Thị hiếu khán giả sân khấu kịch hiện nay: Bi hài kịch tâm lý!

15/12/2003 22:55 GMT+7

Những năm gần đây, kịch nói nở rộ với nhiều “màu” khác nhau. Từ đó, một vấn đề được đặt ra là thăm dò thị hiếu khán giả, vừa để thu hút người xem, vừa để định hướng phát triển cho kịch nói. Sau thời gian thăm dò, các nhà quản lý đã rút ra được điều gì?

Cách đây hai năm, ông Huỳnh Anh Tuấn (sân khấu IDECAF) và Phước Sang (sân khấu Kịch Sài Gòn) dù đang rất “ăn nên làm ra” vẫn băn khoăn khi nói về thị hiếu khán giả: “Thú thật là chúng tôi đang hoang mang không biết chắc khán giả thích cái gì. Làm vở thì doanh thu khá đấy, nhưng mỗi lần ra vở là mỗi lần hồi hộp. Hình như cuộc sống cũng đang trong giai đoạn chuyển mình, nên các giá trị chưa định hình, khán giả chưa dừng lại ở một cái gu nhất quán”. Chính vì vậy, dù rất nhạy bén nhưng có nhiều vở ông bầu cũng đành chịu lỗ.

Và đến bây giờ, thì ẩn số ấy hình như bắt đầu hiện rõ, các nhà quản lý có

Vở Vàng hay bạc nhái
thể tạm yên tâm khi xây dựng kịch mục. Theo ông Huỳnh Minh Nhị, Giám đốc Nhà hát Sân khấu nhỏ: “Mẫu số chung của khán giả hiện nay là bi hài kịch tâm lý. Trong vở phải có những đỉnh điểm của cảm xúc, có tư tưởng, đồng thời phải chen vào chút gì vui vui cho khán giả thư giãn. Không có nội dung tư tưởng thì khán giả tiếc tiền mua vé. Nhưng không có tiếng cười thì khán giả căng thẳng cái đầu”.

Rõ ràng, các sân khấu đang dàn dựng theo mẫu số chung ấy. Kịch Sài Gòn trước kia chỉ toàn hài, thì nay đã có thêm... nước mắt. Ví dụ, vở Em lấy chồng xứ lạ, Lặng lẽ khóc cười, khán giả cười xong lại khóc vì cảnh cô Hết làm vợ một gã tâm thần, vì cảnh bà Năm bán chuối gặp lại người chồng phụ bạc... IDECAF có Tiếng vạc sành khóc mùi mẫn, nhưng đến đoạn ông Uát Hoa kể chuyện tình yêu thì khán giả cười lăn, hoặc Hãy yêu nhau đi tươi tắn, đến đoạn cô bé nguyện cầu thần cây thì khán giả chợt lắng xuống. Sân khấu 5B có vở Yêu kể chuyện đôi vợ chồng nghèo nhí nhảnh, nhưng cái tình của họ khiến khán giả động lòng, hoặc chùm hài Giấc mơ vui cuối cùng khán giả vẫn khóc vì tên ăn trộm được bà già mù cảm hoá. Đến ngay bi kịch của Chị Dậu (sân khấu Phú Nhuận) mà khán giả vẫn có đoạn cười thư giãn khi ông phủ trổ mòi...dê. Đơn cử như thế để thấy rằng xu hướng bi hài kịch tâm lý đang nổi trội, và đáp ứng được thị hiếu khán giả.

Trần Thị Hồng Loan (giáo viên ở Q4): "Xem kịch không thể dễ dãi, cũng không nên đao to búa lớn. Mức độ “động não” như ở IDECAF và 5B là vừa. Hài rất cần, nhưng đừng hài bát nháo, khó chịu lắm!"

Cẩm Nhung (tiểu thương, Q.Tân Bình): "Tôi không kén chọn diễn viên, miễn diễn hay và vui là được. Đề tài đôi khi bình dị, nhưng lại thấm thía, như chữ hiếu trong Nắng chiều, câu hò truyền thống trong Thuyền tình.." 

Trước nay, ta thường chỉ thấy hài kịch hoặc chính kịch, bi kịch, vậy có vấn đề gì không khi “kết hợp” kiểu này? Xét cho cùng, chính cuộc sống phong phú sẽ sản sinh ra các thể loại nghệ thuật mới, rồi mọi người sẽ chấp nhận. Khách quan mà nói, cái hài chen vào cái bi cũng chẳng có gì đáng chê trách, nhưng đạo diễn và diễn viên phải biết tiết chế cho cân bằng. Có nhiều vở, diễn viên hứng khởi quá, cứ kéo nhây lớp hài của mình, khiến nội dung chính bị nhoà, nhân vật chính không còn đất để thể hiện. Nên xác định rõ đây là vở bi hay hài, thì những mảng khác chỉ là điểm xuyết. Như vậy, mạch kịch mới không bị rối, đường dây không lộn xộn, sa đà. Chứ không thể nói “bi hài kịch” rồi muốn cơ cấu chỗ nào cũng được, tỷ lệ bao nhiêu cũng được, rất ngẫu hứng và tuỳ tiện theo sự thất thường của diễn viên.

Ẩn số thị hiếu quả là bài toán mà các nhà tổ chức biểu diễn luôn mong có lời giải, để từ đó có những vở diễn đáp ứng được thật sự nhu cầu của khán giả. Những thực tế diễn ra của sân khấu trên đây phần nào cũng trả lời được những băn khoăn đó .Tuy nhiên, theo ông Hùynh Anh Tuấn: “Gam màu chung là vậy, nhưng vẫn còn những nhóm khán giả có thị hiếu khác, thí dụ mê chính kịch, thể nghiệm, chúng ta không thể bỏ quên họ”. Đó là Chữ lửa, Ma tuý cho mỗi người, Chuyện tình nữ phạm nhân... của IDECAF và 5B sắp tới.

Hoàng Kim

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.