Được mệnh danh là “đồ tể” của Uganda, nhà cựu độc tài I.Amin đã qua đời trên giường bệnh ở độ tuổi 70 ở Ả Rập Xê Út sau 25 năm sống lưu vong hết sức nhàn nhã tại đây. Người dân Uganda kể rằng Amin đã từng cất giữ đầu các đối thủ của mình trong tủ lạnh và từng có lần trưng một số ra bàn ăn để lưu ý thực khách rằng chớ có mà làm trái ý ông ta. Cũng có tin Amin ăn cả thịt người, ra lệnh chặt hết tay chân của một tình nhân không chung thủy và dùng những phần thi thể còn lại của các nạn nhân để cho các sấu Hồ Victoria ăn. Ông này được coi là “kiến trúc sư” của “công trình” giết hại đến 400 ngàn người Uganda trong 8 năm cầm quyền (1971-1979).
Thế nhưng thật đáng tiếc là ông ta lại “về thế giới bên kia” mà không hề bị pháp luật trừng phạt. Người ta vẫn thường xuyên thấy nhà cựu độc tài Haiti J.Duvalier, người đào tẩu khỏi đảo quốc mình vào năm 1986 sau một cuộc nổi dậy chống lại 15 năm cầm quyền tàn bạo của ông ta, lái một chiếc Ferrari màu đỏ lượn lờ quanh khu nghỉ mát Riviera của Pháp.
Rồi Tổng thống M.Mariam của Ethiopia mà giai đoạn nắm quyền bị che mờ bởi các cuộc thanh trừng, chiến tranh, đói và là thủ phạm gây ra cái chết của 500 ngàn người, thì hiện đang ngụ tại một trang trại ở Zimbabwe do ông bạn-Tổng thống R.Mugabe cấp. Nhà độc tài Uganda M.Obote, bị các đối thủ trong nước cáo buộc là còn độc ác hơn cả Amin thì đang sống khỏe tại Zambia, trong khi nhà cựu lãnh đạo A.Stroesser của Paraguay-người có biệt danh “bàn tay sắt” và chứa chấp những kẻ tội phạm chiến tranh Đức quốc xã- hiện đang ở Brazil.
Rồi mới đây là cựu Tổng thống Liberia C.Taylor. Ông này lâu nay được coi là chủ mưu đằng sau những cuộc xung đột liên miên đan trộn với nhau kéo dài nhiều năm ở Tây Phi, đồng thời nổi tiếng với “thành tích” chặt tay chân thường dân vô tội, hãm hiếp tập thể và tuyển mộ binh sĩ trẻ em. Tòa án đặc biệt do LHQ bảo trợ tại Sierra Leone đã kết tội Taylor là ủng hộ và vũ trang cho quân nổi dậy trong cuộc nội chiến kéo dài ở nước này để đổi lấy kim cương, và ra lệnh truy nã ông này. Sau 6 năm trên đỉnh quyền lực, Taylor buộc phải từ chức hồi tháng 8 vừa qua và được tị nạn tại Nigeria trong một tòa biệt thự nguy nga sang trọng với bầu đoàn thê tử tùy tùng.Và danh sách các “bạo chúa” hiện đang sống lưu vong một cách phè phỡn sau khi bị đẩy khỏi quyền lực vẫn chưa phải là hết...
Tương lai nào cho các “bạo chúa”?
Đọc xong những câu chuyện trên có lẽ nhiều người sẽ cảm thấy vô cùng phi lý, kinh tởm và tức giận. Đa số những “bạo chúa” bị lật đổ-những người đã gây ra sự đói khổ và chết chóc của hàng trăm ngàn người-vẫn tin rằng một ngày nào họ sẽ có thể quay lại quyền lực. Họ đều tin rằng lịch sử sẽ chứng minh sự “trong sáng” của mình. Cuộc sống lưu vong phần nào khá đế vương của những “bạo chúa” này đã làm bật lên câu hỏi về công lý. Không lẽ việc sống lưu vong của những người này là một sự đổi chác công bằng cho khả năng hòa bình tại các quốc gia mà họ đã “dày xéo” và mang lại cơ hội tái sinh cho một đất nước vốn đã tan tành dưới sự cai trị của họ?
Dù không phải là lệnh truy nã nhưng thông báo của Interpol cũng có thể được cảnh sát sử dụng để tạm thời bắt giữ Taylor chờ dẫn độ về Sieera Leone xét xử. Theo Interpol thì Taylor sẽ không thoát khỏi sự kết tội mà tòa án LHQ ở Sierra Leone đã đưa ra và ông ta vẫn là một kẻ đang trốn tránh pháp luật. Hẳn mọi người vẫn còn nhờ vụ bắt giữ nhà cựu độc tài Chilê A.Pinochet tại London (Anh) cách đây 5 năm. Dù ông này sau đó được trả tự do vì sức khỏe yếu kém nhưng vụ bắt giữ là một thông điệp rằng những tháng ngày tự do của các “bạo chúa” đang sắp kết thúc.
Trong khi nhiều “bạo chúa” không bị đưa ra xét xử do những sai phạm của mình nhưng theo các nhà phân tích thì thế giới ngày nay tỏ ra chú ý hơn đến việc đưa ra pháp luật những kẻ trước đây từng được xem là miễn trừ. Đặc biệt là việc Tòa án tội phạm quốc tế (ICC) được thành lập và sẽ được dùng như một tòa án thường trực để xét xử các cá nhân vi phạm những tội ác quốc tế nghiêm trọng nhất như diệt chủng và tội ác chiến tranh. Tuy nhiên, cho đến nay mới chỉ có 90 nước phê chuẩn ICC, trong đó đáng chú ý là sự vắng mặt của Mỹ. “Có một xu huớng chung hướng đến pháp lý quốc tế, nhưng chúng ta vẫn còn một chặng đường dài để đi”, một chuyên gia đã nhận định như vậy.
Xuân Anh
Bình luận (0)