Một thời Đà Lạt

15/12/2003 17:19 GMT+7

Với tôi, thật khó xác định Đà Lạt là phố thị hay nông thôn, quê hương hay chốn trọ, chỉ biết rằng cái thời sống và yêu đương sôi nổi, man dại nhất của tôi đã gửi lại nơi này. Thời chúng tôi là sinh viên văn khoa Đà Lạt, cha mẹ đều nghèo giữa thời bao cấp, tiền nhà gửi từ miền quê lên cứ như khói sương của cái tuổi ăn tiêu, học đời, làm lụng, ái ân,… bạt mạng.

Đà Lạt, những rặng thông, vạt hoa, áo vàng con gái thấp thoáng, vun vút, rưng rức cửa nhà, cửa lòng tuổi trẻ. Đà Lạt, sương ơi là sương, nhiệt thành ơi là nhiệt thành, buồn ơi là buồn của cái thời vô định, vô minh trước cuộc đời bộn bề nhựa sống mà chẳng biết trút vào đâu cho thỏa! Thiếu tiền cơm, tiền đóng học phí, tiền dẫn bạn gái uống cà phê,… chúng tôi lao đi tìm việc và làm hùng hục như điên; bình quân chỉ năm nghìn đồng mỗi ngày công. Việc làm chủ yếu là nỉa đất, thu hoạch rau củ cho những nhà vườn. Lũ chúng tôi, phần lớn con dân gốc rạ miền Trung, lao động chân tay chỉ là chuyện vặt. Thế nhưng chẳng có đứa nào quen được với cảm giác luôn bị giày vò vì cái bụng kiến bò cùng cái giá rét rộn rực của thời khí Đà Lạt khi đó. Nỉa đất, cuốc vườn, bên ngoài lành lạnh, bên trong áo khoác là mồ hôi, cơ hàn và trái tim luôn luôn cao sang quyền quý.

Giáo sư Hồ Tấn Trai, tóc như mơ màng, đi dạo cùng con chó nhỏ. Ngang qua chỗ đám sinh viên đang làm đất, thầy cất giọng hiền từ: "Cà rốt kỳ này trúng mùa không, các bác?". Cả lũ chúng tôi thấy thầy đằng xa đã vội xoay lưng áo tơi, kéo nón che mặt quay đi nhưng lại không thể chối từ câu hỏi của người thầy tôn kính. Thế là cả bọn cùng cất tiếng: "Chào thầy ạ…!". Bỗng dưng giọng thầy thút thít nước mắt: "Trời ơi, học trò của tôi, các em khổ thế này sao…? Biết thương các em để đâu cho vừa… Thôi, về nhà thầy ăn cơm, hỉ?…". Chúng tôi vui vẻ phân bua với thầy khá nhiều, rồi thầy cũng gật gật đầu: "À, do chúng em thích thế này nên sẽ chẳng thấy vất vả. À, thế này thì còn quá vui là đằng khác, các em nhỉ ? Ừ, tuổi trẻ mà, có gì đâu mà phàn nàn. Hôm nào dắt người yêu đến nhà thầy, đọc thơ cho thầy nghe, nhá?!…". Rồi như chưa hề thấy gì, thầy lò dò cây ba toong, lẩm nhẩm câu thơ Lamartine theo sương chiều Đà Lạt đã phủ trắng núi đồi.

Sao cái ngày đó, chúng tôi đói ăn và đói yêu khủng khiếp thế? Bao nhiêu cũng không vừa, bấy nhiêu cũng chẳng no, chẳng đủ! Đôi lúc có tiền, chúng tôi vào quán cơm tháng, ăn hết suất, lại xin thêm cơm hẩm và nước mắm loãng để ních như tằm ăn rỗi; thế mà bước chân ra khỏi quán, vuốt vuốt bụng, chợt thấy như… chưa từng được hạt cơm nào! Nhiều hôm hết tiền, đi làm về, chúng tôi xin mấy túm khoai tây, khoai lang, cà rốt, su su, củ cải,… đem về ký túc xá, mua mấy đồng gạo mắm, dầu mỡ, bột ngọt, rồi gái trai xúm xít nấu nướng, xì xụp ăn như chưa bao giờ ngon đến thế! Căng bụng phởn chí thì hát ca, đọc sách, làm thơ bất kể sớm khuya. Thế nhưng quá mười hai giờ đêm là dạ cồn cào, đành mặc chồng mấy lớp áo để lao đi trong gió sương khuya lọ mọ đào củ, hái rau… trộm của mấy nhà vườn. Rồi lại về bẻ cành thông lụi hụi nấu nướng. Có nhiều nồi khoai tây ứ hự vừa luộc xong, chúng tôi ăn nhanh đến nỗi khi không còn củ nào mà đáy nồi vẫn còn bốc khói nóng. Cũng vì chuyện này mà có đứa đã bị nhà vườn bắt gặp, điệu lên cuốc cỏ tại sân công an phường 7, người yêu phải hằng ngày mang cơm… tiếp tế.

Tôi có quen anh bạn lang bạt từ Huế vào. Anh vừa tốt nghiệp đại học văn khoa đất cố đô. Bí việc làm, anh mở quán cơm bán cho sinh viên cạnh ký túc xá ở phường 7, đường Phù Đổng Thiên Vương, Đà Lạt. Địa điểm quán cơm phải thuê từng tháng, chủ quán thì đi mua nợ từng cân gạo, bọc khoai, lít mắm, tép hành,… còn thực khách chúng tôi thì chuyên cần đến ăn… ký sổ. Anh đã phải còng lưng cầm cự bằng cả tấm lòng hào hiệp của người trong cuộc, đâu chừng hơn ba tháng thì anh cùng nhóm khách hàng mở một hội nghị bên chén rượu trắng để tuyên bố… phá sản. Con nợ khóc, chủ nợ khóc, nước mắt hay rượu tuôn cũng cứ nuốt thẳng vào lòng; nức nở, tu tu, hức hức to nhất là mấy cô sinh viên năm nhất, năm nhì. Giờ anh đã thành danh rồi, chúng tôi cũng bình an vô sự, con cháu đề huề, biết trả nghĩa cho nhau như thế nào đây?

Với tôi, Đà Lạt chỉ có vậy! Cái thế đất chập chùng giai nhân và lãng tử đã thành máu mủ, cốt tủy trong tôi từ lâu rồi. Ừ, thì dù đang yên ấm vẹn toàn nơi chôn rau cắt rốn, giá chót mỗi năm cũng phải làm một chuyến hành hương về nơi đó. Và tôi gọi ấy là hạnh ngộ, là may mắn lớn nhất trong đời khi biết mình có Đà Lạt, Đà Lạt biết có mình…

Tuy Hòa 2003
Đào Đức Tuấn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.