Thanh Niên số ra ngày 26/7/2003 có bài viết “Tòa tuyên Đào Quốc Túy vô tội, người dự khán ngơ ngác" đã phản ánh ở phiên tòa sơ thẩm ngày 25/7/2003, dù công tố viên đề nghị Hội đồng xét xử tuyên phạt Túy mức án từ 5 - 7 năm tù nhưng Tòa lại tuyên bố Đào Quốc Túy... không phạm tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" như cáo trạng truy tố vì cho rằng tất cả những hành vi mà Viện kiểm sát truy tố chỉ là các "quan hệ kinh tế" và các "giao dịch dân sự". Xin nhắc lại các hành vi của Túy được tòa sơ thẩm nhận định chỉ là các "quan hệ kinh tế" và các "giao dịch dân sự".
Theo cáo trạng của Viện KSND TP Hồ Chí Minh, Đào Quốc Túy có lô đất nông nghiệp có diện tích hơn 8.000m2 chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tọa lạc tại số 74/807E đường Nguyễn Oanh, P.17, Q.Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh. Đào Quốc Túy đã rủ nhiều người bỏ tiền xây dựng nhà xưởng trên mảnh đất của Túy để cùng kinh doanh. Nạn nhân đầu tiên của Đào Quốc Túy là ông Trần Hoàng (ngụ tại Q.Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh), ông Hoàng đã đầu tư gần 1,5 tỉ đồng xây dựng xưởng may. Khi xưởng may sắp hoàn tất thì Đào Quốc Túy lại đem nhà xưởng này cho bà Võ Thị Thanh Hồng (ngụ tại Q.Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh) thuê.
Bà Hồng đã trả trước tiền thuê theo yêu cầu của Đào Quốc Túy 15.000 USD. Khi bà Hồng chuẩn bị lắp đặt máy móc để sản xuất thú nhồi bông ở đây thì bị ông Trần Hoàng ngăn cản quyết liệt. Bà Hồng đã tìm Túy để hỏi rõ cội nguồn thì Túy cố tình tránh mặt. Ông Hoàng và bà Hồng đang dở khóc, dở mếu thì Túy lại tiếp tục lừa hàng chục nạn nhân khác với một chiêu thức tương tự để chiếm dụng trên 3,6 tỉ đồng và hơn 100 lượng vàng.
Bản án sơ thẩm trên đã bị Hội đồng xét xử Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP Hồ Chí Minh quyết định hủy toàn bộ do có những vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng như: không đưa những người bị hại vào tham gia tố tụng nhưng lại bác yêu cầu của họ về việc đòi nợ; những chứng cứ được thu thập trong hồ sơ vụ án chỉ là bản photocopy không có công chứng, chứng thực; có nhiều lời khai của bị cáo và bị hại mâu thuẫn với nhau nhưng cơ quan tiến hành tố tụng cấp sơ thẩm không cho đối chất.
Cấp sơ thẩm còn có những sai phạm nghiêm trọng và hy hữu đến mức khó tin: Trong biên bản nghị án "có một phần không ghi bằng tiếng Việt" và ở phần cuối cùng của biên bản nghị án "có ghi thêm bằng chữ viết tay về việc tách vụ án ra để xử dân sự" nhưng không chữ ký của Hội thẩm Nhân dân và Thẩm phán.
Dư luận không thể không đặt vấn đề: Vì sao tòa sơ thẩm có thể sai phạm đến như vậy?
Minh Thuận
Bình luận (0)