Cuộc đời của thủ lĩnh Mohammed Bakr al-Hakim

30/09/2003 15:49 GMT+7

Mohammed Bakr al-Hakim sinh năm 1939, là con của Đại giáo chủ Muhsin al-Hakim (thủ lĩnh tinh thần của dòng Hồi giáo Shiite giai đoạn 1955-1970). Gia đình Al-Hakim được hàng triệu người theo hệ phái Shiite khắp thế giới Hồi giáo kính trọng.

Al-Hakim sinh trưởng và nghiên cứu tôn giáo tại thành phố Najaf, thánh địa của người Hồi giáo Shiite trên toàn thế giới. Ông là đồng sáng lập của phong trào chính trị Hồi giáo ở Iraq trong những năm cuối thập kỷ 50 cùng với nhân vật nổi tiếng khác là thủ lĩnh Sayed Mohammed Bakr al-Sadr.

Biểu tượng của SCIRI.
Biểu tượng của SCIRI.

Năm 1972, thủ lĩnh Mohammed Bakr al-Hakim bị chính quyền đảng Baath Iraq bắt giam và phải chịu những hình phạt tra tấn. Nhờ dư luận gây sức ép mạnh mẽ, Baghdad mới chịu phóng thích cho ông.

Nhưng đến năm 1977, Al-Hakim lại bị bắt lại sau cuộc nổi dậy chống chính quyền hồi tháng 2 năm đó ở Najaf. Một toà án đặc biệt đã tuyên ông án tù chung thân mà không hề qua cuộc xét xử nào. Hai năm sau, tháng 7/1979 Al-Hakim lại được trả tự do nhờ sức ép của đông đảo dư luận.

Sau khi ra tù, Mohammed al-Hakim tiếp tục liên lạc bí mật với Al-Sadr cho đến khi ông này bị chính quyền Saddam Hussein giết tháng 4/1980. Sự kiện này đã đẩy Al-Hakim đi đến quyết định rời Iraq sang Iran ngay khi cuộc chiến giữa hai quốc gia láng giềng bùng nổ. Ông trở thành nhân vật chính trong cuộc vận động thành lập Hội đồng tối cao cách mạng Hồi giáo Iraq (SCIRI) tháng 11/1982.

Mohammed Bakr al-Hakim và các chiến binh Quân đoàn Badr.
Mohammed Bakr al-Hakim và các chiến binh quân đoàn Badr.

Ngay sau khi SCIRI ra đời, Saddam Hussein đã cho thi hành các biện pháp cứng rắn đối với Mohammed Bakr al-Hakim và những người cùng tổ chức với ông. An ninh Baghdad cho bắt 125 thành viên gia đình Al-Hakim năm 1983, trong đó có 18 người đã bị đưa đi hành quyết. Anh trai của Al-Hakim là Sayed Mahdi al-Hakim cũng bị ám sát tại Sudan tháng 1/1988.

Bất chấp những thử thách trên, Al-Hakim vẫn tiếp tục các hoạt động chính trị chống lại chính quyền Saddam Hussein. Ông đứng lên tập hợp cộng đồng đông đảo những người Iraq lưu vong ở Iran và vạch ra chiến lược cho SCIRI:

1. Thành lập các tiểu tổ kháng chiến bí mật bên trong lãnh thổ Iraq.
2. Vận động người Iraq sống ở nước ngoài và huấn luyện họ sử dụng vũ khí.
3. Thành lập một lực lượng vũ trang chống lại chính quyền Saddam Hussein.

Mohammed Bakr al-Hakim khởi đầu lực lượng vũ trang của mình bằng một đơn vị gọi là lữ đoàn Badr rồi dần dần phát triển lên thành sư đoàn và quân đoàn. Lực lượng này gồm hàng nghìn chiến binh tuyển lựa từ những người tị nạn, dân di cư và các cựu sĩ quan quân đội Iraq sống lưu vong ở Iran. Sau cuộc nổi dậy ở người Shiite tại Iraq năm 1991, quân đoàn Badr của Al-Hakim đã tăng đáng kể về số lượng.

Một cuộc biểu dương lực lượng của Quân đoàn Badr.
Một cuộc biểu dương lực lượng của quân đoàn Badr.

Tổ chức của quân đoàn Badr gồm cả bộ binh, thiết giáp, pháo binh, phòng không và các đơn vị biệt kích. Công tác huấn luyện những chiến binh lực lượng này do các sĩ quan Iraq đào ngũ đảm nhiệm. Chiến lược hoạt động và phát triển của quân đoàn Badr:

1. Xây dựng các căn cứ quân sự ở một số khu vực an toàn như vùng người Marshe ở miền nam Iraq và vùng người Kurd ở miền bắc.
2. Lập các nhóm kháng chiến nhỏ bí mật trên khắp lãnh thổ Iraq.
3. Duy trì việc vận động và thành lập các trại huấn luyện bên ngoài lãnh thổ Iraq.

Trong cuộc nổi dậy của người Shiite Iraq năm 1991, các nhóm kháng chiến nằm vùng của quân đoàn Badr đã tham gia vào nhiều hoạt động ở khắp Iraq, đặc biệt là khu vực miền nam nước này. 

Tháng 5 vừa qua, Mohammed Bakr al-Hakim đã từ Iran trở về cố quốc sau 23 năm sống lưu vong. Ông đã trở thành một trong những nhân vật nổi bật nhất trong giai đoạn hậu chiến ở Iraq. Nhưng chỉ hơn 3 tháng sau, một chiếc xe chở bom đã chấm dứt mọi nỗ lực đấu tranh của ông.

Bên cạnh các hoạt động chính trị, Mohammed Bakr al-Hakim còn là lãnh đạo của nhiều tổ chức Hồi giáo khác nhau và tác giả của một số cuốn sách về đạo Hồi và tư tưởng chính trị.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.