Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tên thật là Nguyễn Vịnh (Tên Nguyễn Chí Thanh là do Hồ Chủ tịch đặt cho), sinh ngày 1/1/1914 tại Niêm Phò, Quảng Thọ, Quảng Điền, Thừa Thiên - Huế. Năm 17 tuổi, ông bắt đầu tham gia hoạt động cách mạng trong phong trào Mặt trận Bình Dân.
Năm 1938, một năm sau ngày được kết nạp Đảng, ông được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên. Từ năm 1938 - 1941, ông nhiều lần bị thực dân Pháp bắt giam. Năm 1941, ông vượt ngục tiếp tục hoạt động cách mạng tại Thừa Thiên – Huế. Tháng 8/1945, ông được cử đi dự Hội nghị Tân Trào ở Tuyên Quang và được bầu vào Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Xứ ủy Trung kỳ.
Năm 1947, ông được cử làm Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên, rồi Bí thư Phân khu ủy Bình Trị Thiên, Bí thư Liên khu ủy Liên khu 4. Cuối năm 1950, ông được điều động làm Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐNDVN, Phó Bí thư Tổng quân ủy. Tháng 2/1950, tại Đại hội đại biểu toàn quốc Tổng liên đoàn Thanh niên Việt Nam diễn ta ở Việt Bắc, ông được bầu làm Chủ tịch Liên đoàn Thanh niên Việt Nam.
Năm 1959, ông được phong thẳng quân hàm Đại tướng. Liên tiếp trong 2 kỳ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 2 và 3, ông được bầu vào Bộ Chính trị. Cuối năm 1960, công cuộc cải cách nông nghiệp cơ bản hoàn thành, ông được phân công làm Trưởng ban Nông nghiệp Trung ương, chăm lo hoàn thiện quan hệ sản xuất mới và phát triển sản xuất.
Khi đế quốc Mỹ tiến hành cuộc Chiến tranh cục bộ, đưa quân vào miền Nam, ông được Trung ương quyết định điều trở lại Quân đội vào Nam trực tiếp lãnh đạo cuộc kháng chiến, trên cương vị Bí thư Trung ương Cục, Chính ủy Bộ tư Lệnh quân giải phóng miền Nam. Đầu năm 1967, Bộ Chính trị triệu hồi ông từ B2 ra Hà Nội báo cáo tình hình chiến trường, sau đó ông đột ngột ra đi vì bệnh tim vào ngày 6/7/1967.
Trong bất cứ cương vị, trọng trách nào, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh cũng luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ bằng tài thao lược, trí sáng tạo và sự kiên định của người Cộng sản chân chính. Sau bao nhiêu năm kiên trì đấu tranh, chiến đấu, vào tù ra khám... con người ông được hun đúc, trưởng thành từ người lính.
Thế nhưng, khi được giao trọng trách mới Trưởng Ban Nông nghiệp Trung ương, ông đã "lên rừng, xuống biển" sống cùng người dân, lắng nghe dân để tìm, nghiên cứu và rút kinh nghiệm các mô hình quản lý mới, hiệu quả. Từ cách làm này, các phong trào Gió Đại Phong, Sóng Duyên Hải trên mặt trận kinh tế đã ra đời, trở thành phong trào thi đua toàn quốc, giải quyết đúng hướng nhiều vấn đề cơ bản trong buổi đầu phát triển kinh tế nông nghiệp mới...
Cũng với cách làm "bám cơ sở", khi được giao trở lại miền Nam trực tiếp lãnh đạo cuộc kháng chiến với nhiệm vụ cấp bách là xác định phương châm hữu hiệu đối phó với kẻ địch mạnh hơn ta gấp nhiều lần về phương tiện, kỹ thuật chiến tranh, ông đã xuống từng địa bàn, cơ sở nghiên cứu kỹ từng điều kiện của ta, nắm thêm thông tin về địch để đề ra phương sách "Bám lấy thắt lưng địch mà đánh". Phương sách này sau đó đã trở thành phong trào thi đua toàn miền Nam đánh giặc, góp phần quan trọng đập tan cuộc Chiến tranh cục bộ của địch.
Trong cương vị Chủ tịch Liên đoàn Thanh niên Việt Nam, Đại tướng là người bạn thân thiết, người anh lớn dẫn dắt tuổi trẻ Việt Nam từ Bắc vào Nam hăng hái tham gia các phong trào thi đua Tòng quân giết giặc lập công, Tăng gia sản xuất thực hành tiết kiệm, Đẩy mạnh chiến tranh du kích và đấu tranh chính trị trong lòng địch...
Trong thời gian công tác ở miền Nam, ông cũng luôn quan tâm đến phong trào thanh thiếu nhi, trực tiếp tham dự các Đại hội Đoàn và Đại hội Liên hiệp Thanh niên Giải phóng, cho nhiều ý kiến chỉ đạo quý báu, trong đó có phong trào Năm xung phong, từ đó xuất hiện hàng vạn dũng sĩ diệt Mỹ. Ông là một tấm gương sáng, một người cộng sản chân chính, suốt đời phấn đấu vì lý tưởng của Đảng, vì độc lập, thống nhất đất nước và CNXH, vì hạnh phúc của nhân dân và tương lai tươi sáng của tuổi trẻ.
Đức Trung
Bình luận (0)