay vẽ Mỹ cũng thế thôi.

Tôi đọc nhiều về triết lý đạo Phật nên đời sống phần nào cũng bị ảnh hưởng. Triết lý cuối cùng trong đời tôi đó là sự bao dung. Ngay cả sự sáng tạo giàu có hơn là nhờ sự bao dung: mình mở ra thì được nhận vào. Quá trình tiến triển của Upsidedownism là sự thắng mình. Mục đích của Upsidedown là đem lại cho người xem hạnh phúc, mặc dù mới nhìn có vẻ quái dị. Đặc trưng của Upsidedown là sự đa dạng, kế thừa và phát triển tinh hoa của dân tộc VN từ hình ảnh múa rối nước, con trâu, ca trù... Mảng của Upsidedown rộng lớn vô cùng nên có lẽ cả đời này tôi cũng không làm hết được.

* Ông bảo còn phải khai phá nhiều, vậy với tuổi đời của ông, ông đã đi được bao nhiêu đoạn đường rồi?

- Nói chung, tôi chỉ là người mở đầu. Hy vọng lớp trẻ sẽ phát triển hơn. Đời sống rất rộng lớn. Tôi chỉ là người mở ra một quan niệm. Còn đi tiếp như thế nào là do tài năng của từng người.

* Cảm ơn họa sĩ!

Sinh năm 1944, họa sĩ Nguyễn Đại Giang từng theo học Trung cấp Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội (1961), Cao đẳng Mỹ thuật Hà Nội (1965) và Ðại học Mỹ thuật Moska - Liên Xô (1968 - 1974).  Upsidedown với họa sĩ Nguyễn Đại Giang là cái nhìn về cuộc sống qua hội họa bằng sự "phi logic". Qua Upsidedown, họa sĩ phản ảnh những điều mắt thấy tai nghe, về sự vô thường trong đời sống...

                                                                            Duy Thủy (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.